Nhờ chủ động ứng phó, các tỉnh, thành khu vực miền Trung giảm thiểu thiệt hại trong bão số 6
Sáng 27-10, bão số 6 có tên quốc tế là TRAMI đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh, thành khu vực miền Trung, gây ra mưa to và gió lớn trên diện rộng. Trước khi bão TRAMI tiếp cận đất liền, sáng cùng ngày, tại Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum về công tác ứng phó, qua đó giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Sẵn sàng ứng phó với bão TRAMI
Tại cuộc họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 tại các tỉnh miền Trung với tinh thần chủ động, bài bản, ở mức cao nhất.
Với diễn biến phức tạp của bão số 6 sau khi đổ bộ vào đất liền sẽ quay ra biển và có khả năng hình thành áp thấp hoặc cơn bão mới, Phó Thủ tướng đề nghị hệ thống khí tượng thủy văn phải dự báo chính xác thời điểm bão đổ bộ, tuyến đê biển xung yếu để tập trung lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời khi có sự cố. Bên cạnh đó, với lượng mưa lớn, kéo dài, các Đài khí tượng thủy văn tiếp tục cập nhật lượng mưa, đưa ra cảnh báo cụ thể hơn cho người dân về khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Tại điểm cầu TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh tham gia họp trực tuyến ứng phó với bão số 6. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các địa bàn xung yếu như Q.Liên Chiểu, H.Hòa Vang luôn tổ chức thường trực người và phương tiện phòng chống bão. Tại khu vực âu thuyền Thọ Quang (Q. Sơn Trà) phối hợp với Bộ đội Biên phòng không cho tàu thuyền ra khơi. H.Hòa Vang và Q.Liên Chiểu đảm bảo điều kiện ăn ở cho người dân sơ tán.“Yêu cầu các đơn vị, địa phương không được chủ quan với bão số 6. Trước, trong khi bão đổ bộ chúng ta rất chủ động, ít thiệt hại nhưng thiệt hại về người thường hay xảy ra sau bão. Tôi đề nghị Hòa Vang và các địa phương tuyệt đối lưu tâm và quan tâm vấn đề này. Nhất quyết không để tình trạng nghe bão quay ra biển rồi để người dân đi bắt cá, rồi các tình huống khác xảy ra dẫn đến thiệt hại về tính mạng. Phải tuyệt đối đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lưu ý.
Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh tại cuộc họp là đề nghị thủ trưởng các đơn vị lực lượng vũ trang, sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tuyệt đối không được chủ quan; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn… Thực hiện nghiêm túc công tác ứng trực thường xuyên tại các địa phương, đơn vị,… chốt chặn tại các khu vực nguy hiểm, ngập lũ, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân. Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP chủ trì, phối hợp với Công an TP và các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, phòng cháy chữa cháy cho các phương tiện đang neo đậu, trú tránh bão, đặc biệt chú ý các phương tiện neo đậu tại các điểm như: trên bãi biển Nguyễn Tất Thành, vịnh Mân Quang, sông Hàn… Ngoài ra, thực hiện nghiêm lệnh cấm ra biển, không cho các phương tiện xuất bến cho đến khi có thông báo mới.
Các địa phương, đặc biệt là Q.Sơn Trà, Q.Liên Chiểu, H.Hòa Vang chú ý các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá,… để tổ chức sơ tán, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân theo phương án đã được phê duyệt. Sở Xây dựng chủ trì, chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, Công ty Công viên - Cây xanh và phối hợp với UBND các quận huyện, các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện dọn dẹp rác, khơi thông các miệng hố thu nước để bảo đảm thoát nước, phòng, chống ngập lụt; kịp thời tổ chức dọn dẹp, xử lý cây xanh bị ngã đổ để bảo đảm an toàn. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, xử lý rác thải sau bão, lũ theo phương án, kế hoạch đã được duyệt. Sở Thông tin và Truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng, UBND các quận, huyện, phường xã,… liên tục cập nhật thông tin về thiên tai; diễn biến bão, thông báo hạn chế không để người dân ra đường khi có gió bão, mưa lớn; tuyên truyền cho nhân dân không được chủ quan, không được đi lại đánh bắt cá,… tại các khu vực sông hồ, khe suối, các khu vực nguy cơ ngập sâu, sạt lở,… nhất là ngay sau bão, mưa lũ.
Đà Nẵng không có thiệt hại về người
Trưa 27-10, bão số 6 đổ bộ vào khu vực miền Trung, trong đó có TP Đà Nẵng, gây ngã đổ nhiều cây xanh, bảng hiệu, ngập úng và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông nhiều tuyến phố, đáng mừng là không có thiệt hại về người.
Từ rạng sáng 27-10, nhất là khoảng 10 giờ cùng ngày, bão số 6 quét qua địa bàn Đà Nẵng, gây ra gió to. Hậu quả là ở các tuyến như Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Thăng Long… nhiều cây xanh đã bị ngã đổ, bật gốc nằm la liệt trên các tuyến đường. Gió dữ dội cũng gây khó khăn với các phương tiện di chuyển trên đường, nhiều người đi xe máy lảo đảo, chòng chành, phải cúi người, giữ chặt mũ và di chuyển chậm. Nhiều ô-tô đậu trên đường bị cây ngã đè. Khi bão đi qua, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt xử lý các cây ngã đổ và điều tiết giao thông.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Q. Liên Chiểu, tính đến trưa 27-10, quận đã di dời được gần 2.800 người, trong đó chủ yếu là sơ tán tại chỗ từ nhà xung yếu sang nhà kiên cố và các điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa.
Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, quận đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung công tác nạo vét, cắt tỉa cây xanh nguy cơ ngã đổ. Đặc biệt, những khu vực nguy cơ ngập lớn đã tiến hành nạo vét 100%. Trong khi đó, các khu vực nguy cơ sạt lở thì cho di dời đến nơi an toàn như khu vực Thanh Vinh. Quận cũng chỉ đạo các lực lượng vũ trang gồm Quân sự, Công an bố trí sẵn sàng trực chiến cùng với các phương tiện cứu hộ cứu nạn tại khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở, ngập lụt để sẵn sàng khi sự cố xảy ra.
Tại Q. Cẩm Lệ, sau khi tham dự cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ Nguyễn Quang Vinh thực địa kiểm tra công tác phòng chống bão tại một số địa phương. Tại công trình Trường Mầm non Sao Mai (P.Hòa Thọ Tây), Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ đề nghị đơn vị thi công rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn công trình, đồng thời đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án hoàn thành và sử dụng theo đúng kế hoạch. Tại Trường Tiểu học Tôn Đức Thắng (P. Hòa An), nơi tránh trú bão của hơn 25 hộ dân, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ đề nghị chính quyền địa phương đảm bảo các điều kiện ăn, ở và vật tư y tế cho nhân dân trong suốt quá trình tránh trú; phân công lực lượng hỗ trợ nhà trường để đảm bảo các điều kiện dạy học trở lại sau bão. Chủ tịch quận Cẩm Lệ cũng kiểm tra hệ thống thoát nước, vỉa hè cây xanh trên tuyến đường Cầu Đỏ - Túy Loan và vệt taluy cụm khu công nghiệp tại khu vực tổ 7 P.Hòa Thọ Tây và yêu cầu lãnh đạo phường cắt cử lực lượng kiểm tra, giám sát để giao thông tại khu vực này được an toàn…
Tại Q.Ngũ Hành Sơn, trong sáng 27-10, bà Mai Thị Ánh Hồng- Bí thư Quận ủy trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão số 6 trên toàn địa bàn quận. Tại Bến Thủy K20 (P.Khuê Mỹ), Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn đề nghị đơn vị quản lý tàu thuyền triển khai công tác phòng chống bão, các chủ phương tiện đường thủy khẩn trương neo đậu, gia cố tàu thuyền. Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cũng đã trực tiếp đến động viên cán bộ chiến sĩ lượng vũ trang đang thu dọn các cây xanh ngã đổ tại các tuyến đường.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, tính đến 17 giờ ngày 27-10, toàn TP đã sơ tán 1.719 hộ dân (6.171 khẩu) để phòng chống bão số 6. Tổng số phương tiện tàu thuyền có đăng ký, đăng kiểm của địa phương là 1.159 phương tiện (8.316 lao động) vào vị trí neo đậu, trú tránh an toàn; tổng số các phương tiện neo đậu thực tế là 2.520 phương tiện các loại.
Có 51 nhà tại xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang) bị ngập; 53 nhà tốc mái 1 phần (Q.Cẩm Lệ 4 nhà) và H.Hòa Vang 49 nhà); 9 nhà tốc mái hoàn toàn tại Q.Cẩm Lệ, Q.Liên Chiểu và H.Hòa Vang. Về nông nghiệp, có 1 thuyền bị chìm, 12ha hoa màu tại Q.Cẩm Lệ hư hại; 909 cây xanh ngã, đổ.
Về điện lực, có 3 vụ lưới điện 110kV bị sự cố, 177 trạm biến áp chưa khôi phục, một số khu vực còn mất điện. Về giao thông, đường Như Nguyệt (đoạn gần cầu Thuận Phước) triều cường gây ngập một đoạn mặt đường với chiều dài khoảng 150m, sóng lớn đánh gây hư hỏng, bong bật gạch vỉa hè nhiều vị trí, ngã trụ đèn trang trí phía sông và đất, cát tràn lên vỉa hè, lòng đường. Có 61 biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường bị nghiêng, ngã; 31 vị trí đèn tín hiệu điều khiển giao thông ngừng hoạt động, bị xô lệch, xoay, rơi bể do gió lớn. Về y tế, tốc mái tôn tại một số cơ sở y tế (Trung tâm Cấp cứu TP, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn và Trung tâm Y tế Q.Cẩm Lệ).
+ Tại Quảng Nam, theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, qua thống kê sơ bộ tính đến 14 giờ ngày 27-10, bão số 6 đã khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương, 13 nhà dân bị tốc mái. Bên cạnh đó, mưa lớn cũng khiến nhiều địa phương xuất hiện một số vết nứt đồi núi, ảnh hưởng đến khu dân cư, công sở.
Mưa gió khiến 6 nhà tại huyện Tây Giang bị tốc mái một phần và 7 nhà tại huyện Phước Sơn bị tốc mái. Lực lượng xung kích đã kịp thời giúp người dân khắc phục. Mưa lớn cũng gây xuất hiện sụt lún, nứt gãy nền, tường nhà bất thường tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang với diện tích khoảng 300m2. Huyện Tây Giang đã chủ động di dời tạm thời để đảm bảo an toàn cho cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân và phương tiện, máy móc phục vụ chuyên môn.
Đặc biệt, trong lúc kiểm tra tình hình sạt lở trước bão số 6, lực lượng chức năng xã Phước Gia (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) phát hiện phía sau đỉnh đồi khu dân cư Nà Nổ (thôn Gia Cao) xuất hiện một vết nứt có độ sâu 1m, dài hơn 30m dạng vòng cung, bán kính 10m, ước tính khối lượng đất đá có nguy cơ sạt lở 100m3. Ngay sau khi phát hiện vết nứt trên, chiều tối 26-10, địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng Công an, xã đội, dân quân thường trực, đoàn viên thanh niên, phụ nữ vận động và hỗ trợ di dời toàn bộ 30 hộ dân với 163 nhân khẩu ở khu dân cư Nà Nổ đến Trường tiểu học Kpa - Kơ long để tránh sạt lở. Chính quyền xã cũng đã bố trí lương thực (150 kg gạo) cùng các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho bà con. Đồng thời, địa phương đã huy động phương tiện, nhân công tổ chức múc mương chia nước trên đỉnh đồi để hãm nước chảy xuống ta-luy khu dân cư, tránh sạt lở…
Đại tá Võ Thị Trinh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, với phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, những ngày qua, Công an tỉnh Quảng Nam đã chủ động triển khai phương án, huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, nguồn lực tại chỗ để thực hiện công tác ứng phó; phối hợp với các lực lượng chức năng khác tổ chức giúp người dân phòng, chống bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên sau bão...
Ứng phó với bão số 6, toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã di dời 815 hộ với 1.842 nhân khẩu. Các lực lượng Công an, Biên phòng, Quân đội được duy trì để ứng trực, kịp thời cứu hộ, cứu nạn. Khu vực cửa Thuận An có triều cường cao 1,8m, gây xói lở nên 815 hộ dân đã được di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng.
Cuối ngày 27-10, mưa và gió bão giảm sâu, các địa phương tập trung khắc phục thiệt hại. Lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng, Dân quân địa phương hỗ trợ giúp đỡ người dân vệ sinh, di chuyển, dọn dẹp những vật cản trên các tuyến đường, khu dân cư, tổ dân phố. Dưới sự giúp sức của các lực lượng tại chỗ và lực lượng vũ trang, tài sản, nhà cửa của người dân, nhất là các ngư dân vùng ven biển, đầm phá đều được đảm bảo, an toàn.
Từ 15 giờ 00 ngày 27-10, tỉnh Thừa Thiên- Huế cho phép người dân ra đường trở lại. Tuy nhiên, các rào chắn, biển cảnh báo nước lũ ngập sâu, nguy hiểm tại các tuyến đường ngập sâu trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì cùng với lực lượng ứng trực thường xuyên để ngăn ngừa, không để người và phương tiện đi qua.
+ Tại tỉnh Quảng Trị, theo thống kê ban đầu, nước lũ đã xói lở một đoạn của đường Nguyễn Hữu Thọ (thị trấn Cửa Việt, H.Gio Linh); nước lớn cũng gây ngập sâu nhiều ngầm, tràn, chia cắt giao thông nhiều tuyến trên địa bàn H.Đakrông và Hướng Hóa. Có gần 18.000 hộ dân tại H.Vĩnh Linh đã bị mất điện nhiều giờ, gồm các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, Kim Thạch, Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Cửa Tùng và một phần ở các xã Hiền Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Trung Nam, Vĩnh Thái, Vĩnh Tú.
Gió bão cũng quật đổ một số cột điện tại xã ven biển Triệu Lăng (H.Triệu Phong); một đoạn đê chắn sóng tại xã Gio Hải (H.Gio Linh) bị sạt lở. Cũng do mưa lớn, một số nhà dân tại thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên (H.Đakrông) bị sạt lở đất phía sau nhà. Những hộ dân này đã được sơ tán đến địa điểm an toàn. Tại địa bàn TP Đông Hà, mưa lớn cũng đã làm sạt đổ đoạn dài tường rào Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.1, TP Đông Hà). Mưa lớn còn khiến nhiều khu dân cư tại TP Đông Hà bị ngập cục bộ, có nơi ngập sâu.
Tại địa bàn H.Hải Lăng, nhiều hồ nuôi ốc hương bị vỡ, thiệt hại nặng. Được biết, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả tỉnh chưa thu hoạch còn khoảng 2.200 ha (trong đó: nuôi trồng thủy sản mặn lợ: 622,6 ha; nuôi trồng thủy sản nước ngọt: 1.663,5 ha); số lồng bè: 310 cái. Hiện thiệt hại do bão vẫn đang được thống kê.
Nhóm PV Thời sự