Nhộn nhịp làng nghề bánh cà cuối năm
Những ngày này, làng nghề bánh cà xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) nhộn nhịp hơn ngày thường. Tiếng máy nhào bột, vắt bánh, tạo viên,... hòa với tiếng cười nói của những người thợ rộn ràng cả khu xóm. Không khí lao động hối hả, nhộn nhịp, những người lao động đang hoạt động hết công suất để cung ứng sản phẩm bánh cà ra thị trường trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống
Toàn xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên hiện có 120 hộ sản xuất bánh cà, tập trung chủ yếu ở xóm làng Nam và làng Đông, ngoài ra rải rác các hộ sản xuất ở làng Phan và làng Trung Thượng. Năm 2020, bánh cà Làng Nam vinh dự được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là một làng nghề truyền thống. Năm 2022, thương hiệu bánh cà Hưng Tân được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Từ đó đến nay, bánh cà Hưng Tân được nhiều người biết đến, nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, thậm chí còn là món quà quê gửi ra nước ngoài.
Đôi bàn tay thoăn thoắt cho bột vào máy vắt để ra lò những viên bánh cà tròn đều tăm tắp, chị Nguyễn Thị Hoa (1970, trú tại làng Nam, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên) cho biết, chị không nhớ rõ bánh cà có từ bao giờ, chỉ nhớ thời còn nhỏ, trong những dịp Tết đến lại thấy cha mẹ làm món ăn này để thết đãi khách quý. Trước đây, bánh cà được làm bằng thủ công, mỗi gia đình chỉ làm với số lượng ít để sử dụng. Dần dần sản phẩm bánh cà được nhiều vị khách phương xa biết đến, đặt mua làm quà. “Ban đầu trong làng Nam chỉ có khoảng 2-3 hộ làm bánh cà với sản lượng ít. Cơ sở bánh cà của gia đình tôi cũng làm bánh cà được 8 năm nay, chủ yếu nhập cho các đại lý và một số khách lẻ. Dịp tết này chúng tôi dự kiến làm khoảng 3 tấn bánh cà để cung cấp ra thị trường. Càng về cận Tết, đơn hàng càng nhiều, chúng tôi làm bánh liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi. Nhiều đêm tranh thủ ngủ 1-2 tiếng rồi lại dậy làm để kịp tiến độ- chị Hoa chia sẻ.
Cũng theo chị Hoa, nguyên liệu làm bánh cà gồm bột nếp, trứng gà, dầu ăn, gừng, ớt, vừng. Bánh cà được chế biến với 3 vị chính gồm ngọt, cay mặn và vừng. Quy trình làm bánh cà trải qua 3 công đoạn: nhào bột, vắt bánh và rán bánh. Tuy nhiên, để có được sản phẩm bánh cà vừa ngon, giòn và xốp thì tỉ lệ của các nguyên liệu phải phù hợp. “Cứ 2 kg bột nếp cần khoảng 13 quả trứng gà, 3g đường sẽ cho ra thành phẩm 3kg bánh cà. Quá trình nhào bột, ngoài tỉ lệ nước, bột và trứng phù hợp phải cho một lượng nhỏ dầu ăn để đảm bảo bột có độ kết dính tốt, không bị khô cũng không bị nhão. Sau khi tạo được thành một khối thống nhất, bột sẽ được cắt ra thành từng miếng rồi cho vào máy cán và tạo thành những viên bánh hình tròn đều tăm tắp. Khi công đoạn này hoàn thành, bánh cà sẽ được cho vào chảo dầu đang sôi đảo liên tục khoảng 20 phút. Bánh cà sau đó ra được vớt ra để ráo, hong khô, trộn đường và đóng vào túi”- chị Hoa cho hay.
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Cơ sở sản xuất bánh cà của gia đình anh Nguyễn Ngọc Khánh (1997, trú Làng Nam) là một trong những xưởng bánh có quy mô lớn của xã Hưng Tân. Để kịp có sản phẩm cung cấp cho thị trường, anh Khánh thuê 4 nhân công với tiền công từ 250.000 đồng- 350.000 đồng/ngày. Mỗi ngày, những người thợ làm bánh dậy từ 4 giờ sáng và lần lượt làm các công đoạn để cho ra lò nhiều mẻ bánh cà.
Bà Nguyễn Thị Hồng – một thợ làm bánh cà tại cơ sở của anh Khánh cho biết, trước đây chưa có máy móc nên việc nhào bột bằng tay rất vất vả. Trong 3 năm trở lại đây, hầu hết các hộ sản xuất bánh cà đều đầu tư máy nhào bột, cán bột và vo viên để tạo viên cho hạt cà, nhờ đó công suất cũng nhanh hơn gấp 2 lần so với thủ công. Ưu điểm của máy tạo hạt là cho ra hạt tròn, kích thước đều nhau. Những hạt ở cuối thanh bột có thể nhỏ hơn, sẽ bị "sàng" xuống dưới gom, làm lại. Hạt tròn, đều kích thước rất quan trọng trong quá trình chiên giòn, tránh bị cháy, không đều màu.
Từ sản xuất thủ công đến ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại, đặc biệt là sự hỗ trợ của thiết bị đảo hạt có gắn động cơ khi chiên, đã giúp những hộ kinh doanh, sản xuất bánh cà tăng năng suất, sản lượng gấp đôi, rút ngắn thời gian, hiệu quả và sức lao động cho bà con.
Là làng nghề sản xuất bánh cà lớn nhất tỉnh, sản phẩm bánh cà Hưng Tân được các cơ sở sản xuất quanh năm cung cấp cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Riêng dịp Tết, vào khoảng từ cuối tháng 11 (Âm lịch) đến 20 tháng Chạp, người làm bánh cà hầu như không có thời gian nghỉ, phải thay nhau ngủ để kịp làm hàng giao cho khách. “Sản phẩm của làng nghề chúng tôi sử dụng hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, không có phụ gia, không có chất bảo quản, được thị trường ưa chuộng. Vụ sản xuất Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm nay, cơ sở chúng tôi chuẩn bị 10 tấn bột nếp, dự kiến cung ứng cho các đại lý, siêu thị và bán lẻ khoảng 15 tấn sản phẩm” – anh Nguyễn Ngọc Khánh hồ hởi cho biết.
Theo bà Phan Thị Thuận - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hưng Tân, vào vụ Tết Nguyên đán, trung bình các hộ dân cung ứng ra thị trường 700-800 tấn bánh cà. Với mức bình quân 110.000-120.000 đồng/kg (giá bán sỉ), sản phẩm này mang về cho địa phương trên 9 tỷ đồng mỗi vụ hàng Tết. Sau khi trừ các chi phí nguyên liệu, tiền công, người dân làng nghề bỏ túi khoảng 3,8 tỷ đồng.
Dương Hóa