Nhọc nhằn chuyện mưu sinh sau giãn cách (Kỳ 1: Tiểu thương “than trời” vì “chợ tạm, chợ cóc, chợ nhà”!)

Thứ ba, 12/10/2021 17:16

Đại dịch COVID-19 xuất hiện và kéo dài dai dẳng, nhất là gần hai tháng qua, khi Đà Nẵng thực hiện “thắt lưng buộc bụng”, “ai ở đâu, ở yên đấy” để phòng chống dịch bệnh, không chỉ có doanh nghiệp mà từ tiểu thương đến người lao động một số ngành nghề rơi vào cảnh khó khăn.

Chợ Đống Đa sau họp chợ trở lại trong tình trạng vắng khách.

Để mưu sinh, nhiều người phải làm thêm nghề tay trái. Và một trong những lựa chọn đó là kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thiết yếu từ rau, củ, quả đến thịt, cá, hải sản, tạp hóa… Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến những ngày đầu sau khi Đà Nẵng chuyển trạng thái bình thường mới, một số chợ truyền thống được hoạt động trở lại rơi vào cảnh ế ẩm do không có khách vào mua.

Chợ truyền thống… ế ẩm

Vừa thoăn thoắt làm cá giao cho khách, chị M. (tiểu thương chợ Đống Đa, Q. Hải Châu) cho hay, sau khi được hoạt động trở lại, lượng người vào chợ mua hàng rất ít khiến tiểu thương rơi vào cảnh ế ẩm. “Họ tranh thủ mua ở phía ngoài cổng chợ nên trong chợ vắng hoe ri đây”- chị M. thở dài, than. Tương tự, chị T.T (nhà ở Q. Cẩm Lệ)- tiểu thương  bán rau củ quả tại chợ Đống Đa nhiều năm nay- chia sẻ thêm: “Theo quy định, tôi đi bán một ngày, nghỉ một ngày. Với lượng người vào chợ quá vắng vẻ như thế này, tôi đâu dám lấy hàng nhiều sợ “ôm”, lỗ vốn chết”. Quầy hàng hải sản, thịt, rau củ quả… đã ế, các quầy bán quần áo, tạp hóa còn buồn hơn. Dẫu không có khách đến hỏi mua, nhưng “ngày nào đến phiên mình được bán thì vẫn đi, trông chờ “hên xui”, kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày”- một tiểu thương bán quần áo tại chợ Đống Đa bộc bạch.

Tình trạng ế ẩm của chợ Đống Đa cũng là thực trạng chung của hầu hết các chợ truyền thống kể từ khi Đà Nẵng chuyển trạng bình thường mới. Chị Hà Trang - tiểu thương bán cá chợ Bắc Mỹ An cho hay: “Theo quy định của chợ, tôi đi bán hai ngày, nghỉ hai ngày. Vì sức mua trong chợ giảm mạnh do chợ tạm, chợ cóc tại các tuyến đường xung quanh chợ “mọc” lên quá nhiều, nên mỗi thứ cá, tôi chỉ mua vài ba ký về bán kiếm tiền đi chợ hàng ngày. So với trước đây, việc buôn bán của tôi chỉ đạt 20-30%”.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, theo quy định của các chợ, tần suất tiểu thương họp chợ chỉ 50%/ngày; tần suất người đi chợ: 3 ngày/lần. Ngoài việc giới hạn lượng người bán và người mua, các chợ truyền thống đều thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch như trang bị bạt chống giọt bắn tạo khoảng cách an toàn giữa người bán với người mua; phân luồng ra, vào chợ; kiểm soát phiếu đi chợ...

Khi được hỏi vì sao không vào chợ mua để đảm bảo an toàn, chị Thanh Mai- một khách hàng đi chợ- bày tỏ suy nghĩ: “Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, tâm lý của người đi chợ là muốn đi nhanh rồi về. Dù công tác phòng, chống dịch ở các chợ truyền thống tốt hơn ở bên ngoài chợ nhiều, nhưng để được vào chợ phải xuất trình phiếu đi chợ... khá phiền phức nên nhiều người không muốn vào. Đã thế tần suất đi chợ 3 ngày/lần, trong khi đó nhiều người có thói quen thích ăn đồ tươi sống, không muốn dùng thức ăn để trong tủ lạnh nên chọn chợ tạm, chợ cóc để vừa tiện, vừa nhanh”.

Tiểu thương chợ Thanh Bình viết đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng đề nghị giải quyết dứt điểm chợ tạm, chợ tự phát.

Giải pháp thực hiện chưa triệt để

Hầu hết tiểu thương các chợ truyền thống đều cho rằng, ngành chức năng cần phải có giải pháp và chế tài nào đó để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo sự công bằng đối với các tiểu thương trong chợ. Chị Hà Trang bộc bạch: “Trong khi bên trong chợ, công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn thì bên ngoài chợ cóc, chợ tạm lại không có sự kiểm soát về các biện pháp phòng chống dịch. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất cao. Mặt khác, việc họp chợ tự phát như thế khiến tình hình buôn bán của các tiểu thương trong chợ ế ẩm. Chúng tôi phải đóng thuế, trả tiền thuê mặt bằng. Nếu tình trạng ế ẩm kéo dài thì lấy đâu ra tiền để đóng thuế?”. Đồng quan điểm này, một tiểu thương ở chợ Thanh Bình bức bối nói: “Cho họp lại chợ mà chợ cóc, chợ tạm, chợ nhà vẫn không dẹp thì tiểu thương trong chợ chỉ có… ế dài dài”. Song song với việc phải có giải pháp đối với những hàng quán tự phát ngoài khu vực chợ, các tiểu thương cũng đề nghị các ngành chức năng quan tâm giảm thuế.

Liên quan đến vấn đề chợ cóc, chợ tạm, ông Đàm Văn Tẩu- Giám đốc Công ty quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng- cho hay, Công ty đã có kiến nghị lên Sở Công thương. Sở cũng đã có công văn đề nghị UBND các quận huyện yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, cấm tụ tập buôn bán hàng xung quanh bên ngoài cổng chợ. “Tôi tin, sau khi các chợ truyền thống hoạt động ổn định trở lại, tình trạng các chợ cóc, chợ tạm cũng sẽ được xử lý dứt điểm”- ông Tẩu nói.

Thực ra, không phải đợi đến thời điểm này mới xuất hiện chợ cóc, chợ tạm. Trước khi có dịch, đã nhiều lần cơ quan chức năng các địa phương vào cuộc xử lý thực trạng này. Tuy nhiên, do các chợ truyền thống tạm dừng hoạt động gần 2 tháng nay nên chợ tạm, chợ cóc xuất hiện sau giãn cách nhiều, không thể xử lý dứt điểm hết ngay được. Thực tế tại một số chợ, phóng viên nhận thấy, cơ quan chức năng có kiểm tra, nhắc nhở, cấm không cho tụ tập trên các vỉa hè, khu vực quanh chợ. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi, họ lại trở lại họp chợ. Đuổi theo một chị bán hàng rong trên xe đẩy vào con hẻm để hỏi chuyện, phóng viên nhận được lời tâm sự đầy cám cảnh của người bán hàng tự phát này: “Biết là không đúng quy định, nhưng cũng vì mưu sinh. Chớ ai muốn bán chạy như tào tháo đuổi thế này”.

Liên quan đến những khó khăn của tiểu thương các chợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nghỉ bán trong nhiều tháng liền, kinh doanh ế ẩm, ông Đàm Văn Tẩu cho biết, thành phố đã có chủ trương giảm 6 tháng tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương từ tháng 5 đến tháng 11. “Nếu những tiểu thương nào đã đóng tiền thuê mặt bằng tháng 5, 6, 7 rồi thì sẽ tiếp tục được miễn đóng cho đủ 6 tháng của những tháng tiếp theo”- ông Tẩu cho biết.

* Bức xúc trước cảnh “chợ tạm, chợ cóc, chợ nhà” bùng phát khiến tiểu thương trong chợ không kinh doanh được, sáng 11-10, tiểu thương chợ Thanh Bình đã viết đơn kiến nghị gửi lên UBND P. Thanh Bình xem xét, giải quyết để chấm dứt thực trạng này. Trong đơn có đoạn viết: “...kể từ khi họp chợ lại đến nay, tiểu thương chúng tôi rơi vào tình trạng ế ẩm. Nguyên nhân do chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát họp... tại đường Bắc Đẩu (sau lưng chợ-P.V), nên người dân không vào chợ để mua hàng. Điều này đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh ở trong chợ truyền thống...”.

(còn nữa) P.Thủy