Nhớ ngày học luật ở Nga
Ông Đinh Xuân Thảo-nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam từng học cử nhân Luật ở nước Nga. Đó là quãng thời gian sinh viên vất vả nhưng cũng vô cùng tươi đẹp của chàng trai xứ Quảng gắn liền với xứ sở bạch dương.
Ông Đinh Xuân Thảo (thứ hai từ trái sang) với cán bộ Lãnh sự quán Nga nhân kỷ niệm 20 năm ngày thượng cờ Nga tại Lãnh sự quán Đà Nẵng (10- 2018). |
Ấn tượng về ba cô giáo
Quê xã Hương An, Quế Sơn, Quảng Nam, biết cầm vũ khí quần nhau với địch từ thời niên thiếu, cậu bé Đinh Xuân Thảo không nghĩ rằng có ngày mình sẽ được bước chân vào trường đại học. Vậy mà hơn thế nữa, cuối năm 1969, lúc này 17 tuổi, anh được đưa ra Bắc học tập. Ba anh từng nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy (nhà ở quê được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh) sau đó tập kết ra Bắc nên ngày cha con đoàn tụ cũng là ngày Thảo nhận mệnh lệnh phải học cho giỏi. Từ cố gắng của mình, anh được cử đi học Luật ở nước Cộng hòa Azerbaijan thuộc Liên bang Xô Viết. Mùa hè năm 1975, lúc này miền Nam đã giải phóng, anh và nhiều đồng môn của mình "xuất ngoại". Trường Đại học tổng hợp quốc gia Baku là nơi có hàng ngàn du học sinh Việt Nam trưởng thành. Nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ ngành của nước ta từng học ở mái trường này. Thêm một năm nữa học dự bị tiếng Nga, các anh được sống trong tình thương của cô giáo Tamara hiền dịu. Yêu quý cô, ngày 20-11, cả lớp mang hoa cẩm chướng, bánh ga tô đến chúc mừng. Cô rất ngạc nhiên và khen ở Việt Nam có một ngày thật tuyệt vời mà không phải nơi nào cũng có. Rồi cô mang nhiều thức ăn ngon chiêu đãi các trò một bữa thỏa thích. Kỷ niệm nhớ mãi là vào ngày 1-5, nhà trường có chương trình dạ hội. Theo phong tục ở đây, phụ nữ có quyền mời bất cứ nam giới nào cùng nhảy. Cô lần lượt nhảy với từng học sinh trong lớp. Một anh có lẽ tự ti về khả năng của mình nên đã từ chối. Thật bất ngờ, cô khóc và nói rằng, Việt Nam đã thoát ra khỏi chiến tranh, sinh viên qua đây phải trở thành người mạnh mẽ để trở về xây dựng đất nước, vậy mà vẫn có thanh niên chưa dám khẳng định mình. Câu nói của cô đã làm cho lớp suy nghĩ mãi về tư duy sâu sắc ấy.
Tiến sĩ Melicova dạy môn Lý luận nhà nước và pháp luật (sau này là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên bang Xô Viết) là người có bộ óc cực kỳ thông tuệ. Nghe cô giảng bài, những cậu học sinh lớn lên trong chiến tranh chỉ biết há hốc mồm trước chân trời tri thức rộng lớn. Nói về sự ra đời của pháp luật, cô lấy ví dụ về cả về bộ luật Hồng Đức thời nhà Lê của Việt Nam để các trò có sự liên tưởng gần gũi. Điều đó mới thấy cô sâu sắc biết chừng nào.
Bà Suster Khanum dạy môn luật Tố tụng hình sự là một giáo viên nghiêm khắc đến khó tính. Bà luôn nói rằng bộ môn này không khác y khoa bởi đều liên quan đến số phận con người. Một sự chủ quan, sơ sẩy do kém hiểu biết đều phải trả giá đắt. Ngày thi bộ môn vấn đáp để tốt nghiệp, bà không biết mệt mỏi, ngồi vặn vẹo các trò từ sáng đến tối. Có anh suýt ngất xỉu vì bị truy vấn, bắt bài. Đến nỗi thi xong cả lớp đặt thơ: "Từ nay tôi cạch đến già. Tôi chẳng thèm học môn bà nữa đâu!".
Bật cười khi nhớ kỷ niệm xưa, anh Thảo lại trầm ngâm: "Những năm đó, miền Bắc chưa có trường Luật, nước ta cũng chưa có bộ Luật Tố tụng hình sự. Do vậy, tất cả những tri thức cô dạy vô cùng quý giá cho nghề nghiệp chúng tôi sau này. Càng hiểu vì sao cô đòi hỏi khắt khe đến vậy".
Theo ông Đinh Xuân Thảo, khó có thể nói hết sự ưu ái của bạn dành cho du học sinh Việt Nam. Sinh viên thường xuyên có các chuyến tham quan hoặc thực tập trong tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, viện nghiên cứu tại thành phố Baku. Hàng năm mỗi dịp hè, trường tạo điều kiện để học viên đi nghỉ dưỡng tại Azerbaijan hoặc các nước lân cận. Sinh viên ở Baku vinh dự được đón tiếp và nghe đồng chí Lê Duẩn, lúc này là Bí thư thứ nhất BCHT.Ư Đảng Lao động Việt Nam nói chuyện nhân chuyến thăm Azerbaijan năm 1976.
Người bạn của Lãnh sự quán Nga
6 năm miệt mài trên giảng đường với sự phấn đấu không ngừng, Đinh Xuân Thảo đã tốt nghiệp loại ưu (bằng đỏ) cùng với các sinh viên Trần Phước Tới (Điện Bàn, Quảng Nam), sau này là Trung tướng, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương và nhiều đồng môn khác. Về nước, làm việc tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, ông Thảo có cơ duyên nhiều lần sang lại nước Nga. Đó là khi ông tìm đọc và dịch các tài liệu về con người và Luật pháp của nước Nga sang tiếng Việt. Những bài viết này được đăng trên Tạp chí kiểm sát với mục đích giúp cán bộ trẻ có thêm kiến thức chuyên ngành. Vốn tiếng Nga sau khi về nước không bị mai một mà còn được phát huy, nhờ vậy, ông Đinh Xuân Thảo được chọn làm phiên dịch ngắn hạn do bạn bồi dưỡng cho cán bộ ngành kiểm sát Việt Nam tại Moscow và Leningrat suốt 8 năm. Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, trong điều kiện đối mặt nhiều khó khăn, Nga vẫn cử chuyên gia sang lắp đặt các phương tiện phục vụ ngành kiểm sát của Việt Nam. Được đi phiên dịch cho bạn, ông Thảo càng thêm trân trọng tình nghĩa trước sau như một của đất nước và con người Nga vĩ đại.
Năm 2010, có dịp đi cùng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông có dịp trở lại thăm trường Nâng cao cán bộ ngành kiểm sát Liên Xô ở Moscow, gặp những người bạn, người thầy tận tụy một thời. Điều day dứt với ông là vẫn chưa có dịp thăm lại trường Đại học tổng hợp quốc gia Baku, nơi lưu giữ thời sinh viên sôi nổi của một thế hệ trẻ Việt Nam ngày ấy.
Điều thú vị là khi còn đương chức hay đã nghỉ hưu, ông Đinh Xuân Thảo luôn giữ ấm tình yêu với đất nước cách mạng tháng Mười bằng những việc làm giản dị. Đó là hàng năm vào các ngày Hiến pháp, Quốc khánh Nga, ngày Chiến thắng phát- xít..., ông đều đến thăm, tặng hoa Lãnh sự quán Nga tại Đà Nẵng. Ngôi nhà của ông cũng là nơi những người bạn Nga ở Lãnh sự quán thi thoảng đến hàn huyên, ăn những bữa cơm đầu năm hay dịp có sự kiện lớn của hai đất nước.
"Chúng tôi biết ơn nước Nga đã cho lớp sinh viên trường Luật ngày ấy các nền tảng cơ bản để áp dụng thiết thực trong công việc của mình. Nước Nga thủy chung và nhân hậu sẽ mãi trong trái tim tôi"- ông Đinh Xuân Thảo thổ lộ.
HỒNG VÂN