Nhớ mẹ...!
(Cadn.com.vn) - Tôi còn nhớ, ngày còn đi học cấp ba ở trường huyện, những ngày lễ, tết, tôi cùng nhiều đoàn viên trong Ban chấp hành Đoàn trường đến thăm mẹ Văn Thị Thừa ở xã Duy An, nay là TT Nam Phước, H. Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). Mẹ làm nông, suốt cả ngày chăm bón ruộng lúa, rau cải ngoài đồng, ngoài vườn. Chúng tôi gợi chuyện, mẹ cười: “Chi nữa các con, kể mãi kể hoài, có chi nữa mà kể”. Nói vậy thôi chứ rồi mẹ cũng vội vội vàng vàng, rửa tay, pha ấm nước chè xanh. Chuyện mẹ nghe hoài không biết chán. Cuộc đời mẹ vui ít buồn nhiều.
Những ngày trước giải phóng, mẹ buôn gánh bán bưng, nuôi chồng nuôi con phục vụ cách mạng. Chồng mất, con mất, thân lại nuôi thân. Mẹ Thừa có một lý lịch trích ngang đầy nước mắt. Chồng mẹ và bốn đứa con trai đều lần lượt ra đi mãi không về. Đau thương mất mát đến tận cùng nhưng không làm chao đảo được tấm lòng kiên trung bất khuất của mẹ. Năm 1967, mẹ nhận liền một lúc 3 cái tang. Chồng mẹ, ông Nguyễn Thừa và hai con trai là Nguyễn Thứ, Nguyễn Y hy sinh tại Bà Rén, xã Quế Xuân, H. Quế Sơn. Nén đau thương thành hành động, mẹ lại động viên các con vào du kích, rồi đào hầm, nuôi giấu và tiếp tế cho cán bộ cách mạng.
Thời chống Mỹ, Xuyên Tây, Xuyên Hòa, Xuyên Tân... là những trọng điểm của chiến trường Quảng Đà. Mẹ lặn lội từ tờ mờ sáng hay đêm hôm khuya khoắt đem từng nắm cơm cho anh em du kích. Đến năm 1968, mẹ lại bàng hoàng nhận thêm tin dữ, hai đứa con trai thân yêu còn lại của mình là Nguyễn Nuôi và Nguyễn Yên đã hy sinh. Mẹ đau khổ và vật vã lắm. Chiến tranh vẫn còn dai dẳng, còn đó những tiếng đạn, tiếng bom, làng quê tan nát, đau thương. Mẹ từng dẫn đầu và làm nòng cốt vận động nhân dân đấu tranh chính trị, chống địch càn quét, bắn phá, bắt bớ dồn dân và tích cực tham gia xây dựng làng chiến đấu ở địa phương trong những năm đen tối ấy.
Nghĩa trang liệt sĩ H. Duy Xuyên. |
Sau ngày giải phóng quê hương, dù sức yếu tuổi cao nhưng hằng ngày, người ta vẫn thấy mẹ ngoài ruộng ngoài đồng, mưa nắng với từng tấc đất, ngọn rau, bụi chuối... Mẹ còn tham gia công tác xã hội ở địa phương. Năm 1978, mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và năm 1994, mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Cả một đời hy sinh và tận tụy cho cách mạng, qua cuộc đời mẹ có thể thấu hiểu những mất mát đau thương của cả quê hương và dân tộc trong khói lửa chiến tranh. Mẹ kể về những đứa con của mẹ, cố nhớ trong ký ức đau buồn những câu chuyện thời chiến tranh. Có chuyện có đầu có đuôi hẳn hoi, cũng có chuyện là những chuỗi dài sự kiện, không có ngày có tháng, mịt mù của một thời tao loạn...
Trên thế gian này, có nỗi đau nào bằng nỗi đau của người mẹ mất con. Thế mà từng cái núm ruột đỏ máu mẹ đẻ ra, lớn lên trong sự nuôi nấng, chăm bẵm của mẹ lại lần lượt ra đi. Vậy mà mẹ vẫn nói rằng các anh vẫn còn sống quanh đây với mẹ, như vẫn còn trẻ mãi, không kẻ thù nào, không bom đạn nào hủy diệt được. “Thằng Nuôi tính tình hiền lành như con gái, thằng Y nghịch ngợm còn thằng Yên lại hiếu để thương mẹ lắm...”. Kể chuyện về chồng và các con, có lúc mẹ cười, có lúc mẹ lại khóc. Suốt quãng đời còn lại, mẹ sống với người cháu nội duy nhất của mình là chị Nguyễn Thị Ánh. Những tổn thương trong đời sống nội tâm hằn lên khuôn mặt hiền từ những tháng năm phôi pha, quá khứ đau buồn đã khép lại, thấm vào tâm khảm, không dễ lần tìm.
Hôm nay, tôi lại về với mẹ. Ngôi nhà tình nghĩa mà Nhà nước trao tặng năm 1986 để hương khói, thờ phụng chồng và con mẹ vẫn còn đây, mộc mạc nguyên sơ giữa vườn cây râm mát. Và mẹ cũng không còn nữa. Mẹ lại về nằm giữa lòng đất quê hương, quanh mộ mẹ là mộ chồng, mộ con tại nghĩa trang liệt sĩ TT Nam Phước, giữa cánh đồng suốt bốn mùa lúa xanh rờn. Cả quê hương, cả đất nước này đã chịu ơn những người mẹ như thế. Bàn chân mẹ đã đi qua bao mùa lúa, mùa khoai. Sự hy sinh là một lẽ tất nhiên không đợi đền đáp, để khắc họa gần như trọn vẹn một nhân cách sống của người phụ nữ Việt Nam. Làm sao có thể hiểu được sự hy sinh kỳ diệu một cách thầm lặng của các mẹ. Sức sống mãnh liệt như truyền thuyết dân gian, vượt lên trên nỗi đau là lòng yêu quê hương đất nước. Và mỗi người sống trong những ngày hòa bình hôm nay, làm sao quên được. Bởi đơn giản một điều chúng ta đều sinh thành từ Mẹ - Người Mẹ Việt Nam.
Thảo Nguyên