Những ân tình trong biển lửa

Thứ ba, 02/07/2019 13:04

Cháy rừng liên tiếp xảy ra ở hai địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh vừa qua là hệ quả của quá trình nắng nóng kéo dài cộng với gió phơn Tây Nam thổi mạnh. Hơn 15.000 người đã trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu rừng. Để dập tắt được những đám cháy khổng lồ ấy là kết quả của sự đoàn kết, kiên trì, chung sức, chung lòng của toàn quân và dân hai tỉnh. Đã có những người vì tham gia dập lửa cứu rừng mà thiệt mạng, nhiều người suốt mấy ngày đêm phải ăn, ngủ lại để vừa dập lửa vừa canh rừng...

Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng Hà Tĩnh.    Ảnh: X.SƠN

Bằng mọi giá phải cứu rừng

Trong những ngày qua, tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã điều động khoảng 15.000 người gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ, người dân... tham gia mở đường băng dập lửa. Do địa hình đồi núi dốc, gió Lào quật mạnh, nắng nóng lâu ngày nên lớp thực bì bắt lửa dữ dội và nguy cơ bùng cháy trở lại là rất lớn. Nhiều đám cháy đã được dập lại bùng phát trở lại và bùng phát nhiều đám cháy mới.

Trong 3 ngày qua, Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra cháy trên 200ha rừng tại địa bàn 4 huyện là Hương Sơn, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh và Cẩm Xuyên. Đặc biệt tại H. Nghi Xuân, ngọn lửa cháy lan rộng, đến nay có khoảng 60ha rừng thông thuộc hệ thống rừng phòng hộ của huyện vẫn đang bị thiêu cháy. Các lực lượng chữa cháy đã thực hiện các phương án tác chiến, cắt rừng, làm đường băng cản lửa nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả do cháy rừng gây ra. Tuy nhiên, trong điều kiện gió phơn Tây Nam thổi mạnh tạo hiệu ứng khô nóng nên ngọn lửa vừa được khống chế lại tiếp tục bùng phát và uy hiếp đến nhà dân trong khu vực. Để bảo đảm an toàn cho người dân, tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền địa bàn xảy ra cháy rừng đã lên phương án di dời các hộ dân ở sát chân núi.

Trước đó, chiều 30-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến hiện trường vụ cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh chỉ đạo công tác chữa cháy rừng, động viên, thăm hỏi các lực lượng chữa cháy và người dân, kiểm tra công tác chữa cháy rừng tại H. Nghi Xuân. Phó thủ tướng thăm hỏi, động viên các lực lượng đang thực hiện công tác chữa cháy rừng đồng thời đánh giá cao tinh thần chủ động, ứng cứu rừng kịp thời của các lực lượng địa phương, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền tỉnh và bộ đội Quân khu 4 trong công tác phối hợp chống cháy rừng.

Lực lượng chữa cháy nỗ lực cứu rừng ở Hồng Lĩnh.

Đến nay, bước đầu tình trạng cháy rừng ở Nghi Xuân đã được khống chế nhưng Phó Thủ tướng vẫn lưu ý các cấp chính quyền, các lực lượng không được chủ quan khi thời điểm nắng nóng khắc nghiệt nhất tập trung vào tháng 7 và tỉnh Hà Tĩnh là một trong những điểm có nguy cơ cao về cháy rừng. "Phải bố trí các lực lượng cắt trực thường xuyên, bố trí nhân lực, phương tiện và phương án chống cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó các diễn biến mới" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu và cho biết thêm, Chính phủ đã nhận được ý kiến sử dụng trực thăng chữa cháy nhưng thấy rằng chữa cháy bằng trực thăng cần sử dụng liên tiếp từ 3 đến 5 trực thăng dội nước liên tục chữa cháy cho một điểm cháy. Trong khi đó, tình trạng cháy rừng phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh, việc huy động trực thăng là khó khăn. Không chỉ vậy, tình hình gió phơn Tây Nam thổi mạnh trong suốt thời gian qua cũng ảnh hưởng tới khả năng tháo nước trúng điểm cháy, đặc biệt là ảnh hưởng tới an toàn bay nên Chính phủ chưa điều động trực thăng của Binh đoàn 18, Tổng Công ty bay Bộ Quốc phòng.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh phải rà soát lại những điểm cháy đã được khống chế, tiếp tục xử lý những đám cháy còn tiềm ẩn, luôn luôn giữ liên lạc, đảm bảo an toàn cao nhất cho các lực lượng tham gia và người dân sống sát chân núi nơi xảy ra cháy. Đồng thời, đề nghị các lực lượng cứu hộ nắm chắc quân số, thường xuyên giữ liên lạc, hỗ trợ nhau kịp thời, không để xảy ra tình huống nguy hiểm tới tính mạng. 

Nhà hàng Minh Hồng phát 1.000 suất cơm miễn phí cho các lực lượng chữa cháy.

9 giờ cứu rừng Mồng Gà

Khoảng 17 giờ ngày 30-6, một đám cháy mới xuất hiện ở rừng Mồng Gà (H. Đức Thọ, Hà Tĩnh). UBND H. Đức Thọ đã huy động hơn 200 người gồm công an, quân sự, kiểm lâm và người dân địa phương nhanh chóng đến hiện trường để dập lửa. Do vị trí rừng bị cháy ở phía trên đỉnh núi cao cách mặt đất khoảng 300m, cộng với thảm thực bì dày và gió Lào thổi mạnh nên gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy. Đến khuya cùng ngày, đám cháy tiếp tục lan rộng, nguy cơ áp sát khu dân cư ở thôn Đồng Vợi. 100 hộ dân sống cạnh bìa rừng đã được chính quyền địa phương yêu cầu di dời toàn bộ tài sản đến nơi an toàn.

Trước tình hình cấp bách, 100 cán bộ chiến sĩ ở Tiểu đoàn 12 và Sư đoàn 324 (Bộ Tư lệnh Quân khu 4) được tăng cường đến phối hợp với lực lượng chữa cháy H. Đức Thọ dập lửa. Thượng tá Trần Hải Trung- Trưởng CAH Đức Thọ cho biết, mặc dù đã sử dụng nhiều biện pháp để dập lửa nhưng do lửa bùng phát lớn nên khó kiểm soát. Lực lượng chữa cháy đã tạo đường băng cản lửa, ngăn không cho đám cháy lan xuống phía dưới chân núi, nơi có nhà dân đang sinh sống. Sau gần 9 giờ nỗ lực dập lửa, đám cháy mới cơ bản được khống chế. Thống kê sơ bộ, vụ cháy đã thiêu rụi khoảng 10ha rừng thông đang trong giai đoạn khai thác. Hiện, toàn bộ lực lượng chữa cháy vẫn tiếp tục ứng trực ngay trên rừng Mồng Gà ngăn không cho lửa bùng phát trở lại.

Những ân tình...

3 ngày qua, trực tiếp tham gia cuộc chiến chống giặc lửa ở khu vực rừng thông H. Nghi Xuân, nhiều chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã kiệt sức vì nắng. Ngọn lửa bùng lên, bỏng rát nhưng các chiến sĩ vẫn căng mình chiến đấu. "Đói thì ngồi bệt trên nền đất ăn, tối mệt thì nằm nhoài ra ngủ, mặt mũi lem luốc, áo quần mồ hôi ướt đẫm, khét lẹt mùi khói. Đã có nhiều chiến sĩ bị thương, bị bỏng nhưng không ai kêu ca mà tiếp tục động viên nhau kiên trì, cố gắng hết sức mình" - Trung úy Trần Nhân Tứ - Phòng Cảnh sát PCCC & CHCN chia sẻ.

Ông Phan Xuân Sanh, sống tại tổ dân phố 1, thị trấn Xuân An cho biết: "Đây là lần đầu tiên trong đời tôi và người dân địa phương chứng kiến một vụ cháy rừng khủng khiếp như vậy. Thấy những người lính trẻ vì nhiệm vụ quên mình, chẳng màng khó khăn, gian khổ, chúng tôi thấy thương các anh vô cùng. Dân làng không kể ngày đêm, không kể già trẻ, chúng tôi tiếp ứng lương thực, nước uống cho những người tham gia chữa cháy".

Trong hai ngày qua, vợ chồng ông Lê Văn Hồng - Giám đốc Trung tâm Sự kiện Tiệc cưới Minh Hồng (TP Vinh, Nghệ An) đã đưa hàng chục nhân viên mang cơm từ Vinh đến thị trấn Xuân An và xã Xuân Hồng để phục vụ bữa tối cho lực lượng tham gia chữa cháy. Đó là 1.000 suất ăn gồm cơm canh, cá, thịt, rau kèm nước ngọt, nước khoáng, đưa đến hiện trường phục vụ cán bộ chiến sĩ và các lực lượng khác. Ông Hồng bộc bạch: "Chứng kiến đám cháy kéo dài gây thiệt hại cả rừng cây lớn tôi thấy rất đau xót. Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt quá nên những người chữa cháy rất vất vả, là một người dân muốn góp chút sức nên tôi quyết định làm cơm phục vụ lực lượng đang chữa cháy rừng".

X.SƠN-D.HÓA

Khống chế thành công 2 vụ cháy rừng keo

Rừng keo tại Quảng Nam bốc cháy.

QUẢNG NAM - Lúc 13 giờ 30 ngày 1-7, tại khu vực rừng keo của người dân ở khu vực khối phố Trà Cai (P. Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) xảy ra vụ cháy lớn. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn CA tỉnh Quảng Nam đã huy động 2 xe chữa cháy cùng hàng chục CBCS nhanh chóng có mặt tại hiện trường dập lửa. Thời điểm này trời đang có gió, dưới đất lá keo và lớp thực bì phủ dày nên đám cháy nhanh chóng lan rộng. Sau thời gian nỗ lực, đến 15 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã khống chế dập tắt được đám cháy trên. Theo thống kê ban đầu của lực lượng Kiểm lâm, có gần 4ha rừng keo của người dân tại đây bị cháy. Nguyên nhân xảy ra vụ cháy đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Ngoài vụ cháy trên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, từ ngày 26 đến 30-6, trên địa bàn hai huyện Phú Ninh và Thăng Bình đã xảy ra 3 vụ cháy rừng keo của người dân, thiệt hại gần 12ha.

QUẢNG NGÃI - khoảng 11 giờ ngày 30-6, tại khu vực rừng keo (rừng sản xuất) của một hộ dân ở khu vực xã Phổ Cường (H. Đức Phổ) đã xảy ra hỏa hoạn. Do thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp gió mạnh nên ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 9ha rừng sản xuất của hộ dân này. Sau đó, ngọn lửa tiếp tục cháy lan sang một số diện tích rừng sản xuất của các hộ dân khác và cháy sang rừng tự nhiên của xã Phổ Khánh. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Tìm kiếm cứu nạn, Kiểm lâm tỉnh và Kiểm lâm vùng 4 (tại Đắk Lắk) phối hợp với chính quyền địa phương huy động lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ xã cùng đông đảo người dân xã Phổ Khánh thực hiện các biện pháp dập lửa. Đến 12 giờ ngày 1-7, đám cháy rừng cơ bản được khống chế. Hiện, lực lượng Kiểm lâm vẫn đang cử người tiếp tục theo dõi, đề phòng ngọn lửa bùng phát trở lại; đồng thời thống kê thiệt hại.

B.B - H.N

2 người thương vong khi tham gia chữa cháy

TT-HUẾ - Ngày 1-7, ông Ngô Hữu Phước - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX Hương Trà cho biết, trong quá trình tham gia chữa cháy rừng ở địa bàn, một cán bộ của Hạt Kiểm lâm TX Hương Trà đã bị bỏng nặng. Trước đó, chiều 28-6, nhận được tin báo có cháy rừng xảy ra tại P.Hương Hồ (TX Hương Trà); ông Hà Văn Thạch (52 tuổi, cán bộ Hạt Kiểm lâm TX Hương Trà) cùng đồng đội đến hiện trường để tham gia chữa cháy. Trong quá trình chữa cháy cứu rừng thông của HTX Nông nghiệp Hương Hồ 1, ông Thạch đã bị lửa bao vây, gây bỏng toàn mặt và hai bàn tay. Hiện, ông Thạch đang nằm điều trị tại khoa Bỏng- BVT.Ư Huế.

Ông Thạch đang được điều trị tại BVT.Ư Huế.

NGHỆ AN - Trong chiều 30-6, khi đám cháy ở Hà Tĩnh lan sang khu vực rừng xã Nam Kim (H. Nam Đàn), bà Nguyễn Thị Hoa (1964, trú xóm Yên Vực, xã Nam Kim) cùng con trai và toàn thể lực lượng tham gia chữa cháy. Trong lúc trực tiếp đưa nước cho con trai dập lửa tại khu rừng tại xóm Khe Khế bà Hoa bị lửa vây, không thoát ra được và đã tử vong. Sau khi đám cháy được khống chế, người dân, chính quyền địa phương đã đến chia sẻ, động viên và chung tay cùng gia đình lo hậu sự cho bà Hoa.

H.L - D.H