Nhịp sống mới trên lòng hồ Sê San

Thứ năm, 13/12/2018 15:00

Giữa mênh mông tứ bề bạt ngàn một màu nước, lúc khói xám nhã ra từ những nếp nhà bè trên lòng hồ Sê San (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) cũng là khi nhịp sống của những người dân khóm chài bắt đầu... 

Một góc làng chài trên lòng hồ Sê San.

Lòng hồ Sê San mênh mông gần biên giới Lào, Campuchia là nơi có nhiều loài cá ngon, quý. Có lẽ vì vậy mà thu hút người tứ xứ về đây kiếm sống bằng nghề chài lưới, họ sống tập trung lại ở một góc lòng hồ tạo thành "xóm chài Sê San". Theo chân các cán bộ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H'Drai (huyện Ia H'Drai, Kon Tum), chúng tôi được dẫn xuống chiếc thuyền đuôi tôm bằng sắt của anh Nguyễn Văn Nhân (1982), thẳng tiến ra lòng hồ Sê San. Nắng sớm chiếu xuống mặt hồ, tạo thành những vệt sáng lóe hắt ngược lên mạn thuyền đẹp vô cùng. Mất tầm 30 phút lênh đênh trên nước, chúng tôi đã có mặt trên bè của anh Nhân, chủ thuyền, một trong những người gắn bó với lòng hồ hơn chục năm nay. Theo giới thiệu của cán bộ dẫn đường, hiện hộ anh Nguyễn Văn Nhân được đánh giá "mạnh về mọi mặt" của xóm làng chài. Từ chỗ hai bàn tay trắng từ miền Tây đến đây mưu sinh, giờ đây không những cuộc sống gia đình anh đã ổn định mà còn đang hướng đến làm giàu bằng việc khai thác du lịch trên lòng hồ Sê San. Anh Nhân tâm sự: "Hơn 10 năm sống trên lòng hồ, cuộc sống gia đình tôi dựa vào việc đánh bắt cá, rồi dần đến nuôi cá bè, bước đầu thu nhập ổn định. Lòng hồ Sê San là nơi có nhiều loại cá, từ bình dân như cá bống, cá cơm, cá tràu đến các loại cá quý như cá lăng, cá chình... Tùy theo mùa để chế biến, có thể làm nước mắm vào mùa mưa, làm cá khô vào mùa nắng... Vì lợi thế là lòng hồ không có sóng lớn như ở biển nên chúng tôi lao động và có thu nhập bất kể thời tiết như thế nào...". Cũng theo lời anh Nhân, anh là người tiên phong "thí nghiệm" cuộc sống lao động trên hồ Sê San, sau khi xác định đã "ổn" mới gọi thêm 4 anh em từ quê cùng đến đây sinh sống. Đến nay cuộc sống của "đại gia đình" anh đã tương đối ổn định.

Sau nhiều năm sống cảnh sông nước, những chiếc bè nhà của anh Nhân và bà con ở đây không những chắc chắn hơn mà có gia đình còn phát triển thêm cái thứ 2, thứ 3. Cuộc sống đã đỡ vất vả nhưng cái "nghiệp sông nước" của những người dân tứ xứ tụ họp về đây vẫn theo guồng: đêm thả lưới, ngày đi bán cá. Mỗi khi nhớ quê, họ tụ tập uống với nhau chén rượu nhạt và kể chuyện quê hương. Trong men rượu, những mệt mỏi, vất vả như tan dần theo từng con sóng đầy vơi ở miền biên giới Sê San nắng gió... Được biết, những năm trước, lòng hồ Sê San mênh mông vắng vẻ, cá nhiều vô kể. Những người dân đến đây đánh bắt theo kiểu đặc trưng vùng miền như người Huế, Quảng Bình thì đánh cá bống, cá chạch; dân miền Tây đánh cá mè dinh, cá lăng đuôi đỏ; còn dân miền Trung, miền Đông Nam bộ thì... cá gì cũng đánh. Càng ngày, cá càng ít và "khôn" hơn. Để đánh bắt được, người dân bắt đầu chuyển từ bỏ lưới qua đánh rớ. Theo một ngư dân ở đây giải thích, do cá "khôn" hơn, bơi dưới thân cây gỗ mục lòng hồ, ít ngoi lên nếu thả lưới sâu xuống sẽ rách hết nên phải chuyển sang đánh rớ. Ông Ngô Văn Hải- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H'Drai giới thiệu thêm, lòng hồ ban đêm rực sáng như phố nổi với những bóng điện thắp sáng trên bè rớ. Mỗi rớ là một bình ắc quy và một bóng đèn, đó là cách bắt cá cơm Sê San. Khi thấy sáng, cá cơm sẽ bơi lại, ngư dân chỉ việc cất rớ là có thành phẩm. Với cá cơm, họ sẽ xử lý theo nhiều cách, người thì mang ra chợ Sê San bán, người mang về phơi khô bán dần. Đặc biệt, gia đình anh Nguyễn Văn Nhân đã sáng tạo ra món bánh tráng cá và trở thành đặc sản nổi tiếng của Sê San. Theo đó, khi cá cơm được làm sạch, anh dùng bánh tráng loại mỏng (loại bánh quấn ram ở miền Trung), rải đều một lớp cá cơm rồi đem phơi khô. Món này chỉ cần lướt qua dầu nóng, quẹt với tương ớt thì phải nói "ngon quên đường về".

Anh Nhân với đặc sản Bánh tráng cá cơm.

Bên cạnh việc ngày ngày buông lưới, cất rớ, đầu tư nuôi cá lồng ra, những người sống trên lòng hồ Sê San bắt đầu có những bước đi mới trong phát triển kinh tế đó là khai thác du lịch trên lòng hồ. Dòng Sê San được mệnh danh là "dòng sông điện năng" với hệ thống 6 nhà máy thủy điện (Ia Ly, Plei Krông, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Thủy điện Thượng Kon Tum), xếp thứ 3 về tiềm năng thủy điện trong cả nước. Lòng hồ Thủy điện Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai) cùng với 6 đảo lớn, nhỏ cũng là một điểm nhấn đặc biệt cho bức tranh toàn cảnh du lịch của huyện vùng biên Ia Grai. Lòng hồ có diện tích khoảng 54,4 km2, đảo lớn nhất nằm giáp với xã Ia Tơi (huyện Ia H'Drai, Kon Tum). Đặc biệt, từ Nhà máy Thủy điện Sê San 4 (xã Ia O) đến xã Ia Khai với lòng hồ trải dài khoảng 27 km sẽ đi qua các điểm du lịch hấp dẫn của huyện như: thác Mơ và bến đò A Sanh. Chính vì nhận thấy tiềm năng du lịch lòng hồ lớn nên một số ngư dân đã sắm ghe đuôi tôm vỏ sắt để vận chuyển du khách tham quan. Tùy theo chuyến hành trình, họ có thể thu ít nhất trung bình 500 ngàn đồng/chuyến cho tầm 4 đến 5 du khách. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ xã Ia Tơi (huyện Ia H'Drai) cho biết, để tạo điều kiện cho con em các hộ xóm chài được đến trường, đến nay chính quyền địa phương đã nhập khẩu cho khoảng hơn 30 hộ với hơn 100 nhân khẩu được đăng ký tạm trú tạm vắng. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các cấp, trong năm vừa qua đã cấp đất và hỗ trợ 50 triệu đồng/ hộ để làm nhà cho dân xóm chài. Hy vọng Tết năm nay, xóm chài sẽ có một cái tết đầm ấm trên bờ.

Hành trình của chúng tôi ở lòng hồ Sê San kết thúc khi ráng chiều buông phủ. Những nét đẹp hoang sơ, một chút "lạ" với lối sống lênh đênh sông nước của du ngư trên lòng hồ Sê San thực sự ấn tượng với người viết. Chiếc thuyền đuôi tôm của anh Nhân "trả" chúng tôi lại với bãi bờ trong tiếng con nước ì oạp vỗ. Ngoái nhìn ra giữa lòng hồ Sê San rộng lớn, bóng của hơn ba chục nóc nhà nổi trải dài như muốn chạy theo những nhịp sóng nước vươn tới những bờ vui...

TRANG TRẦN