Những bước chân không mỏi miền biên ải
Tròn 20 năm trước, khi Tây Giang vừa tái lập huyện đúng 1 tháng, tôi cùng đồng nghiệp Văn Hiếu lên Tây Giang. Hơn một ngày cuốc bộ, luồn rừng, chúng tôi mới đến trụ sở Công an huyện, đóng tạm tại một nhà dân ở xã Lăng. Huyện lúc ấy không một mét đường giao thông, không điện, không trường, không trạm… Để giữ gìn, đảm bảo ANTT, chỉ trông chờ vào những bước chân miệt mài của cán bộ chiến sĩ Công an.
Trở lại Tây Giang lần này, Trung tá Lương Quốc Nghĩa - Trưởng Công an huyện phấn khởi cho biết: 20 năm qua, từ khi tái lập huyện đến nay, ở Tây Giang không có tội phạm thuộc loại trọng án, không có tội phạm, tệ nạn về ma túy, mại dâm, tội phạm về trật tự xã hội được kéo giảm. Để đạt được kết quả trên, Công an huyện thường xuyên tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát hiện, phòng ngừa từ sớm, không để xảy ra tội phạm và các hệ lụy của các tệ nạn. Đơn vị duy trì thực hiện tốt công tác giao ban thường niên với Công an các huyện thuộc tỉnh Đắc Chưng và tỉnh Sê Kông (Lào) trong thực hiện đảm bảo an ninh tuyến biên giới, đấu tranh, phòng phống các loại tội phạm mua bán người, buôn lậu, vận chuyển, mua bán trái phép ma túy; triển khai hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, bám sát, nắm chắc địa bàn cơ sở; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng nắm chắc tình hình đối tượng, kịp thời nhận diện tội phạm, vi phạm pháp luật trên từng lĩnh vực để có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả... Từ nhiều năm qua, hàng năm Công an huyện đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về hậu quả, hiểm họa của việc tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép, thu hút hàng chục nghìn người dân tham gia qua đó người dân tự nguyện giao nộp 244 khẩu súng tự chế các loại.
Trung tá Nghĩa cho biết, với đặc thù là huyện miền núi biên giới, hơn 95% là đồng bào dân tộc Cơ Tu, có nhiều đường tiểu ngạch, có cửa khẩu phụ, giao thông phức tạp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, Công an huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện cùng các ban, ngành đoàn thể thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có uy tín, già làng, trưởng bản; phát huy vai trò, trách nhiệm của người có uy tín, già làng trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và đảm bảo ANTT trên địa bàn… Từ công tác phát huy tốt vai trò của người có uy tín, lực lượng Công an đã làm tốt công tác nắm tình hình, nắm bắt kịp thời các thông tin về đời sống xã hội, tình hình ANTT địa bàn, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; định hướng dư luận, giải thích, hòa giải các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, xây dựng tinh thần đại đoàn kết và bình yên tại cơ sở. Đến nay trên địa bàn Tây Giang đã có 19 mô hình thực hiện phong trào Toàn dân BVANTQ, điển hình như “Thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại 2 xã A Nông và A Tiêng, “Một người vi phạm pháp luật, 5 tổ chức quản lý giáo dục”, tại xã A Tiêng, A Vương, “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” tại 9 xã; mô hình “Điểm dịch vụ công trực tuyến” tại 10 xã; “Người dân tự nguyện giao chìa khóa xe máy cho già làng, trưởng thôn quản lý trong các dịp lễ, tết”. Đặc biệt, “những đôi chân không mỏi” trong triển khai Đề án 06 đã hoàn thành cấp căn cước công dân (CCCD) cho 100 % người dân trên địa bàn 10 xã trong năm 2022, hoàn thành cấp CCCD cho tất cả cả trường hợp đi học, làm ăn xa tại các tỉnh thành trên cả nước vào giữa năm 2023 và đang phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu định danh điện tử mức 2 cho tất cả các công dân trên địa bàn vào năm 2023.
Nơi biên cương vẫn còn rất nhiều gian khó, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Tây Giang vẫn đang nỗ lực từng ngày và những bước chân vẫn miệt mài, chưa ngừng nghỉ…
Hồng Thanh