Những bình thường lấp lánh…

Thứ bảy, 23/03/2019 17:30

Thật ra, tôi đã biết câu chuyện về những người phụ nữ tình nguyện làm bảo mẫu tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi (gọi tắt Trung tâm, thuộc Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng) từ nhiều năm trước. Thế nhưng, khi có cơ hội tận mắt chứng kiến công việc thường nhật, nghe những tâm sự từ những “bảo mẫu già” này tôi không giấu được niềm cảm phục, rung động.

Các bảo mẫu như những người mẹ hiền của trẻ kém may mắn.

Gọi họ là những “bảo mẫu già” bởi có những người đã gắn bó với công việc nuôi dạy trẻ mồ côi tại đây ngót nghét gần 20 năm, người ít nhất cũng đã hơn 10 năm. “Chúng tôi đến với Trung tâm từ những ngày đầu mới thành lập, khi trạc ba bốn chục tuổi, nay đã lên hàng năm hàng sáu rồi nên người ta hay gọi là những “bảo mẫu già”. Công việc nuôi trẻ thì vô cùng vất vả nhưng riết rồi quen. Người ta mang những đứa trẻ mồ côi đến cho chúng tôi khi còn đỏ hỏn, nhìn thương lắm”, bảo mẫu Nguyễn Thị Hồng Quang (50 tuổi), bộc bạch. Bà Quang là người gắn bó với Trung tâm lâu nhất khi đã có 17 năm làm việc tại đây. “Các cháu đã kém may mắn ngay từ khi sinh ra nên chúng tôi tự nhủ lòng mình phải cố gắng bù đắp bằng sự quan tâm, chăm sóc tận tình. Chúng tôi xem các cháu như chính con cháu ruột thịt của mình, cho đi những gì tốt đẹp nhất để các cháu vịn vào đó mà lớn lên”, bà Quang trải lòng.

Tại Trung tâm hiện có 12 cháu nhỏ được 4 bảo mẫu chia làm 2 ca chăm sóc. Cứ hai ngày, bà Nguyễn Thị Gương (62 tuổi) lại vượt chặng đường dài hơn 50km từ nhà đến với các cháu nhưng không vì thế mà bà nản lòng. “Không hiểu sao tôi lại thương và có tình cảm đặc biệt với các cháu. Việc được gần gũi, gắn bó hay ôm ấp, tắm rửa cho các cháu mỗi ngày là niềm hạnh phúc của tôi. Bây giờ già, sức khỏe yếu, con cái cũng nói thôi mẹ nghỉ ở nhà lâu lâu nhớ thì xuống thăm một lần nhưng tôi không làm được”, bà Gương tâm sự. Hôm chúng tôi đến thăm, biết có khách nhưng họ không có thời gian nghỉ ngơi đón tiếp. Hết cháu này khóc đến cháu khác quấy đòi sữa, đồ chơi... “Cứ quần quật với các cháu từ sáng đến tối vẫn không hết việc. Có khi đến giờ các cháu ngủ chúng tôi cũng không được nghỉ ngơi vì phải tranh thủ giặt tã, nấu ăn, pha sữa… để sẵn đó khi các cháu ngủ dậy là dùng. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi vẫn cố gắng làm điểm tựa vững chắc cho các cháu vượt qua những nỗi sợ hãi đầu đời”, bà Quang nói.

Hạnh phúc của các bảo mẫu là hằng ngày được chăm sóc, vui đùa với những đứa trẻ.

Hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ trong những năm tháng gắn bó với trẻ mồ côi, các bảo mẫu nói nhiều không kể xiết. Song, kỷ niệm đáng nhớ nhất với các cháu là trong…bệnh viện. “Đâu phải cháu nào sinh ra bị bỏ rơi được đưa đến đây cũng lành lặn, khỏe mạnh đâu. Có những cháu mắc bệnh tim bẩm sinh, có cháu thể trạng yếu, bị dị tật hở hàm ếch, viêm phổi, gãy tay… Bởi thế mà việc các bảo mẫu thay nhau đưa các cháu vào viện nằm cả tháng trời là chuyện thường xuyên. Chúng tôi là người thân duy nhất của các cháu nên phải túc trực ở đó mà chăm sóc cho chu đáo”, bảo mẫu Nguyễn Thị Kim Hoài kể. Cũng có những trường hợp các cháu vào viện cấp cứu cần truyền máu gấp, các bảo mẫu đều sẵn sàng hiến máu. Hàng trăm trẻ sơ sinh, không nơi nương tựa được bàn tay các bảo mẫu nâng niu, yêu thương từ đó lớn lên, khỏe mạnh từng ngày. Đến khi lên ba, bốn tuổi các cháu sẽ được chuyển đến Trung tâm Hoa Mai (trực thuộc Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng) để được tiếp tục chăm sóc. “Nhiều cháu may mắn thì được người ta nhận nuôi, còn đa số thì được chuyển đi chăm sóc nơi khác. Những lần chia tay như thế chúng tôi đều không kiềm được nước mắt. Gắn bó với các cháu thời gian lâu cũng đủ để tình cảm lớn lên từng ngày. Không ai đành lòng rời xa những đứa con thân yêu ấy mà không xót xa cả”, bà Hoài nghẹn ngào.

Bà Lê Thị Mỹ-Quản lý Trung tâm cho hay, các bảo mẫu đều tình nguyện đến chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn. Đồng lương ít ỏi nhưng họ vẫn gắn bó với Trung tâm hàng thập kỷ qua là vì đồng cảm, yêu thương các cháu thật sự. Với họ, được cho đi chính là niềm hạnh phúc lớn nhất. “Ngay từ khi sinh ra, các cháu đã bị bỏ rơi nên không biết rồi đây số phận sẽ còn đưa đẩy đến những khó khăn, truân chuyên nào nữa. Nhưng tin rằng, bằng tình cảm chân thành mà các bảo mẫu đã và đang dành cho các cháu thì những truân chuyên, trở ngại đó sẽ không làm khó được bước chân các cháu tiến về phía trước…”, bà Mỹ kỳ vọng.

THÀNH DANH