Nhìn lại cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam (Kỳ cuối: Những bài học kinh nghiệm)

Thứ bảy, 20/03/2021 12:36

Trao giấy ra viện cho các bệnh nhân được điều trị COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1, Hải Dương, ngày 11-2.

Từ thực tế diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời qua thời gian triển khai các biện pháp phòng chống dịch kể từ đầu năm 2020, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam như sau:

Một là, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp ủy Đảng với sự nỗ lực, khẩn trương của chính quyền các cấp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đã có lời kêu gọi toàn dân đồng lòng, chung tay chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các chỉ đạo thần tốc, quyết liệt và đúng thời điểm ngay từ rất sớm, đã mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh. Có thể nói đây là một trong những điểm đặc biệt của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Hai là, triển khai sớm, chủ động và đặc biệt là kiên định với biện pháp chống dịch xuyên suốt các giai đoạn là “chủ động ngăn chặn-phát hiện sớm-cách ly kịp thời-khoanh vùng gọn-dập dịch triệt để-điều trị hiệu quả.” Ngay từ đầu, ngành Y tế đã kiên quyết cách ly những người tiếp xúc gần (F1) và lấy mẫu xét nghiệm để đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. Từ đó liên tục mở rộng năng lực xét nghiệm.

Ba là, với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), tất cả các địa phương trong cả nước đều thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh, thành phố. Đây là một trong những yếu tố then chốt đảm bảo thành công. Việt Nam đã sáng tạo ra những cách chống dịch rất hiệu quả, tổng hợp sức mạnh của hệ thống chính trị và ý thức công dân của từng người dân.

Bốn là, minh bạch trong việc cung cấp thông tin, truyền thông sâu rộng. Xác định rõ ngay từ đầu “thắng truyền thông mới thắng được dịch,” Việt Nam đã huy động sức mạnh tổng thể của nền báo chí cách mạng Việt Nam; phát huy hết sức hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật; các lực lượng; các phương tiện; kết hợp đa dạng các hình thức truyền thông để tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch thực sự ấn tượng và hiệu quả.

Năm là, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các Bộ, ngành trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa ngành y tế và công an, quân đội và các ngành liên quan. Đánh giá về sự phối hợp này, Tổ chức Y tế thế giới nhận định: “Việt Nam đã cho thế giới thấy sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương”.

Sáu là, chủ động chia sẻ thông tin, hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong phòng chống dịch COVID-19. Ngay từ đầu dịch, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới để chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp chống dịch quyết liệt nhưng hợp lý, điều đó đã được tổ chức quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bảy là, chuẩn bị chủ động về hậu cần. Ngành Y tế phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương chủ động chuẩn bị hậu cần, bao gồm tất cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho công tác phòng, chống dịch. Chỉ một thời gian ngắn sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm, máy thở...

Tám là, đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Tất cả các hoạt động phòng, chống dịch trong lĩnh vực y tế, cũng như trong kiểm soát biên giới, quản lý người nhập cảnh, bảo hộ công dân... đều tạo điều kiện để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra. Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc nhở các ngành, các địa phương việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ,” hạn chế đi lại, hạn chế giao thương.

Nhờ những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép mà Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 3%, là một trong số rất ít nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

T.T