Như bản tình ca

Thứ tư, 11/12/2013 10:41

(Cadn.com.vn) - Tham dự Liên hoan truyền hình toàn quân lần thứ X, tổ chức tại Đà Nẵng tháng 9- 2013, phóng sự “Rừng biển yêu thương” của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã đọng lại trong lòng khán giả sự hy sinh to lớn của người lính nơi tiền đồn Tổ quốc và cô giáo miền biên ải.

Khởi đầu phóng sự, lời ca khúc “Gần lắm Trường Sa” cất lên gợi cho người xem liên tưởng tới một gia đình có chồng đóng quân nơi biên giới, hải đảo. Bằng thủ pháp đi từ xa đến gần, tác giả dẫn dắt khán giả bằng những lá thư từ nơi đầu sóng ngọn gió gửi về đất liền. “Trong hàng ngàn lá thư đó, có một lá thư của Trung úy Nguyễn Văn Hà từ nhà giàn DK1 khi về đất liền còn ngược ngàn lên biên giới, đến với người vợ thương yêu: cô giáo Lê Thị Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Thủy, H. Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa – một xã vùng cao tiếp giáp với nước bạn Lào”.

Tuy không phải là các nhà làm phim chuyên nghiệp, nhưng yếu tố tâm lý đã được nhóm tác giả khai thác khá hiệu quả khiến người xem không nhàm chán, không nảy sinh ý nghĩ “đã bắt gặp đâu đó”. Năm 2003, từ  Đoàn 147 Vùng 1 Hải quân, trắc thủ ra–đa Nguyễn Văn Hà trong một đợt nghỉ phép đã tổ chức xây dựng gia đình với cô giáo Lê Thị Hạnh, người cùng quê xã Quảng Cát (Quảng Xương, Thanh Hóa). Kết thúc kỳ phép hạnh phúc ấy, Hà trở về đơn vị công tác và từ bấy đến nay anh gắn bó với đảo Trường Sa, gắn bó với nhà giàn DK. Những năm gần đây, biển Đông nói chung, quần đảo Trường Sa nói riêng luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn. Xác định trách nhiệm lớn lao và vinh quang với Tổ quốc, CBCS Trường Sa đã vượt muôn vàn gian khó, đề cao cảnh giác, vững tay súng, quyết giữ vững từng tấc đất chủ quyền biển đảo,  tạo điều kiện cho kinh tế biển phát triển. Cả nước hướng về Trường Sa với cả niềm tin và tình cảm yêu thương nhất, trong đó có Trung úy- trắc thủ ra-đa Nguyễn Văn Hà.

Cô giáo Lê Thị Hạnh lên lớp tại điểm trường xã Sơn Thủy
(ảnh cắt từ phóng sự “Rừng biển yêu thương”).

Nếu như sau ngày cưới chồng đi ra biển thì cô giáo Lê Thị Hạnh cũng tạm biệt gia đình để lên “với rừng”. Cô phải vượt hơn 200km, từ TP Thanh Hóa về với các bản, làng vùng cao biên giới thuộc xã Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa), vì nơi ấy có nhiều em học sinh người Thái, người Mông đang mong đợi. Lớp cô dạy thuộc một điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Sơn Thủy với trên chục học sinh nhưng có tới 4 trình độ khác nhau...

Bằng tình yêu nghề nghiệp, sự cảm thông sẻ chia đối với học sinh các dân tộc vùng cao biên giới, Hạnh đã vượt qua sự cách trở về địa lý, khí hậu khắc nghiệt, sự bất đồng về ngôn ngữ để đem “cái chữ” đến với các em. Tấm lòng của cô được các em học sinh và gia đình phụ huynh tin yêu mến phục... Năm 2004, Hạnh sinh con gái đầu lòng, hết kỳ thai sản cô bồng con lên miền biên ải. Ở đây, hơi ấm của người bố được thay bằng vòng tay của thầy cô, bà con bản làng xã Sơn Thủy. Cháu vô tư lớn lên với núi rừng bao nhiêu thì lòng mẹ càng trĩu nặng bấy nhiêu, vì dưới quê còn có ông bà nội phải sống trong cảnh quạnh quẽ vì xa con, xa cháu.

Vì thế, năm 2011, Hạnh đã đưa cháu về xuôi, nhờ ông bà chăm sóc dạy dỗ, để có thêm thời gian dạy học. Từ đó, đứa cháu là cầu nối tình cảm yêu thương của con trai và con dâu đang ở hai miền xa cách... Không ít khán giả đã lặng đi khi nghe cô bé hát líu lo: “bố đóng quân đảo xa, mẹ bận công tác xa, con lớn lên với bà...”. Còn người mẹ, cứ mỗi tháng hai lần lại về quê thăm bố mẹ chồng và con gái để làm tròn bổn phận của người con dâu hiếu thảo. Không biết từ bao giờ, Hạnh trở thành hành khách thân quen trên chuyến xe khách Hà Anh từ TP Thanh Hóa đi cửa khẩu Na Mèo. Dẫu hoàn cảnh khó khăn cách trở là thế, nhưng đối với nhiệm vụ đứng lớp, xây dựng nhà trường, cô giáo Hạnh vẫn luôn hoàn thành tốt, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, được Phòng Giáo dục- Đào tạo và UBND H. Quan Sơn khen thưởng.

Gia đình bịn rịn tiễn anh Nguyễn Văn Hà về lại nhà giàn DK1
(ảnh cắt từ phóng sự “Rừng biển yêu thương”).

“Ở hai đầu nỗi nhớ, anh mơ về bên em”, hằng năm Hà thường chọn thời gian vợ nghỉ hè để đi phép, bởi đó là thời gian họ được gần nhau nhiều nhất, được cùng chăm sóc bố mẹ và con gái, thăm hỏi họ hàng, người thân, tranh thủ giúp đỡ bố mẹ gieo trồng, cấy hái... Nhưng rồi “cầu Ô Thước” không bắc được quanh năm, anh phải trở lại nơi đảo xa, sóng lớn. Chị cũng lên xe ngược ngàn lên biên giới. Họ lại tiếp tục chuỗi ngày dài xa nhau. “Rừng nhớ biển, biển thương rừng. Ở hai đầu nỗi nhớ ấy, anh chị vẫn âm thầm dâng hiến cho quê hương đất nước một tình yêu. Đó là tình yêu từng tấc đất chủ quyền thiêng liêng của biển đảo của Tổ quốc, là tình yêu sâu đậm của sự nghiệp “Cõng con chữ lên non” với bà con dân tộc miền biên ải”. Lời kết phóng sự như  gợi lên một câu hỏi: Bạn đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?

Nguyễn Sỹ Long