Nhìn lại kinh tế thế giới 2015: Một năm quá khó khăn

Thứ ba, 29/12/2015 10:55

(Cadn.com.vn) - 2015 là một năm khó khăn đối với những quốc gia sản xuất dầu mỏ khi giá dầu và đồng đều giảm hơn 30%. Tình hình này trở thành gánh nặng đối với công nhân mỏ, các Cty khai thác mỏ và các nước như Nga và Brazil (vốn thu lợi rất lớn từ 5 năm bùng nổ hàng hóa trước đó). Các nguyên liệu thô thép, quặng sắt, sụt giảm mạnh nhất, giảm 80% từ mức đỉnh cách đây 4 năm. Đây là mức sụt giảm mà không một chuyên gia nào nghĩ đến.

"Động cơ chết máy"

Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất của thế giới và là động cơ tăng trưởng toàn cầu. Nhưng trong năm 2015, Bắc Kinh không còn ở vị thế này.

Theo số liệu chính thức, tăng trưởng của Trung Quốc hiện đã giảm xuống dưới 7%. Nhưng nhiều người cho rằng, suy thoái của Trung Quốc lớn hơn nhiều. Gordon Chang, tác giả của cuốn sách "Sự sụp đổ của Trung Quốc", cho rằng tăng trưởng ở Trung Quốc thực sự chỉ ở mức 3% trong năm 2015. Ông Chang cho biết, mức vốn ròng chảy khỏi Trung Quốc - dự tính đạt mức kỷ lục 500 tỷ USD trong năm nay. Việc chính phủ tăng lãi suất và chi tiêu gần đây không giúp gì nhiều.

Tuy nhiên, Jonathan Fenby từ nhóm nghiên cứu Trusted Sources tỏ ra ít bi quan hơn, cho rằng Bắc Kinh vẫn còn có chỗ để hành động. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi vẫn còn đủ đạn dược để tránh sụp đổ thực sự. Nhưng chắc chắn, nền kinh tế sẽ chậm lại, ít nhất là trong 2 năm tới", ông nói. 

Tỷ lệ lạm phát trong tiêu dùng của Trung Quốc thấp 1,5% trong tháng 10 - làm dấy lên lo ngại nền kinh tế bị hút vào bẫy giảm phát. Ảnh: BBC

Cắt giảm việc làm

Sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc dẫn đến việc cắt giảm đáng kể việc làm và đóng cửa các mỏ khai khoáng trên toàn cầu. Anglo American -  một trong những tập đoàn khai thác khoáng sản lớn nhất thế giới của Anh và Nam Phi - cho biết sẽ đóng cửa hoặc bán 35 mỏ khiến 85.000 người mất việc, trong khi Glencore - tập đoàn chuyên kinh doanh các loại khoáng sản - sa thải hàng ngàn công nhân tại các mỏ đồng ở Zambia và nhiều nơi khác.

2015 là một năm đặc biệt đối với các thị trường dầu mỏ, với việc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), quyết định không áp dụng chiến thuật thông thường là hạn chế nguồn cung để tăng giá dầu mỗi khi giá dầu giảm. Giáo sư Ken Rogoff của Đại học Harvard cho biết, mục tiêu của nhà sản xuất dầu lớn nhất OPEC, Saudi Arabia, là ngăn chặn việc mất thêm thị phần toàn cầu. Riyadh "hy vọng rằng bằng cách cho phép giá dầu ở mức thấp trong một thời gian dài, nó có thể loại bỏ các nhà sản xuất yếu thế hơn, đặc biệt là đá phiến của Mỹ", ông Rogoff nhận định.

Thách thức người di cư

Trong năm qua, Châu Âu đối mặt khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến lục địa già bị giằng xé giữa mong muốn cung cấp nơi trú ẩn cho những người tuyệt vọng và nỗi sợ hãi chính sách "mở cửa" sẽ khiến người dân Châu Âu mất việc làm.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chào đón người di cư và người tị nạn. Khoảng 1 triệu người đã đến Đức trong năm 2015. Bà cho rằng, đây là bài kiểm tra lịch sử đối với Châu Âu và bà muốn cả lục địa cùng nỗ lực vượt qua bài kiểm tra lịch sử này. Một số chuyên gia cho rằng, Châu Âu đang thực sự có nhu cầu lao động trẻ để đối trọng với dân bản địa già. Nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo: "Đừng mong đợi quá nhiều - họ là những người có tay nghề thấp. Chúng ta sẽ phải hạ thấp hơn mức lương tối thiểu để tạo ra nhiều công ăn việc làm cho họ", ông nói.

Cuộc khủng hoảng đồng EUR

Châu Âu còn vướng vào một cuộc khủng hoảng khác khi Hy Lạp dường như sắp trở thành quốc gia đầu tiên phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Trong cuộc trưng cầu dân ý, các cử tri Hy Lạp quyết định bác bỏ kế hoạch thắt lưng buộc bụng mà Châu Âu đã thương lượng để đổi lại Athens được vay thêm tiền. Kiểm soát vốn được áp đặt và người Hy Lạp bắt đầu xếp hàng tại các máy rút tiền. Cuối cùng, Quốc hội nhất trí thông qua phương pháp thắt lưng buộc bụng bất chấp sự phản đối của người dân. Hy Lạp hiện vẫn ngập trong nợ nần và vẫn chưa thể tìm ra một giải pháp lâu dài giải quyết các vấn đề của đất nước.

An Bình
(Theo BBC)