Như những "con tằm" cần mẫn nhả tơ...
Khi Báo Công an TP Đà Nẵng kỷ niệm 20 năm thành lập (1987-2007), tôi mới về đầu quân cho Báo chưa đầy 10 năm. Khi ấy, bằng cảm nhận còn rất đơn sơ, tôi đã có bài viết, ví von những người làm báo ở đây như những "con tằm" cần mẫn nhả tơ . Bây giờ Báo đã bước sang tuổi 33, tôi cũng sắp tròn 20 năm làm báo. 33 năm là khoảng thời gian ngắn của đời người, nhưng là cả một hành trình lịch sử, là những kỷ niệm ở một nơi ta đã gắn bó và say mê, nhất là khoảng thời gian tràn đầy sức sống nhất...
PV Báo Công an TP Đà Nẵng cùng các chiến sĩ biên phòng Việt Nam và Công an biên giới Lào tại biên giới Việt-Lào, Tây Giang, Quảng Nam. |
"Báo Công an TP Đà Nẵng của bạn có uy lắm"
Người xưa nói, "Tam thập nhi lập" có nghĩa là khi người ta bước qua 30 tuổi thì sức tự thân lập nghiệp mới có thể chắc chắn và vững vàng, khi ý chí khởi nghiệp đã chín muồi, với nền tảng vững vàng về tinh thần và vật chất... Chẳng phải "mèo khen mèo dài đuôi" đâu, nhưng có lần những người bạn lớn tuổi cũng làm báo ở tận TP Hồ Chí Minh nói như khẳng định: "Báo Công an TP Đà Nẵng của bạn có uy lắm...". Tôi chưa hiểu cái "uy" ấy là như thế nào, những người bạn đã cắt nghĩa giùm tôi: Một tờ báo mà ngay từ khi mới ra đời đã phát hành rộng rãi đến bạn đọc, và có thời gian phát hành tới xấp xỉ vài chục vạn bản một số. Tờ báo đã có thời quy tụ những cây bút sừng sỏ, là cái "nôi" sản sinh ra nhiều nhà báo tên tuổi của làng báo. Tờ báo mà chỉ nghĩ đến thôi thấm đẫm những trang viết nhân văn, tình người, tình đời... Tờ báo mà tính chiến đấu kiên cường chống lại cái ác, đả phá cái xấu, bảo vệ công lý đến cùng. Tờ báo mà hừng hực hơi thở cuộc sống mới, con người mới, quyết tâm bảo vệ Đảng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cùng với toàn lực lượng CAND bảo vệ sự bình yên cho nhân dân... Tờ báo đã làm tốt những gì gọi là "chân, thiện, mỹ" trong hơi thở, nhịp sống của đất nước, của xã hội, của nhân dân trong suốt hơn 30 năm qua. Vậy thì tờ báo bước vào tuổi 33, cái ý nghĩa của cụm từ "Tam thập nhi lập" nó mới đúng làm sao?
Học báo trên... bàn nhậu
Quay trở lại chuyện cá nhân, tôi vốn chưa một ngày nào được học ở trường báo chí, cũng chẳng phải là người học văn hay một ngành khoa học xã hội nào cả. Nói thật, tôi đến với công việc làm báo chỉ vì tự nhiên "thích" mà thôi, còn thích như thế nào, mình cũng chẳng hiểu nổi. Cho đến ngày được nhận vào làm việc ở Báo Công an TP Đà Nẵng, tôi mới chợt nhận ra, mình chẳng biết bắt đầu từ cái gì, chả hiểu thế nào là viết tin, viết bài, còn chụp ảnh với tôi là điều xa xỉ.
Chắc sẽ có người thắc mắc, vậy thì tôi sẽ làm cái gì ở tờ báo ấy? Việc đầu tiên tôi xác định là phải học làm báo. Rất may dịp đó có một lứa sinh viên khoa Văn mới tốt nghiệp từ Huế về đầu quân cho Báo, toàn những tên tuổi mới tiếp xúc đã hiện rõ chất "văn nghệ sĩ", nào là Duy Cường, Việt Cường, Văn Khánh..., đó chính là những người thầy đầu tiên của tôi. Thầy của tôi còn có các anh đi trước như Thế Sinh, cả những nhà báo dày dặn như anh Vũ Công Điền - PV ảnh của TTXVN. Tôi học làm báo cũng trên những giảng đường đặc biệt, đó là những mâm rượu chỉ có cá khô, cóc, ổi, xoài được bày trên vỉa hè, hay góc căn phòng tập thể chật hẹp của vợ chồng anh Thế Sinh. Các "thầy" tôi khi đã rượu vào, chạm đúng chuyên môn liền cao hứng "giảng" không giấu bất cứ một bài nào. Thế nào là phóng sự, ghi chép, bút ký... cứ tuôn ra ào ào. Tôi còn học làm báo trên những chuyến được cùng các "thầy" đi thực tế, để biết quan sát thế nào, hỏi chuyện ra sao, vấn đề gì, viết thể loại nào, chụp ảnh cái gì... Những buổi học cấp tốc ấy đã cho tôi tạm đủ hành trang, tự tin để bằng sự say mê, tò mò, thỏa mãn cái "thích" đi làm báo.
Đi về phía trước
Gần 20 năm, tôi đã tranh thủ thời gian, cùng các đồng nghiệp rong ruổi khắp dải miền Trung-Tây Nguyên, lên Tây Bắc, vào miền Tây Nam bộ, ra Trường Sa, sang cả nước bạn Lào... Đủ tự tin để thâm nhập vào các bãi đào vàng, chặt phá khai thác rừng trái phép; để cảm nhận những gian truân, vất vả của những người lính nơi biên cương, những gian khó, thiếu thốn, cơ cực của bà con nhân dân nơi rẻo cao, vùng sâu vùng xa; để chỉ ra những việc làm trái pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng đất nước, tàn phá môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, quyền lợi của người dân; để cảm nhận những tình cảm, những quyết tâm, những gian nan của quân và dân nơi tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc... Báo Công an TP Đà Nẵng có rất nhiều người làm báo đã đắm mình cùng hơi thở của cuộc sống như thế, như Thế Sinh, Phan Thủy, Công Khanh, Công Hạnh, Doãn Hùng, Lê Hùng, Đinh Nga...
Người ta bảo, làm báo có cái "nghiệt ngã", là không được phép "ăn mày dĩ vãng". Giải nghĩa về chuyện này, những nhà báo "cây đa cây đề" trong làng báo nói rằng, cho dù hôm nay người làm báo có đi, có viết được những bài báo hay đến mấy, kể cả được giải lớn, nhưng hôm sau coi như "quên" liền. Bởi vì ngày mai vẫn còn những câu chuyện, những vấn đề mà người làm báo phải quan tâm, lại phải đi, lại tìm hiểu, lại lầm lụi viết như mới tập làm báo ban đầu, để lên được những trang báo mới. Ở tuổi 33, những người làm ở Báo Công an TP Đà Nẵng vẫn như những con tằm cần mẫn nhả tơ...
HỒNG THANH