Những câu chuyện kể về Trường Sơn (2)

Chủ nhật, 10/05/2009 00:00

>> Những câu chuyện kể về Trường Sơn

(Tiếp theo kỳ trước)

Bạn đọc thân mến!

(Cadn.com.vn) - Thành tích của Đoàn 559 tuyệt vời quá, to lớn quá khiến tôi bị choáng ngợp không biết viết như thế nào cho xứng với tầm vóc của đoàn. Tôi xin kể chuyện lạ xảy ra ở ngã ba Đông Dương, nơi con gà gáy người dân của 3 nước Việt Nam - Lào – Campuchia đều nghe. Tại đây ta có binh trạm điều khiển giao thông vận tải do anh Nguyễn Đức Phương làm Binh trạm trưởng. Chuyện xảy ra hoàn toàn có thật, có nhân chứng, vật chứng đầy đủ thế mà nhiều người lầm tưởng là chuyện thần thoại.

 Vào mùa mưa, do không nhận được tiếp tế, tất cả cán bộ chiến sĩ của binh trạm chỉ còn được hưởng 200 gram gạo cho một người trong một ngày. Thả lưới bắt được 5 con cá chép to và đánh bẫy tóm được 1 con chồn, anh Đức Phương buộc lòng động viên đơn vị nhịn liên hoan để có quà biếu tên Sếp Sun - đồn trưởng đồn Đôn Phầy của Campuchia, tạo cớ cho anh tiếp xúc với Cty Quách Lỷ. Đại úy Kim Sinh (cán bộ hậu cần Nam Bộ, dưới quyền Đại tá TưVõ), có danh nghĩa công khai là ông chủ Ba, đã trao cho anh Đức Phương quyết định và mọi thủ tục biến anh Đức Phương thành một ông chủ lớn. Sau khi vào vai ông chủ, anh Đức Phương có nhiệm vụ chuyên trách mua hàng hóa, chủ yếu là xăng, gạo và thuốc tây của Lào và Campuchia về miền Nam Việt Nam.

Nhận thấy nguồn hàng từ Phnôm Pênh lên Đôn Phầy nhỏ giọt mỗi tuần vài chuyến ca-nô, anh Đức Phương suy nghĩ cách để kéo được nguồn hàng lên tới hàng ngàn, hàng vạn tấn. Muốn được như vậy thì dứt khoát phải làm được đường ô-tô dài gần trăm ki-lô-mét từ H. Xiêng Pạng lên biên giới. Nhưng tiến hành nh¬ư thế nào đây? Trung tá Đức Phương gửi số đo của trung úy bác sĩ Thục Oanh về Phnôm Pênh may 2 bộ cánh đẹp hợp thời trang bằng loại vải đắt tiền để cô vào vai cô Đốc (bác sĩ) em gái ông chủ lớn cùng đến Xiêng Pạng mang theo quà tặng cho 5 bà vợ của quan huyện. Ông chủ lớn Đức Phương hứa sẽ cho cu-li của mình (thực chất là tiểu đoàn công binh) sang Xiêng Pạng làm giúp con đường, không nhận một xu thù lao nào. Thấy có món lời lớn (vì có quyền bỏ túi toàn bộ kinh phí làm đường), quan huyện chấp thuận. Vì vậy, con đường đã được tiến hành hợp pháp. Nhờ có con đường, từng đoàn xe nối đuôi nhau lên binh trạm Trường Sơn, có thời kỳ đưa tới 3 vạn tấn những mặt hàng cần thiết phục vụ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Đoàn 559 giàu nhưthế, hùng mạnh nhưthế mà những ngày đầu, khách đến đoàn chỉ toàn cuốc bộ không nhìn thấy bóng dáng ô-tô. Khi Đoàn 559 có vài trăm xe chạy dọc tuyến đường Trường Sơn, giặc Mỹ đã tìm mọi cách ngăn cản. Bây giờ, đã đến lúc chúng ta phải nhắc lại là kẻ thù đã ngăn cản rất có hiệu quả. Đó là thời điểm Bộ Quốc phòng có quyết định thành lập Đoàn 500, chỉ định Thiếu tướng Nguyễn Đôn - Phó Tổng tham mưu trưởng giữ chức Tư lệnh và Thiếu tướng Lê Quang Đạo làm Chính ủy.

 Các đoàn viên thanh niên Cục Hàng hải Việt Nam trong một chuyến viếng thăm Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: ĐÌNH LẠC

Nghe tin này, tôi hỏi một câu ngớ ngẩn:

- Sao phải xuất đến hai vị tướng cỡ lớn như vậy? Đoàn 500 có chỉ huy Đoàn 559 do Đại tá Đồng Sỹ Nguyên làm tư lệnh không?

- Bị thất bại ê chề trong dịp Tết Mậu Thân, giặc Mỹ quyết định bóp chẹt cổ họng ta bằng cách cắt đứt mọi quan hệ tiếp tế vào Nam. Hiện tại không có một xe nào từ miền Bắc có thể vượt nổi qua Khe Ve.

Lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe câu: “Lúc này xăng quý hơn máu”. Thật rợn người. Sao lại có chuyện lạ lùng, oái oăm, nghịch cảnh đến nhưvậy? Tôi vào Đoàn 500. Tôi rất bất ngờ vì tất cả mọi lực lượng kể cả sĩ quan cấp úy cấp tá, đều đổ ra mặt đường làm nhiệm vụ san lấp hố bom từ trường, bắc cầu, làm đường và chủ yếu là gùi xăng khẩu hiệu “xăng quý hơn máu” vì các nguồn xăng dự trữ của Đoàn 559 đã cạn kiệt. Bằng mọi giá, Đoàn 500 phải rót được xăng cho tuyến 559, kể cả khi nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương, bị hy sinh. Anh chị em, mỗi người 40 lít xăng, đổ vào ống bương, ống luồng để thồ như bà con dân tộc ít người đi lấy nước, hoặc đựng xăng trong túi ni-lông để trong ba lô rồi đeo một ba lô sau lưng, một trước ngực. Mỗi đêm, giả sử có 50 chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong đi qua đường vòng trên núi đến đích để giao cho Đoàn 559 được 2.000 lít xăng. Cung cách tiếp tế như vậy thật chả khác gì người thầy thuốc cho con bệnh đang ốm thập tử nhất sinh vài viên thuốc bổ. Nhưng có cách nào làm khác không? Tôi còn được nghe nói là mỗi phiếu xuất xăng nhiều hơn 10 lít phải có phê duyệt của Chính ủy Lê Quang Đạo.

Chính ủy Lê Quang Đạo gọi điện thoại về cho chúng tôi, ngỏ ý xin lỗi vì không tiếp các nhà báo được và mời chúng tôi đến gặp anh ở Khe Ve. Tất nhiên là chúng tôi đồng ý với vẻ hài lòng đặc biệt. Đến gặp vị tướng đang trực tiếp chỉ huy đốc chiến là đề tài mà mọi nhà báo đều ham muốn.

Bộ TƯ lệnh Đoàn 500 lúc đó đóng ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Chúng tôi phải cuốc bộ ngược ra phía Nghệ An. Anh Đạo niềm nở đón khách. Chính ủy cho trải tấm ni-lông, rót n¬ước “chè vằng” (một loại cây rừng) vào chiếc ca đem theo mời khách. Anh nói:

- Xe tải chở gạo đến bờ sông bên kia. Sau đó chúng ta chuyển gạo qua sông bằng dây cáp. Anh em đã lợi dụng khu rừng rậm này để làm vận tải bằng thô sơ. Đây là đồng chí Hà Huy Hợi mà anh em quen gọi là Tu Hợi, là chuyên viên vận tải của đoàn. Trước đây có đêm ngành xe của anh Hợi vận chuyển vài trăm tấn hàng tiếp tế cho miền Nam, còn bây giờ với cách làm chắp vá này chỉ đủ cứu đói cho các đồng chí Đoàn 559. Đảng ta đã có khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả cho miền Nam ruột thịt” nên hướng chính của ngành VậN tải chúng tôi là thông đường, thông xe.

Anh Đạo xăm xăm đi trước. Anh nhiều tuổi và thấp nhỏ, song anh sải bước rất nhanh. Anh khoát tay ra lệnh. Các chiến sĩ điều khiển tời kéo những toa goòng chở gạo từ chân núi lên đỉnh. Đứng ở đây, dưới rừng cây rậm rạp, chúng tôi nhìn các toa goòng trượt theo đường ray xuống chân núi bên kia. Anh Đạo hướng về phía chúng tôi:

-  Các nhà báo chưa nên đưa kỳ công này lên mặt báo mà chỉ nên ghi chép lại làm tài liệu dự trữ cho tương lai. Anh em không bắt nhịn đói là may rồi. Khi nào thông đường, Chính ủy sẽ thết tiệc các nhà báo.

Cũng tại nơi đây, chúng tôi được chứng kiến bộ đội phá bom từ trường của Mỹ. Nhưng anh Đạo lại dặn:

- Vào Đoàn 559, các nhà báo không được nói gì về bom từ trường của Mỹ và đặc biệt là cách phá bom của ta đấy nhé.

Nguyễn Trần Thiết

(Còn nữa)