Nhớ vụ thảm sát năm Mậu Tý
(Cadn.com.vn) - Từ sáng sớm 9-6 (mồng 5-5 âm lịch), nhiều người dân thôn Giáng Đông (xã Hòa Châu, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đã có mặt tại khu Nhà bia tưởng niệm vụ thảm sát năm Mậu Tý để chuẩn bị cho đám giỗ chung. Mỗi người một việc, người dọn vệ sinh quanh bia, người chuẩn bị lễ vật để cúng. Tất cả đều thành tâm nhớ về những người đã mất...
Đó là trưa hè 12-6-1948 (mồng 6-5 năm Mậu Tý), trong lúc dư âm của Tết Đoan ngọ vẫn còn quyện lẫn trong từng ngôi nhà, làng mạc. Bữa cơm trưa của nhiều gia đình bày ra nhưng chưa kịp ăn thì một trung đội giặc Pháp và tay sai từ đồn Lệ Sơn (xã Hòa Tiến) kéo xuống, một trung đội khác từ đồn Quá Giáng (xã Hòa Phước) ngược lên, chia thành nhiều tốp xông thẳng vào 2 làng Giáng Đông, Hà Đông (xã Điện Hòa, TX Điện Bàn, Quảng Nam). Người già, phụ nữ, trẻ em không kịp chạy trốn đều bị giặc lùa ra khỏi nhà. Để thị uy với dân làng, chúng dùng lưỡi lê đâm chết nhiều cụ già tại chỗ. Dân làng hoảng sợ, co cụm vào nhau dưới cái nắng nóng khắc nghiệt. Tiếng khóc trẻ thơ lẫn trong tiếng vỗ về như đứt từng khúc ruột của người mẹ...
Ở Giáng Đông, chúng dồn người dân đến mạch Cửu Nhung để dìm xuống nước nhưng nước cạn nên chúng lùa lên bờ. Nhiều họng súng liên thanh đen ngòm dồn dập nổ. Bụi, khói mù mịt. Máu phun thành vòi nhuộm đỏ bụi tre làng, rồi chúng lại tiếp tục đốt cháy nhà cửa, cây cối. Đêm đó, toàn bộ số người bị giặc Pháp sát hại được người thân đưa về tập trung tại vạt đất thổ, 126 ngọn đèn dầu le lói trong nỗi đau uất hận, mà phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Làng Giáng Đông bao trùm màu tang tóc, nhà ai cũng có người bị sát hại. Cũng trong ngày đó, hơn 40 thường dân vô tội khác tại làng Hà Đông cùng chịu chung cảnh ngộ đau thương.
Dân làng Giáng Đông (xã Hòa Châu) thành kính dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm |
Theo cư dân địa phương, nguyên nhân xảy ra vụ thảm sát đó bắt nguồn từ việc, trong thời gian chiếm đóng, giặc Pháp thiết lập một con đường từ Miếu Bông lên đập dâng An Trạch, xuyên giữa 2 làng Giáng Đông, Hà Đông để dễ dàng kiểm soát tình hình trong khu vực; đồng thời vận chuyển, tiếp tế lương thực, đạn dược từ đồn Quá Giáng lên Lệ Sơn. Du kích địa phương đã nhiều lần tổ chức phá hoại nhưng không hiệu quả, nên đêm mồng 5-5 năm Mậu Tý, được dân làng hỗ trợ đào đường, du kích chôn mìn, gài quả nổ sát thương giặc... Và, ngày hôm sau giặc Pháp điên cuồng dẫn quân càn quét, trả thù.
Những người như các cụ Trần Văn Tri, Trần Công Hoài (thôn Giáng Đông) đến nay đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”. Dù được may mắn sống sót, có con cháu đề huề nhưng ký ức về những tháng ngày tang thương đó vẫn ám ảnh suốt chừng ấy năm trong tâm các cụ. “Lúc đó, tôi hoảng sợ bò núp giữa các bụi tre gai góc, thấy mẹ mình đang nằm thoi thóp, người đầy máu, tay ôm chặt 2 đứa em; trong đó có 1 đứa miệng còn ngậm chặt vú mẹ. 13 người thân của gia đình tôi là nạn nhân trong vụ thảm sát, sau đó cha và ông nội tôi cũng bị trầm uất chết theo”, cụ Tri bùi ngùi nhắc lại.
68 năm qua, nước mắt của những người thân còn sống trong vụ thảm sát vẫn mãi rơi, họ đã mất mát quá nhiều, trái tim của họ quặn thắt mỗi khi nhớ về người đã mất. Bây giờ, khi ôn lại nỗi đau thương đó, họ lại nhắc nhở nhau biến đau thương thành hành động, góp phần xây dựng nền độc lập vững bền, đấu tranh cho hòa bình nhân loại. Bởi từ sâu thẳm đau thương, họ hiểu hơn ai hết sự tàn khốc của chiến tranh và mất mát, để càng nâng niu hơn giá trị của độc lập, thái bình... “Vết thương ngày cũ vẫn hiện hữu nơi mảnh đất này, chúng tôi đang cố gắng từng ngày xây dựng quê hương giàu mạnh. Hằng năm, cứ đến ngày này, chúng tôi luôn nhắc nhở thế hệ con cháu phải ghi nhớ lịch sử chứ không ghi nhớ hận thù, khép lại quá khứ chứ không lãng quên”, cụ Nguyễn Văn Định (thôn Hà Đông) - một trong những nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát năm xưa khẳng định.
Vy Hậu