Đà Nẵng chống dịch Covid-19:

Nhìn lại những bước đi để lật ngược tình thế (Bài 3: Giải bài toán nhân lực cho "chiến trường" )

Thứ năm, 10/09/2020 12:54

Chiến đấu với dịch Covid-19, Đà Nẵng không đơn độc mà luôn có sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, các địa phương, các mạnh thường quân suốt thời gian qua.

"Những bước đi ngược dòng" của y bác sĩ BV Chợ Rẫy lay động cộng đồng mạng.

"Lực lượng đặc nhiệm" vào cuộc

Những ngày cuối tháng 7 lịch sử, triệu triệu trái tim hướng về thành phố đang sắp sửa đương đầu với cơn giông tố mang tên Covid19. Ngay từ đầu, Bộ Y tế đã đưa lực lượng phản ứng nhanh là các y bác sĩ giỏi của BV Bạch Mai và BV Chợ Rẫy vào Đà Nẵng.

Để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập Bộ phận Thường trực đặc biệt chống Covid19 tại Đà Nẵng. "Chúng ta phải cơ cấu lại các lực lượng trực chiến, lực lượng phản ứng nhanh, điều phối liên ngành hỗ trợ Đà Nẵng giống như bộ tư lệnh tiền phương. Phản ứng kịp thời hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trước tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh tại Đà Nẵng. Hoàn thiện các kịch bản ứng phó với Covid19", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong một cuộc họp trực tuyến.

Trong đêm 30-7, "Lực lượng đặc nhiệm" được thành lập do ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm chỉ huy. Thủ lĩnh "Lực lượng đặc nhiệm" được giao toàn quyền "điều binh khiển tướng" với lời hứa khi nào dịch chấm dứt mới về. 65 chuyên gia đầu ngành từ hai miền Tổ quốc cũng nhận lệnh gấp rút vào Đà Nẵng, chia làm 4 đội gồm: Đội xét nghiệm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM, Viện Pasteur Nha Trang), Đội điều trị (BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy), Đội điều tra giám sát (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và Đội truyền thông.

Đội Xét nghiệm gồm 13 người do PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm đội trưởng. Đây là nhóm chuyên gia đã từng nuôi cấy, phân lập được virus SARSCoV-2, đồng thời hỗ trợ cho nhiều địa phương trong việc triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2. Đội điều tra giám sát dịch do PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm đội trưởng cùng 9 thành viên khác.

Và người dân Đà Nẵng sẽ còn nhớ mãi hình ảnh những "chiến binh" áo trắng ngược dòng đi vào "trận địa" là BV Đà Nẵng. Những bước chân mạnh mẽ, dứt khoát và mang theo bao niềm hy vọng.

Lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia chống dịch.

"Khi nào hết dịch chúng tôi mới về!"

Tình hình giai đoạn 2 có rất nhiều bệnh nhân, người nhà và cả những nhân viên y tế tiếp xúc bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, việc truy vết trong cộng đồng cũng đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều chuyên gia do vậy nhân lực tại Đà Nẵng là không đủ.

Trong vòng 10 ngày kể từ khi công bố ca nhiễm đầu tiên, Đà Nẵng có thêm 120 ca nhiễm mới nhưng vẫn chưa phải là đỉnh dịch. Trước tình hình đó, ngày 4-8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký văn bản gửi TP Hải Phòng và tỉnh Bình Định về việc hỗ trợ nhân lực y tế phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19. Thư "cầu viện" nêu rõ nhân lực ngành y tế Đà Nẵng đang ở vào thời điểm rất khó khăn. Đà Nẵng gọi, cả nước trả lời. Từng giờ, từng phút, Đà Nẵng không hề đơn độc trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19. Lần lượt những đoàn xe chở y bác sĩ của Hải Phòng, Bình Định, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An... liên tục hướng về Đà Nẵng cùng với lời hứa: "Khi nào hết dịch chúng tôi mới về!".

Đà Nẵng những ngày giông bão, trong khoảnh khắc này, người dân siết chặt tay nhau, chia sẻ cho nhau những gì có thể. Ngoài những đoàn quân "chi viện" của cả nước, Đà Nẵng cũng huy động tối đa nguồn nội lực từ bên trong. Bỏ lại những hiểm nguy phía sau để tiến lên phía trước, hơn 650 nhân viên y tế, sinh viên ngành y -dược tại các trường đại học, cao đẳng; hơn 5.500 thanh niên ký tự nguyện tham gia công tác phòng, chống Covid-19. "Lo thì ai cũng lo chứ, nhưng mình quen rồi. Bố mẹ bảo cực quá thì về nhưng bọn em đã tham gia rồi, không rút được cứ đi thôi", Huỳnh Thị Thúy Ngân - sinh viên Trường Đại học kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng chia sẻ. Khi thiếu quân, Đà Nẵng chọn cách minh bạch thông tin và không ngần ngại cầu viện sự san sẻ của cả nước. Bước đi này đã giúp thành phố và ngành y tế giảm áp lực khi một lúc phải giải quyết gấp rút quá nhiều phần việc.

Sau những ngày sát cánh bên nhau cùng "chống giặc" dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế. Lần lượt từng đoàn quân "chi viện" rút khỏi Đà Nẵng. Chính kinh nghiệm "thực chiến" của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cùng sự chung tay của y bác sĩ, chuyên gia tỉnh ngoài đã giúp Đà Nẵng từng bước khống chế dịch. Ngày Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và đoàn y bác sĩ cuối cùng rời Đà Nẵng, ai cũng bịn rịn nhưng cũng vui mừng khôn xiết. Vì đó là tín hiệu tích cực cho thấy tình hình dịch đang dần được kiểm soát.

MAI VINH

- "Sự đóng góp to lớn của các anh chị, là một trong những động lực để chúng tôi có được thành công ngày hôm nay. Chúng tôi ghi nhận, cảm ơn và biết ơn đóng góp của mọi người" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng gửi lời cảm ơn đến y bác sĩ Bình Định và TT-Huế khi rời Đà Nẵng vào ngày 29-8.

- "Những ngày đầu tiên chống dịch ở Đà Nẵng đầy khó khăn, mà có lẽ đối với tôi, chỉ có một lần trong cuộc đời. Chúng tôi chưa tham gia quân đội nhưng ở đây khi đó không khác gì chiến trường. Trong tay có cái gì thì chúng tôi dùng làm vũ khí để chiến đấu" - Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.