Những bình thường lấp lánh...
(Cadn.com.vn) - "Những bình thường lấp lánh", là tập ký của tác giả Phạm Thông, Chủ tịch Hội VHNT TP Tam Kỳ, Quảng Nam vừa ra mắt bạn đọc. Đây là đầu sách thứ 4 về thể văn xuôi, tiếp theo các tác phẩm "Cát đỏ", "Ám ảnh vùng đông", "Tam Kỳ thời lửa đạn". Tâm huyết với mảng đề tài chiến tranh cách mạng, "Những bình thường lấp lánh" tiếp tục phản ánh về đất và người Quảng Nam trong chiến tranh với 23 câu chuyện, thu gọn trong tập sách hơn 200 trang. Tác giả là người từng trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt trên vùng đất lửa Quảng Nam nên hầu hết những câu chuyện trong tập ký tác giả viết ra được anh chứng kiến, tham gia, những nhân vật là bộ đội, người dân địa phương mà anh đã gặp.
Một trong số những câu chuyện mà tác giả tâm đắc nhất là truyện ký "Tiếng cú gọi hồn" mở đầu tập sách. Truyện viết về một gia đình cơ sở cách mạng 4 thế hệ bám trụ nuôi giấu cách mạng. Và trong một giây phút nào đó, tác giả bật thốt lên: "Những người còn sống sót sau chiến tranh, những đồng chí của tôi ơi! Hãy bỏ chút thời gian, rời nơi thị thành trở lại thăm Hóc Hiếu…Hãy trở lại đây mà nghe chim cú kêu. Đấy là một lời chim thiêng. Đêm đêm cú về đậu trên cành cây gọi hồn những số phận bị lãng quên nơi hốc đá, bờ lau của xứ Vườn Cau, Dương Cháy heo hút này. Hãy trở lại đây mà thắp nén nhang tạ lỗi và cầu mong cho linh hồn 4 thế hệ trụ bám, che giấu cho chúng ta trên chính mảnh đất này giữa thời lửa đạn…".
Ảnh bìa tập sách "Những bình thường lấp lánh", NXB Hội Nhà văn 2014. |
"Những bình thường lấp lánh" có nhiều câu chuyện viết riêng về những cán bộ hoạt động cách mạng (được ghi vào lịch sử Đảng bộ địa phương, lưu truyền trong nhân dân) như người bí thư Huyện ủy kiên trung Ngô Tuận, Hà Đông; bác Bốn Hương, tức Vũ Trọng Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Khu ủy viên Phó ban tổ chức khu V; Bí thư xã Sơn Thắng Lê Công Kinh, Bí thư xã Quế Hiệp Võ Quốc Dĩnh.
Đó là câu chuyện cảm động về bác sĩ Phan Thu Hà người bạn học của bác sĩ Đặng Thùy Trâm tình nguyện vào Nam chiến đấu phụ trách Trưởng bệnh xá Quế Sơn từ năm 1968 đến năm 1974. Chỉ trong vòng 6 năm bác sĩ Thu Hà đã phải chứng kiến bao nỗi đau khi đồng chí đồng đội hy sinh. Riêng ở bệnh xá trong số 32 lượt người về nhận công tác đã có 16 người hy sinh. Ở tuổi 72, mới đây bác sĩ Thu Hà đã trở lại mảnh đất Quế Sơn, gặp lại đồng đội, chị nghẹn ngào: "Ngày ấy có tin mình hy sinh và ba mẹ chị ngoài Bắc đã lập bàn thờ… cũng may hôm nay có ngày trở lại".
Tác giả cũng kể lại câu chuyện giai đoạn sau Hiệp định Paris 1973. Tuy hiệp định được ký kết nhưng ở chiến trường Quảng Nam chiến sự vẫn còn rất nóng. Ta với địch giành giật nhau từng tấc đất, đấu tranh cam go trên mặt trận binh địch vận.
Nhân vật tiêu biểu trong truyền ký là mẹ Giác, một bà mẹ có số phận đáng thương đã bám trụ kiên cường giữa vùng đất lửa, làm nhiệm vụ vận động binh lính địch... Có thể nói mỗi truyện ký trong tập sách là một câu chuyện xúc động trong chiến tranh được kể lại với nhiều chi tiết khá bất ngờ, đầy tính nhân văn, đời thường, một số đoạn viết, giọng văn kể chuyện có duyên, thật sự có sức lôi cuốn bạn đọc.
Võ Văn Trường