Nhớ ngày 2-9 lịch sử

Thứ ba, 01/09/2020 19:00

Cứ đến dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9, cựu chiến binh Hoàng Lê Nghĩa, 75 tuổi, ở P. Mỹ An (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước thành phố Đà Nẵng, lại nhớ đến chuyến lưu đày đẫm máu ngày 2-9-1969.

Ông Nghĩa chăm sóc cây cảnh.

Sinh trưởng trên vùng cát Non Nước kiên cường, ông Nghĩa tham gia lực lượng du kích mật ngay từ tuổi thiếu niên. Đầu năm 1968, mới 23 tuổi, ông Nghĩa đã đảm đương cương vị Chính trị viên Đại đội 3 Khu III Hòa Vang (trực thuộc Đặc khu Quảng Đà). Trong một trận chống càn vào tháng 10-1968, ông Nghĩa bị thương và sa vào tay giặc. Chúng đày ải ông qua nhiều nhà lao với biết bao cực hình tàn khốc nhưng trước sau ông vẫn giữ vững lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng. Quân thù đã đưa ông và nhiều bạn tù đến Trại giam Phú Tài (Bình Định) để đày ra Phú Quốc.

Ông Nghĩa bồi hồi kể: Sáng sớm ngày 2-9-1969, bọn chỉ huy Trại giam Phú Tài tập trung anh em tù ra sân điểm danh, rồi gọi 100 tù nhân ngồi riêng ra. Số còn lại chúng đưa trở về trại giam. Đến khoảng 9 giờ, chúng dùng một chiếc xe đầu kéo chở anh em tù ra Quốc lộ 1, rồi chạy về hướng sân bay Gò Quánh (nay là sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định). Phía trước, phía sau đều có xe quân cảnh "hộ tống". 4 chiếc máy bay địch quần đảo liên tục, sẵn sàng nã đạn bất cứ lúc nào. Xe dẫn đường hú còi inh ỏi. Đám lính áp giải quát nạt, la hét ầm ĩ. "Chúng tôi đoán biết, bọn địch sợ tù nhân cướp súng chống lại và sợ quân giải phóng tấn công giải thoát tù nhân", ông Nghĩa tươi cười.

Trời càng lúc càng nắng gắt. Thùng xe nóng như cái chảo rang. Những người tù đầu không nón, chân không dép, mồ hôi chảy ròng ròng. Đến sân bay Gò Quánh, địch lại bắt anh em tù ngồi giữa bãi trống, không một bóng cây. Nắng nóng, khát nước và đói bụng khiến ai cũng mệt lả. Ông Nghĩa nói nhỏ với những bạn tù ngồi kế bên: Hôm nay là mồng 2-9 - ngày kỷ niệm Lễ Quốc khánh; anh em mình chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, dù kẻ thù hành hạ thế nào cũng quyết không khuất phục!

Khoảng 2 giờ chiều, địch bắt đầu đưa tù nhân lên máy bay để chở ra Phú Quốc. Chúng dùng còng số 8 còng chân anh em tù từng đôi một. Cứ một người chân phải, một người chân trái đeo chung một còng, khi bước đi hai người rất dễ giật nhau ngã nhào. Chúng còng vậy vì sợ tù nhân có hành động phản kháng trên máy bay. Ông Nghĩa nhấn mạnh: Lúc ấy, tôi chợt nhớ đến những câu thơ đầy khí phách của cụ Phan Châu Trinh ngày xưa: "Mang xiềng rột roạt xuất đô môn/ Làm trai há lại sợ Côn Lôn" và nghĩ hôm nay thế hệ con cháu cụ Phan cũng hiên ngang mang còng đi lưu đày vì cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho đất nước, rồi phỏng theo ý thơ của cụ Phan, tôi nhẩm đọc: "Mang còng số 8 lên máy bay/ Làm trai há sợ cảnh tù đày...".

Khi thấy máy bay bay chậm lại và hạ thấp dần, anh em tù biết đã đến Phú Quốc và chỉ chốc lát đã nghe tiếng ồn ào từ phía dưới. Toán quân cảnh trên máy bay vung dùi cui, quát nạt, thúc hối tù nhân đi xuống phía đuôi máy bay. Ở bên dưới, bọn quân cảnh lăm lăm dùi cui trong tay, mặt mày dữ dằn như muốn ăn tươi nuốt sống những người tù. Anh em tù vừa bước xuống đã bị chúng đánh tới tấp. Máu tù nhân phọt ra, văng cả lên mặt bọn địch. 100 tù nhân bê bết máu, thân thể bầm tím, sưng vù. Nhiều người bị đánh ngã, ngất lịm. Chúng lại đá liên tiếp vào người, vừa đá vừa hét: "Biết mùi Phú Quốc chưa? Biết mùi Phú Quốc chưa?"...

Vị nhân chứng lịch sử kể tiếp: Bọn cai ngục đưa anh em tù đến một khu nhà tôn, trên cổng có dòng chữ "Bộ Chỉ huy Trại giam Phú Quốc". Hàng trăm tên quân cảnh đang chờ sẵn, cũng lăm lăm dùi cui với những bộ mặt khát máu người. Chúng bắt tù nhân xếp thành 10 hàng dọc và thi nhau đánh, đấm liên hồi mà chúng gọi là thủ tục nhập trại. "Ở trong đất liền, tôi từng nghe những câu hát: "Bước xuống máy bay chưa kịp mở còng/Thì máu đã chảy ròng trên đôi má/Bọn côn đồ đánh đá tứ tung...", còn bây giờ tôi đã trực tiếp đối mặt với sự man rợ của quân thù nơi địa ngục trần gian và cũng từ đây anh em tù chúng tôi bắt đầu một cuộc chiến đấu mới", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đến năm 1973, ông Nghĩa ra tù theo tinh thần Hiệp định Paris về trao trả tù binh. Ông tiếp tục chiến đấu, công tác trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, đến năm 2000 nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Về hưu, ông Nghĩa hăng hái tham gia công tác địa phương, hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Ngũ Hành Sơn. Năm 2019, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước thành phố Đà Nẵng. Mới đây, ông đã được chọn đi dự Hội nghị gặp mặt các đồng chí tham gia cấp ủy trong nhà tù và trại giam của địch thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1954- 1975, do Ban Bí thư Trung ương tổ chức.

LÊ VĂN THƠM