KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU RA QUỐC HỘI VIỆT NAM:

Nhớ mãi một thời làm đại biểu Quốc hội

Thứ tư, 30/12/2015 09:19

(Cadn.com.vn) - Trong một con ngõ nhỏ yên tĩnh  trên đường Pasteur, người ta vẫn thấy một phụ nữ lớn tuổi với nét mặt phúc hậu sáng sáng đi tập thể dục dưỡng sinh với các cụ già ở P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng. Khi trở về, bà thường cầm trên tay khi thì mớ rau tươi, lúc thì túi trái cây mua được trên đường, sau đó bắt tay chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà như một bà nội trợ thực thụ. Những người mới sau này có lẽ ít biết  chứ hầu hết cư dân trong cái ngõ ấy và rất nhiều người lớn tuổi ở TP Đà Nẵng này đều biết bà đã từng một thời làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH), không chỉ trong một khóa mà tới 3 khóa liên tục, đó là bà Hà Thị Thu Sương, ĐBQH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN).

Bà Hà Thị Thu Sương.

Năm nay đã 76 tuổi nhưng phong thái của bà Sương còn rất nhanh nhẹn, trẻ trung.  Bà bảo, hiện giờ bà vẫn chưa hưu hẳn, cứ vào sáng thứ hai hàng tuần bà lại đón xe buýt từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ (Quảng Nam) để thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch Hội cựu giáo chức tỉnh Quảng Nam, có tuần phải đi hai đến ba lần nếu có các cuộc họp ở UBMTTQVN tỉnh vì Hội cựu giáo chức của bà cũng là một thành viên Mặt trận. Hẹn gặp được bà thì đã gần trưa nên bà vừa nấu cơm, vừa kể cho tôi  nghe nhiều kỷ niệm về một thời làm ĐBQH.

Có lẽ bà Hà Thị Thu Sương là một trong những người có  thâm niên làm ĐBQH lâu nhất, bà làm liên tục trong các khóa: VII (1981-1987), VIII (1987-1992), IX (1992-1997), với tổng cộng 16 năm, trong đó khóa VIII và khóa IX bà làm Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh QN-ĐN, năm 1997 khi chia tách tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, bà được cử giữ chức Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho đến khi bầu khóa mới. Bà Sương được bầu làm ĐBQH khóa VII năm 41 tuổi, khi đang làm Trưởng phòng giáo dục quận 1, Thường vụ Thành đoàn Đà Nẵng.  Đến khóa VIII và khóa IX, bà được bầu làm ĐBQH khi đang làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh QN-ĐN. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ ĐBQH trong Đoàn ĐBQH địa phương, bà còn giữ thêm chức Ủy viên Ủy ban Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trong 3 khóa liên tiếp.

Bà còn nhớ như in hồi tham gia Quốc hội khóa VII, thời gian mỗi kỳ họp rất ngắn, chỉ khoảng 1 tuần. Hầu hết các văn bản đều do Văn phòng Quốc hội chuẩn bị sẵn, ĐBQH chỉ việc giơ tay biểu quyết thông qua chứ không tham gia góp ý, bàn bạc nhiều như sau này, vì thế các ĐBQH thời ấy thường được gọi đùa là "nghị gật" kể cũng không oan. Một kỷ niệm sâu sắc khiến bà nhớ mãi, đó là trong nhiệm kỳ khóa VII, bác Trường Chinh về thăm TP Đà Nẵng và muốn thăm một trường học.  Bà Sương giới thiệu cho bác đến thăm một trường mầm non trên đường Lê Thánh Tôn (nay là trường mầm non 19-5) và dặn các giáo viên cứ báo cáo thật những khó khăn của trường, của đời sống giáo viên để các bác ở Trung ương được rõ mà có sự quan tâm.

Sau khi nghe được những câu chuyện của các giáo viên rằng, sau giờ lên lớp thầy cô giáo phải đi làm thêm phụ các hàng quán, đi tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi heo, đi thồ mới tạm đủ sống, bác Trường Chinh xót quá nên có ý kiến với lãnh đạo tỉnh cần quan tâm hơn đến đời sống giáo viên. Sau lần ấy, bà Sương bị cấp trên phê bình về tội "nói xấu địa phương" nhưng bà bảo bà không ngán, ra diễn đàn kỳ họp Quốc hội bà cũng nêu vấn đề này  một cách quyết liệt và thời gian sau đã có sự chuyển biến khá tốt. Giáo viên được giải quyết một số chính sách như: thâm niên nhà giáo, phụ cấp giờ dạy... nên giáo viên rất phấn khởi và rất thích bà Sương phát biểu. Cũng từ lần đó, càng về sau bà càng mạnh dạn, bản lĩnh trong việc phản ánh những tình hình khó khăn thực tế ở địa phương và thường được các thành viên trong Đoàn ĐBQH tỉnh ủy quyền phát biểu nhiều vấn đề gay cấn tại các kỳ họp, tất nhiên là phải có sự chọn lựa vấn đề và cách chuyển tải thông tin.

Hồi ấy, bà được biết đến nhiều hơn với việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê về tình trạng điện sinh hoạt phập phù;  rồi việc bà đề nghị lãnh đạo Trung ương đi công cán bằng ô-tô thay cho máy bay để thấy được những khó khăn của miền Trung và có sự quan tâm đầu tư chứ đi máy bay thì chỉ thấy được phía Nam và phía Bắc và  chỉ tập trung phát triển kinh tế ở hai đầu đất nước, còn khu vực miền Trung thì ít được quan tâm nên chậm phát triển. Đến khóa IX, bà Sương chuyển sang làm ĐBQH chuyên trách. Bà kể hồi đó không có văn phòng, chỉ có bà và một cậu lái xe. Hàng ngày bà nhận đơn, thư rồi đọc, rồi đi đến tận nơi lắng nghe nguyện vọng của người dân, việc nào biết rõ thì giải quyết, việc nào chưa rõ thì gửi thư phản ánh cho lãnh đạo các địa phương, các ngành đề nghị trả lời, giải quyết, vì thế việc nào cũng sâu sát, nắm rõ. Bà còn nhớ rất rõ hồi khóa IX, có lần bà cùng ĐBQH Nguyễn Bá Thanh đến P. Phước Mỹ (Q. 3, nay là Q. Sơn Trà) để xem xét việc khiếu nại về đất đai, hay lần lên H. Đại Lộc  để xác minh việc làm hồ sơ giả để hưởng chế độ người có công, rồi lần trực tiếp gặp Chánh án TAND Tối cao Phạm Hưng đề nghị giải quyết một vụ việc bồi thường dân sự đã kéo dài quá lâu...

Bà Sương phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.

Rồi những chuyện hậu trường của ĐBQH qua câu chuyện của bà Sương cũng rất thú vị. Bà kể, hồi đó mỗi lần ra Trung ương họp bằng máy bay, các ĐBQH tỉnh QN-ĐN phải chia làm hai đoàn, phòng khi rớt máy bay cũng còn một nửa. Hay như chuyện mỗi lần ra Hà Nội họp, các đại biểu phải mang theo tem gạo tiêu chuẩn và nộp về Văn phòng Quốc hội để ăn trong những ngày họp. Khi xong mỗi kỳ họp, buổi sáng trước khi "ai về nhà nấy" (đoàn địa phương nào về địa phương ấy), các đồng chí thư ký của từng đoàn phải xếp hàng để nhận xôi cho các đại biểu để mang theo ăn trên đường. Tiêu chuẩn mỗi người là một nắm xôi và một khoanh giò. Sau này, nghe nói có nhiều ý kiến phản ánh với Quốc hội là "Làm gì mà cả nước không nuôi nổi các ĐBQH đi họp mấy ngày" nên việc góp tem phiếu và phát xôi sáng cũng chấm dứt.

Mới đó mà đã hơn 30 năm, bà Sương bảo đó là quãng thời gian ghi nhiều dấu ấn nhất trong cuộc đời bà. Điều mà mãi đến bây giờ bà vẫn rất tâm huyết, đó là ĐBQH chuyên trách thì cần phải gần dân, sát dân mới nắm được tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của họ và phải phản ánh cho được những khó khăn đó với Quốc hội, với Trung ương, nếu không làm được thì cảm thấy rất có lỗi với cử tri, với người dân. Và bà đã làm rất tốt điều này trong suốt thời gian làm ĐBQH.

K.Thanh