Nhịp sống mới dưới chân núi

Thứ hai, 09/09/2019 15:48

Trong những năm kháng chiến, dưới chân núi Mum, xã Long Môn (Minh Long) là trụ sở của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nơi "che bộ đội, vây quân thù", góp sức vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Đến thời bình, dưới chân núi Mum là cuộc sống yên bình, với nhiều đổi thay đáng kể của đồng bào dân tộc Hrê.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân xã Long Môn (H. Minh Long) ngày càng được nâng cao.

Một thời gian khó

Những năm trước đây, thôn Làng Ren (xã Long Môn) là nơi đặc biệt khó khăn của H. Minh Long, đất đai khô cằn, đường sá đi lại khó khăn, người dân hạn chế về trình độ sản xuất và cuộc sống gần như biệt lập với bên ngoài.

"Đường đất hẹp, chỉ đủ một xe máy hoặc người đi bộ, nhưng sau mỗi cơn mưa là lầy lội, nước suối chảy xiết, vách núi trơn trượt, nên người dân sống kiểu tự cung tự cấp", ông Đinh Văn Oát, thôn Làng Ren cho biết. Chính vì vậy, giai đoạn 2010 - 2011, đến với thôn Làng Ren, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ một sạp tạp hóa nào. Vì từ muối, gạo, cá mắm... đều được người dân tự làm, tự sử dụng, hoặc được các đoàn công tác của xã, huyện mang về tặng.

Không chỉ Làng Ren, mà xã Long Môn lúc ấy cũng là địa phương "trắng" đường, điện và sóng điện thoại di động; còn cơ sở hạ tầng như trụ sở, trường lớp học, trạm y tế thì tạm bợ, xuống cấp. "Nhiều lần đi tiếp xúc với người dân, "cuốc bộ" từ thôn này đến thôn khác, gặp gỡ nhân dân mất cả ngày trời. Ði lại như thế thì bảo sao phát triển được", Bí thư Đảng ủy xã Long Môn Đinh Ra Ói bộc bạch.

Chuyển mình đi lên

Để tìm hướng phát triển, chính quyền xã Long Môn xác định giao thông phải "đi trước một bước", vì thế xã đã tranh thủ nguồn lực của tỉnh, huyện, đồng thời huy động người dân trong xã góp công, hiến đất mở đường. Đặc biệt năm 2017, Dự án đường tránh lũ, cứu nạn cứu hộ vùng Tây Quảng Ngãi (Ba Tơ - Minh Long - Sơn Hà), có chiều dài 51km, tổng mức đầu tư 516 tỷ đồng hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần tăng tính kết nối giữa các địa phương miền núi. Đến cuối năm 2018, tuyến đường từ trung tâm xã Long Môn về căn cứ cách mạng núi Mum, có chiều dài gần 5km, với kinh phí đầu tư 51 tỷ đồng cũng xây dựng xong. "Đây không chỉ sự tri ân của Đảng, chính quyền đối với nhân dân vùng căn cứ cách mạng anh hùng, mà tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng còn giúp người dân nơi đây thuận lợi trong việc đi lại, trao đổi buôn bán hàng hóa; góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập", Bí thư Đảng ủy xã Long Môn Đinh Ra Ói cho biết.

Khi giao thông thông suốt, động lực phát triển kinh tế - xã hội mới cũng hình thành, kéo theo sự chuyển biến tích cực về nhiều mặt, nhất là về văn hóa, giáo dục. Nếu như trước đây, xã Long Môn dẫn đầu huyện Minh Long về đói nghèo, hủ tục lạc hậu, người dân sinh nhiều con và phá rừng làm nương rẫy... thì đến nay, đồng bào dân tộc Hrê nơi đây đã biết sử dụng các thiết bị thông tin, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên năng suất và chất lượng gia tăng.

Người dân xã Long Môn bây giờ không còn phá rừng làm nương rẫy, biết sống định cư, sử dụng giống chất lượng trong sản xuất lúa nước, trồng bắp năng suất cao theo địa hình bậc thang... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 27%, giảm 41% so với năm 2015.

Kinh tế đi lên, các hủ tục được loại bỏ, đời sống văn hóa và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao. Và cuộc sống của người dân ở vùng căn cứ cách mạng một thời dưới chân núi Mum vẫn đang được viết tiếp những trang mới...

QNO

Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân chất độc da cam

Các hộ nạn nhân chất độc da cam nhận bò từ chương trình.

Quảng Bình- Ngày 7-9, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Tạp chí Da cam Việt Nam phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam Quảng Bình cùng các nhà tài trợ: Công ty cổ phần đầu tư, tư vấn và xây dựng Việt Nam, Cty An Phát, Trường tiểu học và THCS Victoria, Cty cổ phần Elepharma, tổ chức lễ trao tặng bò giống sinh sản và vốn sản xuất cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.

Đợt này, đoàn đã hỗ trợ 10 con bò giống, mỗi con trị giá 15 triệu đồng cho 10 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thị xã Ba Đồn và H. Bố Trạch. Ngoài ra, đoàn còn trao vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho 10 gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn H. Tuyên Hóa và H. Bố Trạch.

Dịp này, Tổng giám đốc Cty cổ phần đầu tư, tư vấn và xây dựng Việt Nam còn trao 11 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng cho các cháu học sinh là con, cháu nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn H. Quảng Trạch.

Q.B