Những bí ẩn quanh vụ dẫn độ cựu điệp viên CIA
(Cadn.com.vn) - Một trận chiến dẫn độ liên quan đến cựu điệp viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Sabrina de Sousa đang dần hé lộ những bí mật "thâm cung bí sử" về chính sách ngoại giao giữa Mỹ và Italia, cũng như tố cáo tội đồng lõa của các nước Châu Âu trong vụ bắt cóc một giáo sĩ Hồi giáo.
Năm 2003, giáo sĩ người Ai Cập Abu Omar bị lực lượng CIA và tình báo Italia bắt cóc ngay trên đường phố Milan ở Italia vào giữa ban ngày. Sau đó, vị giáo sĩ này được cho là bị đưa đến Ai Cập để tra tấn trong nhiều năm liền.
Năm 2009, Sabrina de Sousa, một trong số 23 điệp viên CIA, bị kết án vắng mặt bởi tòa án Italia vì tham gia vụ bắt cóc nói trên. Sau khi tòa tuyên án, một số điệp viên được ân xá một phần hoặc hoàn toàn, số khác rời sang các quốc gia có ký hiệp định dẫn độ với Italia để tránh bị bắt. Vì vậy, không điệp viên CIA nào phải ngồi tù ở Italia kể từ khi bị tòa án nơi này tuyên án. Thế nhưng có vẻ mọi chuyện lại không suôn sẻ với bà Sousa khi bà phải đối mặt với lệnh dẫn độ sang Italia để chịu mức án 6 năm tù giam.
Nhiều lần bị bác đơn kháng cáo
Bà Sousa từng tuyên bố mình không đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Abu Omar ngoài công tác phiên dịch trong các cuộc trao đổi khi xảy ra vụ việc. Vì vậy bà đã yêu cầu Tòa án Italia xem xét quyền miễn trừ ngoại giao như một số người được hưởng. Tuy nhiên, bà bị tòa án nước này bác đơn kháng cáo.
Năm 2009, bà đâm đơn kiện Bộ Tư pháp Mỹ và CIA để yêu cầu Bộ Tư pháp cấp miễn trừ ngoại giao để bà không bị bắt theo lệnh của Tòa án Italia. Tuy nhiên, yêu cầu của Sousa không được đáp ứng. Không từ bỏ quyết tâm, cựu điệp viên mang hai quốc tịch Bồ Đào Nha và Mỹ này đã viết thư cho Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu ông giúp đỡ trong việc ngăn chặn việc bà trở thành nhân viên CIA đầu tiên bị bỏ tù ở nước ngoài. Năm 2012, bà cũng cố gắng liên lạc với Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là bà Hillary Clinton, nhưng những gì bà nhận được chỉ là con số không. Mọi việc dường như chìm vào quên lãng cho đến tháng 10-2015 khi bà quay về Bồ Đào Nha sinh sống với gia đình. Khi biết bà Sousa cư trú tại Bồ Đào Nha, Tòa án Italia yêu cầu Tòa án Bồ Đào Nha cho dẫn độ bà sang Italia theo một Lệnh truy nã của Châu Âu (EAW).
Sau khi có lệnh dẫn độ về Italia, bà Sousa đã kháng cáo lên Tòa án Hiến pháp Bồ Đào Nha chống lại lệnh dẫn độ. Tuy nhiên, vào tháng trước, một lần nữa bà lại bị bác đơn kháng cáo.
Italia kết tội 23 điệp viên CIA trong phiên tòa kéo dài tại Milan, nhưng chỉ một điệp viên phải chịu án tù. Ảnh: Getty Images |
Những khuất tất chưa lời giải
Đội ngũ luật sư bào chữa cho bà Sousa nói họ có bằng chứng chứng minh Tòa án Italia không tôn trọng quyền của người được bảo lãnh đó là không cho phép cựu điệp viên CIA 60 tuổi này có quyền được kháng cáo và quyền yêu cầu xét xử lại trước khi được dẫn độ đến nhà tù ở Italia để chấp hành án phạt.
Tuy nhiên, người đại diện hợp pháp của bà Sousa ở Bồ Đào Nha, ông Manuel Magalhaes e Silva, cho hay, giới chức trách Italia không muốn xét xử vụ án này một lần nữa để tránh "làm lộ" mối quan hệ ngầm giữa chính phủ Italia và Mỹ vào thời điểm đó. "Vụ bắt cóc Abu Omar có thể là một phi vụ mờ ám giữa chính phủ Italia và CIA", vị luật sư nhận định. Trả lời phỏng vấn BBC từ Lisbon qua email, bà De Sousa bi quan cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng để ngồi tù, nhưng nói thêm rằng, "bất kỳ ai đẩy tôi vào tù đều là những kẻ đồng lõa muốn che đậy vụ việc".
Tuệ Khanh
(Theo BBC)