Nhớ mãi ngày khai trường năm ấy !

Thứ ba, 05/09/2023 07:40
Trong quãng đời đi học, tôi đã được dự nhiều buổi lễ khai trường và lần nào cũng thấy bồi hồi xúc động. Nhưng  đặc biệt hơn cả, để lại ấn tượng khó quên hơn cả là buổi lễ khai trường năm học đầu tiên (1975-1976) của quê hương tôi được hoàn toàn giải phóng...
Học sinh trường THCS Tam Xuân rước chân dung Bác Hồ nhân ngày khai giảng năm học 2003- 2004 (ảnh tư liệu).
Học sinh trường THCS Tam Xuân rước chân dung Bác Hồ nhân ngày khai giảng năm học 2003- 2004 (ảnh tư liệu).

Những tháng ngày sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân 1975, không khí quê tôi hừng hực, như hội hè. Con đường làng cát trắng và Quốc lộ 1A mà tôi vẫn thường đi qua mỗi ngày để đến trường, hôm đó (5-9) thật rực rỡ bởi những sắc cờ, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích căng lồng trong gió. "Nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập muôn năm!", "Hồ Chủ tịch vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!", "Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!"..., tôi nhẩm đi nhẩm lại và nghĩ suy về những câu chữ đó. Tuy chưa thật sự hiểu hết những ý nghĩa sâu xa của từng câu chữ đó, nhưng tôi hiểu máng đó là những điều tốt đẹp (Năm đó là năm đầu tiên tôi bước chân vào cổng trường trung học, nhận thức vẫn còn non nớt - P.V). Cổng trường Cấp 2-3 Lý Tín (nay là trường THCS Kim Đồng, thị trấn Núi Thành) hiện ra với những sắc màu lộng lẫy, tấm băng trắng với dòng chữ đỏ "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!" được treo trang trọng phía trên.

Học sinh chúng tôi tụm ba, tụm năm đứng ngắm cổng trường. Hình như, không ai bước qua cổng mà lòng thản nhiên như mọi lần. Có những điều gì đó rất mới đang đến với chúng tôi, tuy chưa ngấm hết nhưng ai cũng cảm thấy hừng lên một thứ ánh sáng của lẽ phải, của xu thế thời đại. Ba hồi trống vang lên, tất cả học sinh tụ về trước sân. Lễ đài được dựng chính giữa sân trường, trang nghiêm rực rỡ. Tôi chú ý đến bức chân dung Hồ Chủ tịch được đặt trang trọng chính giữa lễ đài. Gió thu hây hẩy lướt trên những khuôn mặt học trò. Bỗng trỗi lên câu hát "Vừng trời đông ánh hồng tươi sáng bừng lên...". Một giọng hát từ hậu trường cất lên rồi tốp ca hòa theo như có một đoàn quân đang rầm rập bước tới...

"Nghiêm!" - tiếng hô vang lên sau khi tiết mục văn nghệ kết thúc. Cả sân trường im bặt, tất cả đứng thẳng nhìn về phía khán đài. Tôi lén quay đầu về phía bên trái nhìn thấy một đoàn chừng mười người từ phía dưới đi lên ngồi ở hàng ghế đầu. Đó là thầy Hiệu trưởng, các thầy cô giáo và mấy bác đại biểu chính quyền cách mạng địa phương (hồi đó gọi là Ủy ban quân quản). Khi các bác, các thầy cô giáo đã an tọa, một tiếng hô "nghiêm" nữa vang lên. Lễ chào cờ bắt đầu. Bài "Giải phóng miền Nam" vang lên từ tốp đồng ca, song hành với bài hát, lá cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam từ từ được kéo lên đỉnh cột cờ. Bài "Giải phóng miền Nam" mấy tháng trước đó tôi cũng đã được nghe, nhưng hôm đó trong tôi cảm thấy thiêng liêng làm sao!

Liền sau đó, thầy Hiệu trưởng tuyên bố lý do và trịnh trọng đọc bức thư của Bác Hồ gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 5-9-1945). Bức thư rất hàm súc và thiết tha. Tôi nhớ những câu chứa đầy ý nghĩa "...từ giờ phút này các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu một nền học vấn nô lệ (...)". Cả sân trường im phăng phắc, ai cũng như uống từng lời, từng chữ và muốn ghi tất cả vào lòng. Thầy Hiệu trưởng vừa đọc xong thì có tiếng hô lớn "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Chúng tôi hô theo ba lần và tiếp đến là hồi trống khai trường vang lên rộn rã, tưng bừng, làm cả một không gian náo nức, lòng người phấn khởi.

Thầy Hiệu trưởng giới thiệu một bác đại diện cho chính quyền cách mạng ở địa phương lên phát biểu ý kiến. Sau đó, một đại diện học sinh được lên khán đài đọc những lời cảm tưởng và xin hứa "chăm ngoan học giỏi, kính thầy yêu bạn...". Buổi lễ khai trường năm ấy, diễn ra chừng 60 phút. Rồi chúng tôi lũ lượt kéo nhau về lớp mình để chép bức thư của Bác Hồ gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Trên đường về, chúng tôi cùng nhau nhẩm đọc những điều Bác gửi và khắc ghi vào lòng nhiều điều mới mẻ. Bỗng bài hát "Bão nổi lên rồi" vang lên từ chiếc loa phóng thanh được mắc trên cây đa đầu làng, tôi cảm thấy rộn ràng như đang sống với trang sử oanh liệt hào hùng của đất nước: "Bão nổi lên rồi, từ miền Nam quê hương thân yêu, từ Trị Thiên băng qua Tây Nguyên lan tới bưng biền triệu người bừng bừng. Cùng Đà Nẵng với Huế chiến thắng, khí thế sôi sục tràn về Sài Gòn...".

Lê Văn Huân