Nhớ một "Bóng cây Kơ Nia"!

Thứ bảy, 26/07/2014 07:39

(Cadn.com.vn) - Từ một làng quê nhỏ bên bờ sông Vu Gia, miền Tây Đại Lộc, Quảng Nam, đang học trung học thì người thanh niên tuổi mới đôi mươi ấy đã bước chân ra đi làm lính Cụ Hồ khi cuộc kháng Pháp bùng nổ. Ông từng làm phóng viên các báo Vệ Quốc Đoàn, QĐND Liên khu 5, lặn lội khắp miền Trung, Tây Nguyên, gắn bó với mảnh đất này như máu thịt. Ông đã đi trọn một vòng khép kín từ Tây Nguyên ra miền Bắc tập kết, lại về Tây Nguyên chiến đấu, công tác và cuối cùng hy sinh tại đây, ngay dưới chân núi Ngọc Linh... Ông là nhà thơ-chiến sỹ-liệt sĩ Ngọc Anh, nổi tiếng với bài thơ "Bóng cây Kơ Nia" qua rất nhiều thế hệ.

Xen giữa hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sỹ H.Điện Bàn (Quảng Nam), mộ của nhà thơ Ngọc Anh cũng chỉ ghi đơn sơ những dòng chữ: Nguyễn Ngọc Anh, sinh ngày 3-3-1933; quê quán: Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam; hy sinh: 15-10-1965.  Có lẽ người đi viếng Nghĩa trang rất ít biết đây là mộ nhà thơ liệt sỹ Ngọc Anh của "Bóng cây Kơ Nia". Còn người quản trang khi nghe tôi hỏi mộ nhà thơ Ngọc Anh, mau mắn nói: "Nhà thơ có bài hát "Bóng cây Kơ Nia" đó phải không?", khi đưa tôi ra thắp nhang mộ cũng chỉ cho tôi đôi dòng vắn tắt về nhà thơ liệt sỹ Ngọc Anh: người thân, vợ con gia đình liệt sỹ hiện đang ở Hà Nội hay vào viếng mộ ông, người con trai ông có để lại số điện thoại liên lạc, vài ngày trước, có đoàn làm phim đến quay phim ca nhạc, có ca sỹ đứng bên mộ hát bài "Bóng cây Kơ Nia"... Từ những thông tin báo chí, nhiều người mới biết nhà thơ liệt sỹ Ngọc Anh được an nghỉ tại  Nghĩa trang liệt sỹ H.Điện Bàn.

Mộ nhà thơ liệt sỹ Ngọc Anh giữa hàng ngàn ngôi mộ khác ở Nghĩa trang Điện Bàn.
Ảnh: Đoàn viên thanh niên Quảng Nam viếng phần mộ của các AHLS
tại Nghĩa trang Liệt sĩ H. Điện Bàn.

Được biết nhà thơ Ngọc Anh hy sinh năm 1965 ở mặt trận Bắc Kon Tum, dưới chân đỉnh Ngọc Linh. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình, đồng đội cũ đã nhiều đợt đi tìm mộ ông được bà con người dân tộc Cor chôn cất nhưng không được vì đã thất lạc. Sau những ngày lặn lội khắp rừng núi, cuối cùng, năm 1988, mộ của nhà thơ Ngọc Anh đã được tìm thấy và thi hài ông được đưa về an nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn. Chuyện đi tìm mộ chồng của bà Xoa, vợ nhà thơ Ngọc Anh cũng từng được nhiều người cùng đi kể lại thật xúc động, lạ thường.

Người vợ ấy chính là nhân vật "em" trong bài thơ "Bóng cây Kơ Nia" của Ngọc Anh. Chính bà cũng tự nhận mình là một "cây Kơ  Nia nhỏ" của nhà thơ với phẩm chất rắn rỏi, nghị lực khi làm bổn phận người vợ chiến sỹ chờ chồng, nuôi con khi đất nước còn chia cắt. Trong thời gian tập kết ra miền Bắc, nhà thơ Ngọc Anh đã gặp và nên duyên với người con gái tên Xoa, quê Quảng Nam-Đà Nẵng cũng tập kết ra Bắc. Sau này khi được điều vào miền Nam, Tây Nguyên công tác, nhà thơ đã sáng tác bài thơ "Bóng cây Kơ Nia" như gửi gắm tâm sự, niềm tin vào người vợ và hai con đang ở miền Bắc:

Em hỏi cây kơnia:

- Gió mày thổi về đâu?

- Về phương mặt trời mọc.

Mẹ hỏi cây kơnia:

- Rễ mày uống nước đâu?

- Uống nước nguồn miền Bắc...

Bài thơ cũng là duyên phận của nhà thơ với Tây Nguyên, chỉ với 20 dòng, nhưng đã trở thành biểu tượng lớn về tình yêu, lòng dũng cảm và niềm tin sâu sắc của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến.  

Từng chiến đấu, gắn bó máu thịt với mảnh đất Tây Nguyên, sinh thời nhà thơ Ngọc Anh đã sáng tác rất nhiều thơ về đời sống đồng bào dân tộc Tây Nguyên nhưng ông thường khiêm nhường ghi là phỏng thơ các dân tộc nơi đây. Mãi đến sau khi ông hy sinh, khi tìm lại nhật ký của nhà thơ nhiều đồng đội mới biết đến bài thơ "Bóng cây Kơ Nia". Bài thơ ngay sau đó được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc và nghệ sĩ ưu tú Măng Thị Hội thể hiện thành công nhất. Bài hát được phổ biến rộng rãi lúc bấy giờ, như lời động viên, khích lệ cuộc sống, chiến đấu của người dân Tây Nguyên, niềm tin vững chắc vào miền Bắc XHCN và ngày thống nhất non sông...

Dãy bên cạnh mộ liệt sỹ Ngọc Anh, tôi  thấy có mộ liệt sỹ Võ Thị Phương Thảo, hy sinh ở chiến trường khu 5, là cô diễn viên múa xinh đẹp xuất hiện rất nhiều trong những trang nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong. Giữa 5 ngàn liệt sĩ đang yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sỹ H.Điện Bàn, có những văn nghệ sĩ, nhà thơ của mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng kiên trung đã nằm lại vĩnh viễn nơi này. Nhà thơ Ngọc Anh cũng nằm đây, lặng lẽ, bình dị ở một góc nghĩa trang bên nhiều đồng đội của mình. Chỉ có một "Bóng cây Kơ Nia" của bài thơ, lời ca bất hủ vẫn tỏa bóng, vang vọng mãi cho người đời sau.

Khánh Nguyên