Nhớ Trịnh Công Sơn
(Cadn.com.vn) - Trong nỗi nhớ, kẻ cô độc đi về trong bóng tối; người viết thánh ca lừng lẫy về nỗi cô đơn; nhạc sĩ của tình yêu, con người và thân phận, tâm hồn thường tìm đến những ca khúc hệt như lời tỏ tình với cuộc sống, lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với mặt đất... Người ấy là Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ của những ca khúc vẫn luôn được hát lên đây đó nơi trần gian, hát trong tất cả những lần cõi thế tưởng nhớ ngày anh về chốn không còn thấy mặt trời.
Mỗi người đi qua cõi nhân sinh đều để lại dấu chân từ thuở chập chững ấu thơ đến hăm hở dấn thân sống, đấu tranh cho lý tưởng cao cả và cả những tình cảm tốt đẹp. Dõi theo những bước đi ấy, Trịnh luôn ôm một nỗi cuồng si bất tận với cuộc đời đã lựa chọn con đường dẫn về ca tụng sự vinh quang của đời sống, chính vì vậy âm nhạc của anh vẫn hằng đồng hành với bao người. Trong đời sống hôm qua và hôm nay vẫn vang lên tiếng nói của Trịnh qua mỗi bài hát từ Ngày xưa khi còn bé, Quê hương thần thoại đến Ngày sau sỏi đá, Cát bụi tuyệt vời. Hàng trăm ca khúc của Trịnh đã là những tiết tấu ân tình quen thuộc, những khúc thơ mê hoặc của kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận.
Mỗi khi được hát lên, hình ảnh Trịnh thấp thoáng giữa những cảm xúc âm nhạc qua các bức chân dung, tấm hình chụp chung với thầy giáo và bạn hữu, khuôn nhạc, trang bút ký, dòng tâm tình, khung cảnh quê hương thời đạn bom và thái hòa, hình ảnh thân thương của người mẹ, bóng dáng hư thực của người con gái. Vì vậy, tiếp cận âm nhạc Trịnh Công Sơn, con người có những liên tưởng âu yếm về kỷ niệm, nỗi nhớ nhung và giấc mơ yêu thương trong cuộc đời khi nghe trẻ thơ hồn nhiên hát ca khúc Mẹ vắng nhà, cô gái nhỏ nhí nhảnh trình bày bài hát Em là hoa hồng nhỏ, lắng hồn mình trong khắc khoải Lời mẹ ru, sự thảng thốt của Chiếc lá thu phai...
![]() |
“Người hát rong trên cõi địa đàng”. |
Sức lan tỏa và lôi cuốn của nhạc Trịnh được tăng thêm bởi các ca khúc về khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập để dựng xây và phát triển của dân tộc, của đất nước như Huế-Sài Gòn-Hà Nội, Huyền thoại mẹ, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Đồng dao năm 2000. Lúc ấy, tất cả đều thấy Trịnh không chỉ là “người hát rong trên cõi địa đàng” mà còn là người đã một thời làm dấy lên tinh thần đấu tranh vì dân tộc, tinh thần đấu tranh để giành lại quyền sống, để làm người. Và đây chính là nền tảng tư tưởng thẩm mỹ để tổ chức World Peace Music trao tặng Trịnh Công Sơn giải thưởng âm nhạc Vì hòa bình nhân loại.
Bởi mến mộ mà con người luôn muốn hiểu âm nhạc của Trịnh ở góc độ ngày càng có chiều sâu hơn. Thưởng thức nhạc Trịnh với tất cả nâng niu từng giai điệu giản dị lẫn tinh tế và quyến rũ của các ca khúc kể về tình yêu trần thế và giấc mơ đời bằng nỗi từ tâm. Những khúc nhạc lòng có tên Diễm xưa, Hạ trắng, Chiếc lá thu phai, Một cõi đi về lại vang lên không dứt trên khắp nẻo đời trong cảm giác con người thật khó cưỡng lại sự ngẩn ngơ bởi cung bậc yêu đương, hoặc có thể chạm vào sắc long lanh của lời hát muốn thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người.
Nhạc Trịnh cứ thanh thoát, nhẹ nhàng chảy vào lòng người mà trong đó ai cũng có thể thấy thân phận của mình, tình yêu của mình, mưa nắng của đời mình. Ngay cả khi con người cô đơn độc thoại trong đêm. Trong đêm cô đơn, người ấy cảm nhận hình hài, sắc màu, hương vị và tâm tình của đời sống với đêm hồng đêm mong manh, đêm đen rừng nuôi gió, đêm hồng má thị thành, đêm thơm từng chiếc lá, đêm sâu không xa lạ, kéo gần đêm thiên thu, đêm sinh thành nỗi nhớ, đêm nở đóa hẹn hò, đêm xa gần môi má... Nghe ca khúc Đêm của Trịnh, con người phát hiện trong những đêm mình đã, đang và sẽ sống có bóng tối hữu ích, có hương thơm của sự sống, có nhớ nhung sinh tỏa, có sắc màu đáng yêu, có lối vào ngày mai. Chính đêm thơm từng chiếc lá, đêm sâu không xa lạ, đêm sinh thành nỗi nhớ, đêm nở đóa hẹn hò đã kéo con người thêm gần nhau.
Mang đậm chất tự sự, lời giải bày nho nhỏ chân thành trong từng nốt nhạc của Trịnh đưa người nghe bước vào một thế giới hư ảo rất lãng mạn để cảm nhận được nỗi cô đơn, niềm an ủi trong một thoáng thiên thu chợt gần rồi chợt xa. Đâu đó ở nơi ấy có sự giao hòa giữa lời tự sự tha thiết về cuộc tình máu thịt của phận người trong một miền phước hạnh và triết lý nhân văn sâu thẳm. Và, mỗi khi cùng nhau về hát đêm hồng, con người vui mừng nhìn thấy khuôn mặt của kẻ hát rong không tuổi Trịnh Công Sơn...
Nguyễn Bội Nhiên
Người vẫn đâu đây...
Dường như 8 năm sau ngày mất của Trịnh, đâu đây vẫn thấp thoáng bóng anh trong những giai điệu thân quen của anh. Và hôm nay (1-4), sau 8 năm ngày mất của Trịnh, những người yêu nhạc, bạn bè lại nhớ đến anh, bằng cách nghêu ngao những bài hát của anh, kể những kỷ niệm về anh... Thời gian có thể phủ mờ nhiều thứ nhưng không thể phủ mờ những ca khúc bất hủ của Trịnh. Anh đã để lại cho đời những “bài ca đi cùng năm tháng” sau một chuyến “vui chơi giữa đời”. Anh về với đất Mẹ như “một lần vào viễn du, đứa con xưa đã tìm về nhà”, không phải sự ra đi vĩnh cửu, chỉ là một sự trở về...
Một ông giáo đã về hưu, bạn Trịnh, kể về bối cảnh ca khúc “Để gió cuốn đi” thế này: Trong bữa sinh nhật của một người bạn, nhân vật chính của bữa tiệc đến muộn nên một người bạn bực tức ném chiếc đồng hồ quà mừng sinh nhật xuống hồ nước. Lát sau chủ nhân của bữa tiệc sinh nhật đến, có người nói lại chuyện chiếc đồng hồ bị vứt khi nãy, ông này chỉ cười và bảo “ừ, thì vứt rồi thôi”. Có người gặng hỏi vậy chiếc đồng hồ kia sẽ đi về đâu, ông này bảo “thì gió cuốn đi chứ đâu”. Nghe vậy Trịnh nhờ người mang giấy bút ra và viết ngay ca khúc “Để gió cuốn đi”. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”.
Ngày Trịnh mất, bạn bè, đồng nghiệp, người yêu nhạc anh đã tri ân và tưởng nhớ với nỗi niềm tiếc thương vô hạn dẫu biết rằng với anh đó cũng chỉ là “Một cõi đi về”. Nguyễn Trọng Tạo có “Vĩnh biệt đời về cõi thênh thang”; Đỗ Trung Quân ghi khắc “Trịnh Công Sơn và bóng mát người mẹ”; nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thì chiêm nghiệm về sự ra đi của Trịnh trong “Sự thật của cuộc ra đi”,... Và rồi trong các năm sau đó, đến ngày anh “rời cõi tạm” nhiều nơi trên khắp đất nước người yêu nhạc Trịnh đều có nhiều chương trình tưởng nhớ đến anh. Năm nay, tại Đà Nẵng, sẽ có nhiều điểm tổ chức chương trình biểu diễn nhạc Trịnh như tại quán Tiếng Dương Cầm hay quán bar, cà-phê T.piaggio (29-Pasteur, Đà Nẵng). Các ca sĩ Phương Ngọc, Đỗ Quyên, Công Trứ,... tối nay (1-4) sẽ trình bày những nhạc phẩm tạo nên tên tuổi của Trịnh: Một cõi đi về, Diễm xưa, Hát cho người nằm xuống, Để gió cuốn đi,... tại quán bar, cà-phê T.piaggio.
Kim Ngọc
* Đêm nay (1-4), Trung tâm Văn hóa ATB tổ chức Chương trình “Đêm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn”. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm này, Trung tâm Văn hóa ATB sẽ trình làng trường ca Tiếng hát Dã Tràng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Được biết trường ca này bị thất lạc sau khi ông sáng tác và chỉ huy hợp xướng tại Trường Sư phạm Quy Nhơn năm 1962... Những ca khúc của ông một thời đã được Khánh Ly giọng Anto nhựa khàn, mộng ảo liêu trai, rồi một Lê Dung Opera giọng vàng khỏe sang trọng,... thể hiện. Chúng ta cùng chờ xem đêm nay, tại Nhà hát Hòa Bình TPHCM, Trung tâm Văn hóa ATB với ca sĩ Ánh Tuyết – người đã thể hiện rất thành công các ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao, sẻ chia tấm lòng giao hòa, đồng điệu cùng trường ca Dã Tràng của Trịnh.
Quang Minh Lê