Nhỏ to chuyện học đường (Kỳ 1: Chuyện ngoài "chính sự")

Thứ hai, 05/02/2018 10:56

"Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Bất kỳ thời đại nào, học trò cũng có lắm chiêu, nhiều chước nghịch ngợm. Trong thời đại công nghệ số bùng nổ cùng  sự phát triển của xã hội, tâm sinh lý tuổi học đường càng thay đổi, diễn biến phức tạp, khiến người lớn không thể nắm bắt, kiểm soát hết được.

Sự gắn kết giữa cô trò trong các hoạt động ngoài giờ giúp HS vừa gần gũi để thổ lộ tâm sự (ảnh minh họa). 

1. Cách đây không lâu, dư luận Đà Nẵng xôn xao chuyện một nam HS THCS chỉ vì lời thách đố của bạn trị giá…25.000 đồng đã dại dột bò ra mái ngói tầng một, nhảy xuống sân trường dẫn đến gãy chân. Sự việc diễn ra chóng vánh sau giờ tan học, nên thầy cô không biết để kịp thời can ngăn. HS này được nhà trường đưa đi cấp cứu, hiện trở lại trường học bình thường. Sau khi sự cố đáng tiếc xảy ra, Tổng Phụ trách Đội của trường học này vào cuộc tìm hiểu thực hư thì được biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động dại dột trên không xuất phát từ lời thách đố… 25.000 đồng!

Cậu HS đó có hoàn cảnh khá đặc biệt. Mẹ mang thai khi còn rất trẻ và sinh ra em không có cha. Sau đó, vì nhiều lý do, mẹ buộc lòng gửi em vào trại trẻ mồ côi. Năm lên lớp 5, em được đưa về đoàn tụ cùng gia đình mới của mẹ. Tuy không phải cha ruột, nhưng ông rất yêu thương em. Như để bù đắp cho tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm của con trai, mẹ cha rất chiều em. Họ cho em sử dụng chiếc điện thoại khá đắt tiền. Từ một đứa trẻ mồ côi bỗng nhiên được về ở với gia đình mới của mẹ trong điều kiện, môi trường sống đầy đủ, tốt hơn xưa, nội tâm cậu bé có rất nhiều xáo trộn, sang chấn về mặt tâm lý! Được quyền sử dụng chiếc điện thoại khá xịn, em cứ thế tải game về chơi suốt đêm. Một lần, tình cờ vào phòng kiểm tra xem con ngủ thế nào, người mẹ mới phát hiện em đang trùm mền trong chăn chơi game… Từ mê game đến ảo tưởng mình có thể làm được những điều như "siêu nhân", nên hôm đó vừa bước ra khỏi lớp, em nói với các bạn mình có thể nhảy từ mái ngói tầng 1 xuống sân trường mà không hề hấn gì! Không tin, một bạn trong nhóm đáp trả, nếu em làm được điều đó thì sẽ đưa... 25.000 đồng. Cứ nghĩ nói cho vui, ai dè cậu học trò này làm thiệt, bò ra mái ngói của dãy lớp học tầng 1 nhảy tiếp đất xuống sân trường. May mắn sao, em chỉ bị… gãy chân. Sau sự cố này, cậu bé thực sự hối hận, thổ lộ với Tổng phụ trách Đội rằng lúc đó bên tai em chỉ văng vẳng câu: "Nhảy đi, nhảy đi, không sao đâu". Bạn bè chứng kiến được một bữa hoảng hồn, tởn tới già, hối hận rút ra bài học, trong những trường hợp như vậy phải tìm cách khuyên can, không để bạn liều lĩnh làm điều dại dột.

2. Một giáo viên chủ nhiệm (GVCN) kể, có lần, cô nhận điện thoại của một người xưng là phụ huynh (PH) xin phép cho con được nghỉ học vì lý do "cháu bị ốm". Nghe giọng vị PH này có vẻ khác ngày thường, số điện thoại lại lạ nên cô đâm nghi ngờ, gọi theo số điện thoại cũ để xác minh thì bố mẹ em ngơ ngác cho biết họ không hề gọi điện xin phép cho con nghỉ học. Bởi thực tế, em đâu ốm đau gì. Thì ra, vì muốn trốn học đi chơi game, cậu học trò đó đã nghĩ ra chiêu giả giọng cha mẹ, mượn điện thoại người khác để xin phép cô cho mình nghỉ.

Lại có HS cũng vì muốn nghỉ học đi chơi đã viết đơn xin phép nghỉ học (đánh máy), sau đó giả chữ ký cha mẹ rồi nhờ người mang đến trường nộp giúp. Tuy nhiên, "chiêu" này đã bị GVCN "bắt bài", gọi điện cho PH xác minh thì biết không hề có chuyện em ốm, gia đình cũng không hề viết đơn nhờ người khác gửi hộ. Thậm chí có em còn lén tìm cách chặn các cuộc gọi từ GVCN đến số máy của cha mẹ!

Các hoạt động ngoài giờ giúp cho HS giải tỏa tâm lý sau những giờ học căng thẳng (ảnh minh họa).

3. Nhân nói về "chiêu chước" học trò, cô Nguyễn Thị Phượng - Tổng Phụ trách Đội trường THCS Kim Đồng, kể: Một lần có nam sinh độ tuổi THPT đến trường giới thiệu là anh trai, xin phép nhà trường cho đón em gái về sớm vì gia đình có chuyện phải ra Huế gấp. Em HS nữ này thời gian gần đó có biểu hiện lơ đễnh, học hành sa sút. Nhìn thái độ người tự xưng là "anh trai" cô nữ sinh nọ, bằng kinh nghiệm, cô đoán ngay trò "đóng kịch" của những cô cậu học trò đang yêu nên bảo chờ cô gọi điện xác minh gia đình. Thấy cô bấm số gọi điện cho cha mẹ cô bé này, cậu nam sinh liền tìm cách "chuồn" ra khỏi trường.

Cũng đề tài tình yêu tuổi học trò, cô Nguyễn Thị Thảo Sương- Hiệu Phó trường THPT Phan Châu Trinh, kể: Có đôi bạn nam nữ học chung lớp yêu nhau. Hai em hồn nhiên thể hiện tình cảm thân mật như đang ở "chốn không người" ngay trong lớp học. Khi giáo viên, bạn bè nhắc nhở thì tỏ vẻ khó chịu, phản ứng cho đó là quyền tự do riêng tư...

4. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, cán bộ quản lý và Tổng phụ trách Đội - Đoàn ở các trường THCS, THPT, trong bối cảnh xã hội có quá nhiều yếu tố tác động đến tâm lý giới trẻ như hiện nay, đặc biệt là sự bùng nổ của internet với những tác động tích cực lẫn tiêu cực, việc dạy dỗ, quản lý và định hướng học trò vô vàn khó khăn. Vì vậy, công tác tư vấn tâm lý học đường trở nên quan trọng, cần thiết hơn bao giờ hết!

PHAN THỦY (còn nữa)