Nhớ tháng hai năm ấy

Thứ hai, 18/02/2019 08:06

Kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới biên giới phía Bắc (17-2-2019), chúng tôi đến thăm Đại tá Phạm Đới, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5, hiện ở phường Hòa Thuận Tây (Hải Châu, Đà Nẵng). Những ngày tháng 2 của 40 năm trước vẫn sống động trong ký ức của người lính kỳ cựu.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và tặng hoa Trung tướng Phạm Minh Tâm. Ảnh: T.L

Có một thị xã hoang tàn

Cậu bé Phạm Đới theo gia đình tập kết ra Bắc khi còn nhỏ, trưởng thành rồi quay trở lại miền Nam chiến đấu, sau đó được cử đi học trường quân sự ở Nga. Ra trường đang giảng dạy ở Học viện Quốc phòng, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, vậy là ông lên đường. Nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu 5 hồi tưởng: "Để thành lập Quân đoàn 14 (Quân đoàn 5) vào ngày 24-2-1979, các cơ quan của Bộ Quốc phòng được điều động ra phía trước. Tướng Hoàng Đan làm Tư lệnh đầu tiên. Tôi làm trợ lý tác chiến. Quân đoàn đứng chân các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Trước đó các sư đoàn bộ binh đang chiến đấu bảo vệ Lạng Sơn (3, 327, 337, 338)  cùng các trung đoàn binh chủng của Quân khu 1, các đơn vị kinh tế được đặt dưới quyền chỉ huy chung của Bộ tư lệnh Quân đoàn. Tôi nhớ mãi cảm giác đau xót quặn lòng khi nhìn cảnh đổ nát của thị xã Lạng Sơn. Đặc biệt lúc đi qua trường Văn hóa Lạng Sơn, nơi ngày xưa đào tạo rất nhiều thế hệ trẻ, trong đó có tôi, cậu học sinh miền Nam các năm 1973, 1974. Mái trường bề thế thân thương với bao kỷ niệm của chúng tôi chỉ còn là một đống gạch vụn bởi bọn xâm lược. Nỗi ám ảnh ấy theo tôi mãi về sau với sự tiếc nuối vô hạn".

Theo Đại tá Phạm Đới, ngày 2-3, quân Trung Quốc chiếm được Kỳ Lừa, Tam Thanh, Nhị Thanh và vào được khu vực phía bắc của thị xã Lạng Sơn. Các đơn vị của ta rút về phía nam sông Kỳ Cùng. Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định điều Sư đoàn 3 về làm lực lượng dự bị, riêng Trung đoàn 12 Sư đoàn 3 tiếp tục bám trụ trên đường 1B đánh vào sau lưng địch, phối hợp với Sư đoàn 337 kiên quyết chốt chặn tuyến giao thông này, không cho địch vượt qua Cầu Khánh Khê tiến sang thị xã và huyện Văn Quan. Ngày 4-3, đối phương tiếp tục tung thêm lực lượng vào tiến công, chiếm được khu vực nam sông Kỳ Cùng, sân bay Mai Pha, các khu phố còn lại của thị xã Lạng Sơn và làm chủ các điểm cao phía nam thị xã. Tối 4/3, Bộ tư lệnh Quân đoàn 5 thông qua và bắt đầu triển khai phương án mở chiến dịch phản công. Ngày 5/3, giữa lúc các sư đoàn trên mặt trận đang ráo riết chuẩn bị thì trưa hôm đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam và ngày hôm sau quân Trung Quốc rút về phía bắc sông Kỳ Cùng. Bộ Quốc phòng quyết định cho dừng chiến dịch phản công. Trên hướng chính, quân Trung Quốc rút khỏi thị xã Lạng Sơn và huyện Cao Lộc ngày 9-3 và rút khỏi Đồng Đăng, Tân Thanh tuần sau đó nhưng một số nơi phải đến ngày 20-3 mới rút về bên kia biên giới. Tuy nhiên, các đơn vị trực thuộc của Quân đoàn vẫn còn phải trấn giữ ở Lạng Sơn, Cao Bằng đến năm 1984.

Cảnh đổ nát ở Lạng Sơn tháng 2- 1979. Ảnh: T.L

Ân tình với một vị tướng

Ấn tượng của Đại tá Phạm Đới những ngày ở biên giới phía Bắc là sự sát cánh cả chục chuyên gia quân sự Xô Viết. Trong điều kiện chiến trường gian khổ và ác liệt, những người bạn Nga đã đồng hành cùng các đơn vị, cố vấn bày binh bố trận, có mặt kiểm tra trên từng cây số trận địa. Nhớ những ngày ở trận chiến, đang cùng chỉ huy Quân đoàn đi bộ dọc đường sắt ga Lạng Sơn, Đại tá Phạm Đới vội đẩy ông Phạm Minh Tâm (lúc này là Tư lệnh) ngã xuống phía trước và mình ngã theo. Quay lại thấy đằng sau có mấy cán bộ ta thương vong. Đó là khi nghe tiếng đề-pa của pháo 122 mm đến hai tai cùng lúc, tức là pháo đang ở cự ly 11 km và đạn sẽ rơi cách mình 15-20 mét. Bài học của các chuyên gia Nga đã trở nên hữu ích. Theo Đại tá Phạm Đới, người Quảng Nam có nhiều công lao trong chiến tranh phía Bắc là Trung tướng Phạm Minh Tâm (sau này là Phó Tổng thanh tra Quân đội, hiện trọng bệnh đã 10 năm). Ông Tâm quê Điện Ngọc, Điện Bàn nổi tiếng là vị tướng dày dạn trận mạc.

Với kinh nghiệm từ chiến tranh du kích chống Pháp ở quê hương, phòng thủ thành cổ Quảng Trị đến cầm quân Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) thần tốc giải phóng Sài Gòn, ông đã chỉ huy các lực lượng đánh bật các đợt tiến công của quân xâm lược Trung Quốc. Thiếu tướng Gon Đin, cố vấn, càng thêm yêu quý Tư lệnh Quân đoàn 14. Tình nghĩa thủy chung ấy còn lưu lại mãi về sau. Bà vợ ông Gon đin làm bác sĩ chỉ qua mấy lần gặp cũng đã dành nhiều thiện cảm cho người chỉ huy Quân đoàn. Bà lặn lội từ Hà Nội vào Đà Nẵng thăm vợ con tướng Tâm khi vị chỉ huy đang ở biên giới. Ngày đó, nhà cửa sơ sài, ẩm thấp nhưng bà vẫn ở lại cùng gia đình đến mấy ngày. Hơn 30 năm về nước và mất liên lạc, nhưng vợ chồng chuyên gia vẫn không quên người bạn Việt Nam. Cách đây không lâu, vợ chồng ông Gon đin đã đăng tải trên mạng tấm hình chụp chung với Tư lệnh Phạm Minh Tâm với mong muốn được gặp lại người mà họ từng gắn bó. Tiếc là điều ước này chưa thực hiện được...

 40 năm trôi qua, đời binh nghiệp trải qua nhiều chiến trường, nhưng gần 5 năm ở biên giới phía Bắc là chặng đường không thể nào quên trong tâm trí Đại tá Phạm Đới. Ông cho rằng, với truyền thống yêu nước nồng nàn và tình đoàn kết quốc tế ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam, bất cứ kẻ thù nào xâm lược đất nước ta đều sẽ bị thất bại thảm hại mà thôi.

HỒNG VÂN