Nhớ những ngày trên bến vượt Nhan Biều
(Cadn.com.vn) - Nhớ lại những ngày (26-6 đến 16-9-1972) cách đây 43 năm, là chiến sĩ Đại đội 25, Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325), chiến đấu trong 81 ngày, đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi bùi ngùi, thương nhớ những đồng đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong trận chiến Thành cổ, và bến vượt qua sông Thạch Hãn. Sự hy sinh, cống hiến của các anh khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi đã trở thành bất tử, gắn mãi với Thành cổ, bến vượt Nhan Biều của dòng sông Thạch Hãn.
Các cán bộ Hội cựu chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị thắp hương tưởng niệm các AHLS |
Bến vượt qua sông Thạch Hãn (còn có tên gọi Bến vượt Nhan Biều), xã Triệu Thượng (H. Triệu Phong, Quảng Trị) là nơi tiếp đạn, tải lương, nơi bộ đội ta tập kết để vượt sông vào chiến đấu trong Thành cổ, và là nơi thương binh từ trong Thành cổ chuyển qua bờ Bắc đưa về tuyến sau cấp cứu, điều trị. Vì vậy, bến vượt Nhan Biều đã trở thành túi bom của máy bay B52, pháo kích địch bắn ra kể cả tàu chiến ngoài khơi bắn vào cấp tập. Bom đạn địch đã biến mặt sông bến vượt Nhan Biều luôn bị vỡ toác, nước sông đỏ ngầu vì không có giây phút nào ngưng tiếng nổ của bom đạn. Có nhiều lúc máy bay B52 rải thảm đúng vào bến vượt khiến dòng sông trơ đáy...
Cùng vượt sông vào Thành Cổ
Cùng gạt bom, đạn để bơi qua
Bom với nước ầm ầm tung tóe
Cuốn phăng đồng đội tôi xuôi dòng
Có đứa nào...?, cứu tao, cứu tao với
Nghẹn lòng, nghe tiếng
đồng đội trôi
Bến vượt như người Mẹ
của Thành Cổ
Cắt ruột, xé lòng để tải đạn,
chuyển lương
Cho con mình Thành Cổ
diệt giặc, lập công.
Nơi tiếp đạn, chuyển quân, tải lương ác liệt là vậy thì chiến sự trong Thành cổ còn ác liệt gấp bội lần. Không chỉ các loại đạn bộ binh, pháo kích, máy bay đến ném bom mà còn cả mật độ bom dày đặc của máy bay B52, đưa sức công phá tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hirosima, Nhật Bản trong đại chiến thế giới thứ II năm 1945. Thị xã - Thành cổ đã trở thành chiến trường ác liệt của “mùa hè đỏ lửa”, diễn ra các trận chiến đấu giữa quân ta và quân địch, giành giật nhau từng mét giao thông hào, bờ tường, đống gạch đổ của một “Thành Cổ nát vụn”, mà đỉnh cao là 81 ngày, đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị của quân ta.
Ngày ấy, tôi và các đồng đội nhận lệnh đến bến vượt Nhan Biều ngày 12-7-1972, với nhiệm vụ của một đại đội vận tải cùng với Y- bác sĩ Quân y cấp cứu thương binh, chuyển tử sĩ trong Thành cổ qua bến vượt về Bắc sông Thạch Hãn. Vì vậy, anh em trong cùng đại đội 25 đêm nào cũng vượt qua bến, có đêm phải qua lại 4 đến 8 lần thức trắng đêm. Bến vượt Nhan Biều gắn trên đoạn sông Thạch Hãn dài khoảng từ 400m đến 600m và đó là con đường tiếp tế duy nhất vào Thành cổ của quân ta. Vì vậy, ngày im lặng, nhưng đêm đến bom đạn và đèn dù, pháo sáng của địch thả sáng rực bến vượt, soi rọi những gốc cây ngọn cỏ đôi bờ, đến cả những mảng lục bình, thân cây trôi xuôi dòng cũng bị máy bay địch sà thấp phát hiện bắn nát. Bom đạn ác liệt khiến con số thương vong của bộ đội ta từ bờ Bắc vượt sang Nam sông Thạch Hãn tăng cường lực lượng cho Thành cổ ngày càng tăng dần. Hầu như đêm nào cũng có rất nhiều bộ đội vượt sông nhưng ít thấy quân ra mà rất nhiều thương binh do đơn vị vận tải dìu, cõng, cáng thương sang bờ Bắc và xuồng cao su chuyển tải thương binh chạy xuôi dòng Thạch Hãn.
Là chiến sĩ luôn có mặt qua lại bến vượt, tôi được gặp người chỉ huy gan dạ dưới bom đạn, bình tĩnh tổ chức bộ đội vượt sông, điều hành chuyển lương, tiếp đạn cho quân ta trong Thành cổ là Trung úy Trần Minh Hùng, Chỉ huy bến vượt Nhan Biều (nay là Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5). Nhớ lại lần đại đội 25 chúng tôi chuẩn bị vượt sông vào Thành cổ thì bị đạn pháo địch bay đến tới tấp, tiếng vi vu ngay trên đầu, chúng tôi liền lao mình xuống hố bom, bụi tre gần đó để tránh, thế nhưng anh Hùng vẫn thản nhiên chỉ huy. Một lúc sau, anh Hùng đến nói: “Các cậu phải nhớ rằng, khi tiếng đạn pháo bay đến mang theo tiếng “rít xoẹt” thì lo tìm nơi mà tránh vì nó sẽ nổ gần mình, còn tiếng “vi vu” bay qua cứ yên chí mà thực thi nhiệm vụ. Trong trường hợp khi bơi giữa dòng bị đạn pháo nổ gần làm thủng, tuột phao bơi khỏi tay phải bình tĩnh quan sát có khúc gỗ, hay mảnh ván nào trôi qua thì cố bơi đến ôm lấy nó và điều khiển dạt về bờ Bắc, vì bờ Nam sông có địch”. Những lời chỉ dẫn đó đã giúp chiến sĩ mới vào chiến trường như chúng tôi biết và tránh được nhiều hiểm nguy đến tính mạng trong gang tấc...
Đại tá, nguyên Sư phó Chính trị Sư đoàn 2 - QK5 Nguyễn Đức Hiền (lúc bấy giờ là Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95), kể, khoảng 4 giờ ngày 16-9-1972, đang làm nhiệm vụ đánh địch phía Tây Nam Thành cổ thì nhận được lệnh rút quân. Anh truyền lệnh, cùng với anh em đơn vị đi kiểm tra và dìu, cõng 19 thương binh lội bì bõm trong giao thông hào ngập nước. Khi ra đến bờ Nam sông, những thương binh nặng được đưa lên xuồng cao su, còn lại 3 thương binh được phân công 2 người dìu một thương binh cùng vượt sông. Nhưng sông Thạch Hãn vào mùa lũ lụt hung dữ cuộn chảy nên gặp khó khăn. Khi chúng tôi đang tìm cách giải quyết thì nghe giọng nói Quảng Nam “vượt sang Bắc sông nhanh lên...”. Liền đó, với những động tác nhanh của người dày dạn kinh nghiệm sông nước, anh vừa chỉ dẫn, vừa cùng chúng tôi vật lộn giữa dòng nước cuộn chảy, kéo, dìu, giúp nhau vượt về bờ Bắc sông Thạch Hãn...
Ngoảnh nhìn lại Nam sông –
Thành Cổ
Không tiếng súng, không bom rơi,
đạn rít
Không nghe tiếng xung phong
Chỉ còn lại những thân xác
đồng đội
Hóa thân mình trong bùn đất –
gạch vụn Cổ Thành.
Chúng tôi về đến thôn Nhan Biều lúc bình minh lên mới biết người giúp anh em chúng tôi vượt sông an toàn là Trung úy Trần Minh Hùng, Chỉ huy bến vượt Nhan Biều trên sông Thạch Hãn...
Nguyễn Nhân Mùi