Nhọc nhằn từng cọng rơm quê!

Thứ hai, 10/04/2017 09:03

(Cadn.com.vn) - Gần trưa, tiếng gà mái cục tác liên hồi ở phía sau vườn nhà, mẹ tôi loẹt quẹt từ dưới bếp bước lên bảo: "Nó đẻ rồi! Chắc đã được hơn mươi trứng. Lứa ni để ấp nuôi làm giống" thì tôi sực nhớ ra cái đặc tính vô cùng kỳ lạ của loài gà, hễ sau khi đẻ lại oang oang cái miệng làm cho những nhà ở xa hàng chục mét cũng biết. Tôi vội bước ra phía chuồng heo, gà mái cũng vừa rời khỏi ổ rơm được lót trong cái rổ thưa nhung nhúc những quả trứng trắng hồng. Ở gốc cây rơm gần đó, chú gà trống dáng dấp oai phong được chưng diện bộ lông màu mè sặc sỡ, dỏng cao cái mào đỏ chót kêu "tục... tục" mấy tiếng thì gà mái cắm đầu chạy tới. Tôi nghĩ mà cười thầm một mình bởi cô gà mái "mê trai" quá, mới "mang nặng đẻ đau", nghe "tục tục" cái là "đổ" liền. Đứng nhìn mải miết đàn gà cả ba thế hệ đang nhốn nháo kiếm ăn quanh quẩn ở gốc cây rơm, thấy mảnh vườn của mẹ càng yên ắng trong buổi sáng chớm hè.

Rơm, một sản phẩm phụ của ruộng đồng sau mùa thu hoạch, luôn được  người đời ví von hai từ rẻ rúm "rơm rác" mà sao lại gợi trong tôi bao cảm xúc lạ lùng! Nhớ vụ mùa năm ngoái, máy gặt đập liên hợp phun ra những thân lúa xanh um trải dài trên những thửa ruộng cạn nước, nứt nẻ rồi phơi mình dưới ánh nắng chói chang vài ba ngày trở nên khô queo để biến thành những cọng rơm vàng hươm nhẹ tênh, được người con dâu của mẹ cuốn lại gánh về chất thành cây rơm sau góc vườn dành làm thức ăn cho trâu bò trong những ngày gió mưa, đông giá và sử dụng vào nhiều việc khác của chuyện nhà nông.

 

Chẳng bao lâu lớp vàng nhạt bên ngoài của cây rơm thân trụ đã ngả màu bạc phết vì nắng gió, xung quanh bên dưới gốc cây rơm bị khuyết dần trông chẳng khác gì những hòn núi đá vôi nhấp nhô trên vịnh Hạ Long khi triều xuống. Sự khoét lõm ấy chính là mẹ đã ngày ngày rút dần rơm cho trâu bò ăn và bỏ vào chuồng chống ẩm ướt cho gia súc, gia cầm. Cây rơm đứng một mình chông chênh, trơ trọi âm thầm ở góc vườn đêm ngày chỉ biết thì thào cùng trăng sao và cam chịu bao gió sương não nùng sao mà giống với thân phận khốn khó của mẹ đến thế! Cây rơm càng bị khoét sâu ở gốc cũng đồng nghĩa với nỗi nhọc nhằn càng lấp đầy thêm vào dáng hình gầy guộc, vất vả trong cuộc đời mẹ!

Nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ lúc còn nhỏ, có lần mẹ kể hồi trước cuộc sống thiếu hụt đủ thứ, tấm chăn cũng không có mà đắp. Những đêm đông gió rít ào ào, nhà cửa hở hang, hơi lạnh ùa vào, buốt tê tái vì chỉ mong manh có chiếc chiếu làm chăn. Để chống lạnh, mẹ rút rơm trải thật dày dưới vạt giường tre ọp ẹp rồi lót chiếc chiếu lên giữ hơi ấm...

Bầy gà vẫn vây quanh mổ tanh tách những hạt lúa còn sót lại trong những cọng rơm. Phía trên ngọn cây rơm từng đàn chim sẻ lượn lờ, sà xuống bu bám, nhảy nhót kiếm ăn. Thỉnh thoảng chúng lại đập cánh bay rần rật mỗi khi có bóng người. Lại có những chú chim sẻ hì hục tước những lá lúa khô rồi dùng mỏ tha đi. Hình ảnh ấy đối với những đứa con được sản sinh từ miền quê lúa như tôi quá đỗi thân quen, bởi sau khi ăn no, chim sẻ tha rác về làm tổ trên những ngọn cây cao hoặc các khe hở của rui, mè và lỗ hổng đòn tay trong các ngôi nhà ở thôn xóm.

Tôi lặng lẽ đi về phía cuối vườn đưa tay rút cọng rơm vàng vân vê mà lòng ngổn ngang bao nỗi buồn vui lẫn lộn. Mùi thơm thoang thoảng pha lẫn cái  cảm giác xon xót của rơm nhè nhẹ lan tỏa, mùi của xứ sở quê hương quá gần gũi, thân thương đến thật nhẹ nhàng! Con mực dầm mình tắm táp dưới bờ sông chạy về, thấy tôi lâu ngày mới xuất hiện, mừng quýnh, nhảy xổ tới vẫy đuôi liên hồi rồi nằm lăn trên những cọng rơm vương vãi dưới mặt đất để lau tấm thân còn sũng nước, miệng kêu ư ử như giành phần của lũ kê đã chiếm dụng quá nhiều rồi. Bỗng mẹ gọi: "Làm chi ngoài nớ, rút cho mẹ nhúm rơm con!". Tôi mang rơm vào thì nồi bắp mẹ đã đặt sẵn ở luống rau vừa nhổ. Bà dùng rơm thay củi để nấu ngoài trời cho mát mẻ. Làn khói trắng đục lảng bảng trong vườn, chầm chậm tan vào không gian giữa trưa lặng gió.

Mùa gặt tháng tư năm nay chuẩn bị vào vụ cũng là thời điểm cây rơm của mẹ  đang vơi sắp đầy trở lại. Nhìn những nếp nhăn hằn in sâu hoắm trên khuôn mặt già nua của mẹ, bất chợt tôi nhớ tới câu ca dao "Gối rơm theo phận gối rơm/có đâu gối thấp lại chờm lên cao" mà thương cuộc đời chân lấm, tay bùn của mẹ, càng quý hơn những cọng rơm khô giòn mảnh mai, cũ kỹ của ruộng đồng trước sau vẫn vẹn nguyên, gắn bó với bao vườn tược, với từng mái nhà ấm áp làng quê!

Thái Mỹ