Nhìn lại hoạt động Văn học Đà Nẵng năm 2020
Hội Nhà văn TP Đà Nẵng vừa có thông báo chính thức về việc xét giải thưởng văn học năm 2020. Theo đó, tập thơ Giới hạn của tác giả Phan Hoàng Phương (NXB Đà Nẵng, 2020) được giới thiệu để Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng trao Giải thưởng VHNT năm 2020; trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP Đà Nẵng cho hai tác phẩm Dấu xưa xứ Quảng của Trần Trung Sáng (NXB Hội Nhà văn, 2020) và Những ngọn gió khuya của Ngân Vịnh (NXB Văn học, 2020); trao Tặng thưởng cho tác phẩm Ngăn kéo thời gian của Nguyễn Hoàng Thọ (NXB Hội Nhà văn, 2020); trao Tặng thưởng khuyến khích về xuất bản tác phẩm thơ dịch cho tập thơ song ngữ Việt Anh ... Rồi từ đó (... Since then) của Mai Hữu Phước, do Trần Minh Hiền dịch ( (NXB Hội Nhà văn, 2020).
Một số tác phẩm văn học được giới thiệu. |
1. Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn Đà Nẵng, trong năm 2020, cũng tương tự nhiều mặt hoạt động xã hội khác, đại dịch Covid-19 đã gây tác động không nhỏ trong đời sống sáng tác văn nghệ của hội viên. Tuy nhiên, các nhà văn, nhà thơ đã không ngừng nỗ lực, cố gắng sáng tác bám sát thực tế, ấn hành và ra mắt 11 tác phẩm (8 thơ, 3 văn xuôi) có chất lượng. Trong đó, ở mảng thơ vẫn thường chiếm số lượng ưu thế, điển hình đó là:
Giới hạn, thơ Phan Hoàng Phương (Nxb Đà Nẵng 2020):
Tập thơ gồm 45 bài, tên gọi Giới hạn như một chủ đề xuyên suốt, với những câu thơ day dứt, đau đáu phận người. Đáng chú ý, sâu kín trong một số bài thơ như: Khóc, Quê người, Kết thúc, Chia tách, Thiền, Năm 93, Rằm tháng bảy, Hoa gạo, Quay lại, Tựa, Giới hạn, Đường chỉ tay, Như một lời tạ ơn..., tác giả gửi gắm bao nỗi niềm, bao tiếc nuối cho phận đời, như con tằm vương tơ, như ánh trăng chưa khuyết, như ngọn nến chưa tàn, nghĩa là còn vấn vương, nặng nợ.
Ngăn kéo thời gian, thơ Nguyễn Hoàng Thọ (Nxb Hội Nhà văn 2020):
Tuyển tập gồm 49 bài thơ chọn lọc, nội dung tựa những câu chuyện mang dấu ấn tự truyện, cùng những ước mơ, dằn vặt, tình yêu thơ mộng, đau xót và quằn quại, với muôn ngàn bóng dáng, luôn luôn thay hình đổi dạng..., để rồi kỷ niệm ấy bỗng nhiên sống lại từ bóng tối của thời gian, ký ức bùng cháy thành một sức mạnh sáng tạo, và người kể chuyện biến cái thời gian đã mất ấy thành một hành động sáng tạo nghệ thuật.
Rồi từ đó (... Since then ), thơ song ngữ Mai Hữu Phước, Trần Minh Hiền dịch (Nxb Hội nhà văn 2020):
Tập thơ mỏng gồm 70 bài thơ ngắn 4 câu, với những xúc cảm bất chợt, mang nặng u hoài, tiếc nhớ nỗi hoài vọng từ ký ức, lời ít mà ý nhiều. Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, hiện nay, trước xu thế hòa nhập thế giới, việc chuyển ngữ những tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài như trường hợp của Mai Hữu Phước là rất đáng khích lệ, để nhiều người phát huy hơn nữa.
Những ngọn gió khuya, thơ Ngân Vịnh (Nxb Văn học):
Ngân Vịnh là một trong những nhà thơ sáng tác khá đều tay. Dường như cứ một hai năm, lại thấy ông có thi phẩm mới ra đời. Và mỗi lần như vậy, chúng ta lại nhớ đến lời tự bạch của ông: "Công việc viết lách là công việc tự thân đầy khó nhọc, không ai đòi hỏi mình mà mình cứ phải vật vã sống chết với nó. Nó như cái ách tròng vào cổ mình mà mình vẫn thích mang, vẫn đam mê với nó". Đặc biệt, lần này, ở tập thơ mới Những ngọn gió khuya, qua hơn 70 bài thơ chọn lọc, cũng với những cảm xúc chân thành trước cuộc sống thường ngày, nhưng bạn đọc dễ nhận ra ông có những trăn trở qua nhiều thi tứ mới, lạ, khác với những thi phẩm trước đó của chính ông.
Im lặng lắng nghe, thơ Bùi Hồng Khanh (Nxb Hội Nhà văn 2020):
Trong lời tâm sự mở đầu tập thơ, tác giả viết: "Là người lính đã từng đổ máu xương trên chiến trường, nên rất thương yêu cuộc sống. Tôi gặp đồng đội/ Tôi thường nói Yêu đời/ Đồng đội tôi gặp tôi/ Họ cũng nói Yêu đời/ Bởi chúng tôi đã từng đổ máu xương/ Mà sao không thương, không yêu được...". Đáng chú ý hơn nữa, trong tập thơ Im lặng lắng nghe, ngoài những bài thơ ghi lại những cảm xúc từ ký ức của một người lính trở về, tác giả còn dành những trang thơ tâm huyết (kèm theo hình ảnh tài liệu) về Hoàng Sa và Trường Sa.
Tiếng chim trên đồng Vu Gia, thơ Tăng Tấn Tài (Nxb Hội Nhà văn 2020):
Theo giới thiệu của Nxb Hội nhà văn: "Thơ của Tăng Tấn Tài là thơ của một người sinh ra từ gốc rạ chân quê. Anh không viết về làng quê, ruộng đồng mà anh viết như một người trong cuộc, một người dân đứng trên ruộng cày để làm thơ". Và hơn thế nữa, thơ Tăng Tấn Tài luôn mang đậm hình bóng quê hương xứ Quảng, với những khắc họa sống động bức tranh của một vùng đất hiền hòa bên dòng Vu Gia da diết yêu thương: Sông xanh/ dợn sóng/ tình quê/ Vu Gia/ dòng chảy/ Vôc về ngày thương/ Trăm năm/ một cõi/ vô thường/ Dặn lòng/ bến đỗ/ nợ vương suốt đời" (Tình quê).
2. Ở mảng văn xuôi, số lượng tác phẩm tham gia xét giải hạn chế hơn so với những năm gần đây. Các tác phẩm được giới thiệu đến Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn Đà Nẵng xét giải như sau:
"Ở hai phía Cầu Vồng", truyện thiếu nhi Nguyễn Thị Phú (Nxb Hội Nhà văn 2019):
Đây là một cuốn truyện mỏng dành cho thiếu nhi. Với môtíp được nhiều nhà văn thiếu nhi sử dụng như chui qua cánh cửa, chui vào trang sách..., Nguyễn Thị Phú cho nhân vật mình, cậu bé tuổi mới lớn tên Quang chui qua chiếc cầu vồng mình vẽ và thế là bước vào một thế giới khác có tên Xứ Sở Thân Thiện đẹp như tranh. Với nhân vật đó là một giấc mơ ngủ rất dài. Nhưng với tác giả, đó là một giấc mơ tỉnh để chị cho nhân vật mình và cả mình nữa mộng mơ về một thế giới trẻ em khác với thế giới chúng sống.
Dấu xưa xứ Quảng- Ký ức thành phố tiếng còi tàu, Tản văn của Trần Trung Sáng (Nxb Hội Nhà văn 2020):
Đây là tập sách viết về Quảng Nam và Đà Nẵng, dù hiện nay có sự chia tách về hành chính, thì nói chung Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn được xem có chung một nền văn hóa xứ Quảng (hai trong một). Với hơn 30 bài tản văn, bút ký tập hợp qua nhiều năm, có thể gọi là nơi lưu giữ quá khứ của tác giả về QNĐN, quê hương ấu thơ, nơi làm việc sinh sống. Những trang đời, những cái tên, những con người lần lượt hiện ra tươi rói. Đà Nẵng, xứ Quảng thay đổi từng ngày trong quá trình hiện đại, hội nhập. Cuộc sống không ngừng trôi về phía trước, nhưng những tác phẩm như thế này sẽ góp phần lưu lại " dấu xưa", lưu lại những gì sẽ thành bụi qua thời gian.
Phù Sa Thu Bồn, Tập truyện ngắn và tùy bút của Huỳnh Viết Tư (Nxb Hội nhà văn 2020):
Sách gồm 56 bài viết đậm nét là miền quê xứ Quảng, với cái tình dào dạt của tác giả đối với quê hương, đắm say với sản vật, con người, vùng đất. Nhận định về tập sách Phù Sa Thu Bồn, Hiền Xuân (Đại học Huế) viết: "Tình yêu và quê hương là hai lĩnh vực tôi nhìn thấy được rõ rệt nhất trong tập sách này, nó xoắn xuýt nhau, đuổi bắt nhau như dòng Thu Bồn dữ dội nhưng cũng không kém phần trữ tình, cứ đắp bồi rồi làm dang dở dọc hai bên triền nó đi qua, giống như tình yêu có khi ta cứ sẵn lòng cho đi và rồi sẽ chẳng mong được nhận lại, nhưng như là quy luật, bên này dạt dào để bù trừ cho chỗ nông cạn bên kia... là lẽ muôn đời".
TRẦN TRUNG SÁNG