Nhìn nhận mô hình đào tạo những “hạt giống đỏ”
(Cadn.com.vn) - Ngày 14-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Lễ kỷ niệm 60 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-2014) do Ban liên lạc học sinh miền Nam tổ chức. Đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố có trường học sinh miền Nam; các thầy, cô giáo và hơn 3.000 học sinh miền Nam, đại diện cho gần 32 nghìn học sinh miền Nam trên đất Bắc đã tham dự lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Năm 1954, thực hiện Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chủ trương lựa chọn một số con em cán bộ, chiến sỹ, gia đình cách mạng ở miền Nam đưa ra miền Bắc nuôi dạy để bảo vệ, gìn giữ, đào tạo, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Chủ trương đó là tầm nhìn xa, trông rộng của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta, tầm nhìn chiến lược về chính trị, về công tác cán bộ và đào tạo nhân tài cho ngày thống nhất Bắc - Nam sum họp một nhà, xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. |
Xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân
Mô hình trường học sinh miền Nam trên đất Bắc tồn tại từ năm 1954 – 1975. Trong số hơn 32.000 học sinh miền Nam, có 4 người là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, trên 40 học sinh miền Nam là Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng và hàng chục tướng lĩnh, bí thư, chủ tịch UBND tỉnh/thành phố, hàng trăm nhà khoa học, nhà giáo, nhà doanh nghiệp thành đạt, nhiều Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động... Trong không khí ấm cúng của ngày hội ngộ, các thầy cô giáo và các thế hệ cựu học sinh miền Nam đã cùng ôn lại những kỷ niệm dưới mái trường nội trú dành cho học sinh miền Nam trên đất Bắc.
Thầy Lê Ngọc Lập, đại diện các thầy, cô, chú đã từng tham gia nuôi dạy các thế hệ học sinh miền Nam chia sẻ: Ý thức trách nhiệm cao, tình thương yêu học sinh sâu sắc là nét đặc trưng của đội ngũ thầy, cô giáo công tác tại các trường học sinh miền Nam. Phần lớn học sinh miền Nam chỉ ở lứa tuổi từ 6 đến 15 tuổi, lại phải sống xa quê hương, xa gia đình. Vì vậy, tâm nguyện của các thầy, cô, chú làm việc ở các trường học sinh miền Nam lúc bấy giờ là tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu. Các thầy, các cô, các chú vừa là người thầy, vừa là người cha, người mẹ, người bạn tâm tình của học sinh. Bản thân mỗi em học sinh miền Nam cũng luôn phấn đấu trong học tập, rèn luyện, tinh thần tự giác cao và tình đoàn kết, gắn bó.
GS - TSKH Lâ Du Phong, Trưởng Ban tổ chức lễ kỷ niệm, chia sẻ: Dù tồn tại trong hoàn cảnh nào, công tác nuôi và dạy ở các trường học sinh miền Nam cũng luôn nhận được sự quan tâm to lớn và sâu sắc của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc. Học sinh miền Nam luôn nhận được sự nuôi dưỡng, dạy dỗ tận tình nhất, chu đáo nhất, có trách nhiệm nhất của tất cả các thầy, cô giáo, các cô, chú phục vụ. Các thế hệ học sinh miền Nam tuy đa phần tuổi đã cao song còn tồn tại là chúng tôi còn phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với niềm tin yêu, sự quan tâm, chăm sóc và mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cần nghiên cứu kỹ mô hình trường học sinh miền Nam
Dấu son lịch sử nền giáo dục Ngày 13-12, Bộ GD&ĐT tổ chức buổi gặp gỡ và tri ân các thầy, cô đã có công nuôi dưỡng, đào tạo con em đồng bào miền Nam trong các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc giai đoạn 1954 – 1975. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT và đông đảo các thầy, cô giáo, cán bộ viên chức của ngành GD&ĐT đang kế tiếp sự nghiệp mà các thầy cô, các chú trước đây, Bộ trưởng bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với các thầy, các cô, các chú vì những đóng góp to lớn, có ý nghĩa lâu dài cho sự nghiệp giáo dục tại các trường học sinh miền Nam. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Việc làm của các thầy, các cô, đã ghi dấu son vào lịch sử của nền giáo dục và nền giáo dục Cách mạng Việt Nam. |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục, đào tạo cách mạng nước ta. Thành tựu to lớn, rất đáng tự hào của các trường học sinh miền Nam là trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn, chiến tranh ác liệt, nhưng vẫn có chất lượng giáo dục toàn diện, đã cung cấp cho đất nước một đội ngũ cán bộ đông đảo với chất lượng cao. Rất nhiều anh, chị em được nuôi dạy ở các trường học sinh miền Nam đã tham gia trực tiếp vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Nhiều người, đã anh dũng hy sinh, hay đã để lại một phần máu thịt, tuổi trẻ của mình trên các chiến trường. Khi đất nước thống nhất, phần lớn học sinh miền Nam theo lời căn dặn của Bác Hồ đã trở về xây dựng quê hương, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa.
Rất nhiều người trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể ở Trung ương và lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phố trong cả nước; các tướng lĩnh Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; những nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, kỹ sư; các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sỹ, nghệ sỹ có tên tuổi, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn. Không ít anh, chị em được vinh danh là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, những doanh nhân tài ba. Sự thành công của Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc trong việc đào tạo lớp người “vừa hồng, vừa chuyên”, gắn bó với vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc, là thành tựu to lớn, khẳng định tính ưu việt của nền giáo dục Xã hội chủ nghĩa. Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là biểu tượng đẹp đẽ của tình Bắc - Nam ruột thịt, “con một cha, nhà một nóc”.
Chủ tịch nước cũng cho rằng: Mô hình Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc chỉ tồn tại hơn 20 năm và đã cách xa chúng ta gần 40 năm, nhưng những thành tựu và kinh nghiệm của nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục đào tạo, phương pháp dạy và học, thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, kết hợp học tập kiến thức với rèn luyện phẩm chất đạo đức học sinh; việc xây dựng đội ngũ giáo viên, ý thức, động cơ học tập của học sinh, xây dựng quan hệ thầy trò sâu đậm, “thầy ra thầy, trò ra trò”, thi đua dạy tốt, học tốt... là hết sức bổ ích, cần phải được kế thừa, phát huy.
Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục và đào tạo cần nghiên cứu kỹ những thành công của các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc để tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.
Thu Thủy – TTXVN