Nhớ người chiến sĩ kiên trung

Thứ tư, 04/09/2019 16:35

Đã 44 năm trôi qua kể từ khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, nhưng những hồi ức, câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp cùng những chiến công oanh liệt của liệt sĩ Phạm Chu vẫn được đồng đội, người dân tại khu vực Bắc H. Hòa Vang (Đà Nẵng) khắc ghi. Nhớ về liệt sĩ Phạm Chu là nhớ những phút giây nằm vùng hoạt động căng thẳng, về những trận đánh ác liệt, diệt ác, phá kìm; về người chiến sĩ anh hùng quả cảm, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, cách mạng và nhân dân.

Di ảnh liệt sĩ Phạm Chu 

Liệt sĩ Phạm Chu (1949 – 1971) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo giàu truyền thống cách mạng tại thôn Xuân Thiều, xã Hòa Hiệp, H. Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là khu phố Xuân Thiều, P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ba người anh trai là Phạm Nam, Phạm Bất, Phạm Thêm đều lần lượt gia nhập quân đội chiến đấu và anh dũng hi sinh vì ngọn cờ độc lập dân tộc. Ý thức được truyền thống cách mạng của gia đình nên ngay từ lúc 15 tuổi, Phạm Chu đã tham gia trung đội du kích tập trung của xã (từ 1964-1966). Tuy nhỏ tuổi nhưng ông đã nhiều lần khôn khéo điều tra về cách bố phòng ở các đồn địch dọc Nam Ô xuống Xuân Thiều, Hòa Liên qua đó nắm được quy luật hoạt động của chúng để báo cáo cho cấp trên có phương án đánh địch hiệu quả… Đến năm 1967, ông cùng anh họ là Phạm Khương vượt sông Soi (một nhánh sông Cu Đê) sang xã Hòa Liên rồi tìm đường vào căn cứ Khu I Hòa Vang theo cách mạng.

Giai đoạn năm 1968 – 1969, khu vực cánh Bắc Hòa Vang từ núi Hòn Quắp (thuộc dãy Hải Vân) xuống Nam Ô, Hòa Hiệp được xem là địa bàn chiến lược quan trọng nên địch tăng cường lính lập nhiều đồn, bốt nhằm ngăn chặn cán bộ và bộ đội ta tiến vào thành phố từ cánh Bắc. Bên cạnh đó, ta có những thắng lợi quan trọng trong đợt Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 khiến cho đối phương điên cuồng phản kích, bao vây, truy tìm hầm bí mật của ta, làm cho nhiều cơ sở cách mạng phải ly tán, các đảng viên phải rút vào hoạt động bí mật hoặc bị bắt. Đây là thời gian được xem là đen tối nhất của phong trào cách mạng tại Nam Ô, Hòa Hiệp. 

Trước tình hình đó, năm 1969, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Khu I Hòa Vang: “Một tấc không đi, một li không rời”, Đội diệt ác, phá kìm ra đời gồm các đồng chí Nguyễn Văn Mẹo, Phạm sang, Ngô Tấn Cồ và Phạm Chu do ông Nguyễn Đình Tùng – Phó Bí thư Đảng ủy Khu I chỉ huy. Thực hiện mệnh lệnh cấp trên, Phạm Chu cùng đồng đội bất chấp nguy hiểm, bám địa bàn, tìm quy luật hoạt động của những tên ác ôn khét tiếng trong vùng để thi hành những bản án cách mạng. Nhớ về Phạm Chu và chiến công diệt ác táo bạo của người chiến sĩ quả cảm trong thời gian này, ông Trần Nhật Bằng – nguyên Trưởng Ban an ninh Khu II Hòa Vang bồi hồi nhớ lại: “Năm 1969, ở vùng Xuân Thiều có 2 tên ác ôn là Chí và Khoa, chuyên áp bức, đánh đập dân lành, gây ra nhiều nợ máu với nhân dân nên anh Chu xin với cấp trên cho phép tiêu diệt 2 tên ác ôn này. Sau một thời gian “nằm gai nếm mật” chờ thời cơ, anh Chu nhận được tin báo của đồng đội về 2 tên Khoa và Chí đang ăn nhậu tại khu vực Xuân Thiều. Anh cùng đồng đội cải trang thành nông dân đi tát nước rồi xuôi chợ Nam Ô xuống Xuân Thiều để tiến hành tập kích địch. Do trước đây, 2 tên này đã bị phía ta ám sát hụt một lần nên đi đâu chúng cũng cảnh giác, đề phòng. Tuy nhiên, đang lúc ăn nhậu nên chúng mất cảnh giác, trước tình hình thuận lợi đó, đợi cho địch ngà ngà say, anh Chu lập tức cầm súng tiến vào áp sát mục tiêu. Nhưng cũng lúc đó, đối phương cũng sực tỉnh, định rút súng ra để chống trả, nhưng loạt đạn nhanh như chớp của anh Chu đã tiêu diệt 2 tên ác ôn nổi tiếng trong vùng…”. Theo ông Bằng, những chiến công diệt ác của liệt sĩ Phạm Chu đều được thực hiện nhanh chóng, gọn lẹ và mưu trí, đặc biệt, tất cả các nhiệm vụ đều được tiến hành vào ban ngày.

Nhân chứng từng chiến đấu cùng Liệt sĩ Phạm Chu - Hồ Văn Chinh (nguyên Bí thư Quận ủy Liên Chiểu) mong muốn liệt sĩ Phạm Chu sẽ được phong tặng danh hiệu AHLLVTND.

Với ông Hồ Văn Chinh (nguyên Thành ủy viên – Bí thư Đảng bộ Q. Liên Chiểu (từ 1967 - 1971) vẫn không quên những ngày cùng chiến đấu quả cảm với liệt sĩ Phạm Chu. Ông nhớ như in vào đêm 19-3-1971, ông cùng Phạm Chu, Nguyễn Văn Mẹo trong dịp xuống đồng bằng công tác và trú tại căn hầm bí mật do ông Chu đào tại Đồng Nà (Xuân Thiều). “Đến 7 giờ ngày 20-3, anh Mẹo bật nắp hầm ra ngoài làm nhiệm vụ riêng. Tôi và anh Chu vẫn tiếp tục nằm dưới hầm để đợi đêm tối tiến vào làng. Tuy nhiên đến 9 giờ, một nhóm địch do cố vấn Mỹ chỉ huy tiến đến lùng sục và phát hiện căn hầm chúng tôi đang nấp. Tôi nghe chúng kháo nhau là phải nhanh chóng dùng thuốc nổ giật ngay căn hầm. Lúc này, anh Chu trấn an và nói với tôi: “Tôi mở khoen hai quả M26 cầm hai tay. Đầu đội nắp hầm lên, vung hai tay 2 quả M26 nổ tung. Anh Chinh ném AR 16 lên cho tôi để áp chế hỏa lực địch, sau đó mỗi người tự tìm đường thoát”. Vừa dứt lời, anh Chu đội nắp hầm lên và lập tức quăng luôn 2 quả lựu đạn rồi dùng khẩu AR 16 tiêu diệt nhanh 2 tên lính gần đó, khiến cho đội hình địch bất ngờ và tán loạn. Chớp thời cơ, anh Chu nhanh chóng chạy thẳng về phía làng Xuân Thiều thoát thân. Ở trận này, tôi không may bị thương nên không thể thoát, chúng phát hiện và bắt giam tôi tại nhà tù Hòa Vang, một thời gian sau mới được thả”. Sau trận đấu mưu trí và gan dạ này, địch điên cuồng tìm dấu vết của Phạm Chu. Trung tá Ngụy Mai Xuân Hậu, lúc này là quận trưởng Hòa Vang treo thưởng 1 triệu đồng cho ai bắt được, bắn chết hoặc báo cho chúng biết nơi ở của Phạm Chu…

Tháng 5-1971, trong một đêm cùng tổ diệt ác bám đường đánh biệt kích tại khu vực Nam Ô, Phạm Chu (lúc này đang ở chức vụ Trưởng Ban an ninh Khu I Hòa Vang) đã mưu trí chiến đấu anh dũng, nhưng trước số lượng đông đảo quân địch, được trang bị vũ khí hiện đại nên ông đã quyết định tổ chức cho đồng đội rút lui. Tuy nhiên, đồng đội vừa rút lui an toàn thì một loạt đạn từ kẻ thù đã khiến ông nằm xuống với đất mẹ mãi mãi, lúc này ông cũng vừa bước sang tuổi 22…

Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, để ghi nhận những công lao to lớn của liệt sĩ Phạm Chu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng, Nhà nước đã truy tặng Huân chương quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác cho người anh hùng, người con của mảnh đất Xuân Thiều. Mới đây, Đảng ủy P. Hòa Hiệp Nam (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) tổ chức gặp mặt thân nhân, nhân chứng trực tiếp tham gia công tác, chiến đấu cùng liệt sĩ Phạm Chu. Tại buổi gặp mặt, các đồng chí, đồng đội từng kề vai, sát cánh chiến đấu trong giai đoạn (1967-1971) đều khẳng định những công lao to lớn của liệt sĩ Phạm Chu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là vô cùng to lớn, góp một  phần máu xương tô thắm màu cờ chiến thắng. Ông Lê Duy Du (Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND P. Hòa Hiệp Nam) cho biết: “Theo nguyện vọng của Đảng ủy, chính quyền địa phương cùng gia đình và các nhân chứng lịch sử, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Phạm Chu”.

Ngọc Quốc