Những câu chuyện về bố tôi - Nhà thơ Đông Trình

Thứ ba, 28/02/2023 17:44
Bố tôi là nhà thơ Đông Trình. Từ cách sống và làm việc, ông đã gieo vào tôi niềm yêu thích đọc sách báo, văn chương khi còn thơ bé.
Ảnh đoàn đại biểu trí thức lớn miền Nam Việt Nam sang thăm Liên Xô năm 1980 được nhà thơ Đông Trình đóng khung và treo kỷ niệm trên tường nhà ông.
Chân dung Nhà thơ Đông Trình

Thời thơ ấu đáng nhớ

Thuở bé, tôi thường được bố dắt đi theo để nghe những buổi nói chuyện văn học, thơ ca mà ông là người diễn giả, giới thiệu, phân tích và bình phẩm về những chủ đề văn học, những câu chuyện về Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam... Những nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Thu Bồn, Chế Lan Viên... khi về Đà Nẵng đều được ông tháp tùng đi tham quan hay nói chuyện văn học ở các địa phương trong TP hay Quảng Nam...

Những năm ấy, nhà tôi là nơi các nghệ sỹ, nhà thơ, nhạc sỹ... tụ họp và chờ xe ô-tô đến chở đến các điểm nói chuyện.

Từ cách sống và làm việc, ông đã gieo vào tôi niềm yêu thích đọc sách báo, văn chương khi còn thơ bé. Niềm đam mê sáng tác, đọc sách báo, sự say mê sáng tạo văn học - nghệ thuật từ bố và không gian sống xung quanh ngôi nhà đã hấp dẫn một cách tự nhiên vào trong tôi. Trong nhà tôi thường có nhiều loại sách báo với đủ loại đề tài chính trị, xã hội, văn chương trong nước và quốc tế, đặc biệt là các báo, tạp chí chuyên ngành văn học... Những năm sống thời bao cấp, chuyện củ sắn củ khoai cũng là một vấn đề của đời sống. Thế nhưng nhà tôi lại tràn ngập sách báo như một thư viện nhỏ.

Và đó cũng chính là những tài liệu bổ ích, bổ sung cho việc đọc và viết của tôi.

Bố tôi thường khuyên tôi làm những việc bình thường và nhỏ nhặt nhất. Ông có một tấm lòng bao dung trước mỗi con người, mỗi số phận. Vì vậy ông có nhiều bạn. Bạn của ông có thể một người đạp xe thồ trước ga Đà Nẵng, một giáo viên, một người yêu thơ gần nhà... Nhà tôi lúc nào cũng có bạn bè của bố, khách khứa ghé đến thăm nhà, chơi và trò chuyện với bố tôi. Những người yêu thơ là những cán bộ, giáo viên đang ở tuổi làm việc hoặc đã nghỉ hưu thường mang đến những bài thơ mà họ mới viết để nhờ ông đọc và góp ý, chỉnh sửa.

Sau này lớn lên tôi mới hiểu ra là bố tôi muốn tôi hãy làm những công việc bình thường và nhỏ bé nhất trước khi muốn nghĩ đến những điều to lớn khác là thế nào? Là một căn nhà luôn sạch sẽ, một cuộc sống ngăn nắp. Để bước đến sự thành công lớn hơn ta không thể bỏ qua những điều nhỏ nhặt.

Bởi vậy, căn nhà tôi luôn sạch sẽ và ngăn nắp như nếp sống của bố tôi. Xuân Phương, một người bạn của tôi làm việc ở Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DRT) có lần đến nhà gặp bố tôi để quay phim, phỏng vấn. Sau này gặp lại tôi, cô ấy kể: "Mình vừa đến nhà Sơn để quay một bộ phim về bố Sơn. Vào căn nhà sạch sẽ, ngăn nắp thấy "sợ". Hầu như không có một hạt bụi".

Gõ chữ trên máy đánh chữ hồi đó là một công việc khó nếu bây giờ nghĩ lại. Những con chữ đánh tóc tách trên bàn phím sâu. Lâu lâu lại quay cuộn ruy-băng giấy màu đen lên khi hết một trang giấy khổ A4. Vậy mà bố tôi ngồi miệt mài làm việc từ sáng đến tối trong những ngày nghỉ. Nhiều khi ông ngồi viết bài đến tận khuya, lúc sáng sớm. Căn nhà tôi hồi ấy có khoảng sân rộng, hướng cửa chính nhìn ra ngoài sân với những cây ổi, cây mãng cầu, cây đào, cây dừa rì rào, lao xao khi có ngọn gió thổi qua. Bố tôi ngồi miệt mài bên chiếc bàn làm việc cho những câu thơ, bài viết chắp cánh. Những năm tháng đó bố tôi rất vui khi mua được chiếc xe gắn máy, chiếc máy đánh chữ vào loại xịn (tốt nhất) thời đó.

Ảnh đoàn đại biểu trí thức lớn miền Nam Việt Nam sang thăm Liên Xô năm 1980 được nhà thơ Đông Trình đóng khung và treo kỷ niệm trên tường nhà ông.

Chiếc bánh mỳ nhiều thịt và nỗi nhớ chạnh lòng: Việt Nam

Những tháng năm thời bao cấp mọi hàng hóa, thực phẩm, gạo đều được mua bằng tem phiếu. Tôi nhớ mãi cảm giác lần đầu tiên khi nhà tôi có một chiếc nồi nấu nước bằng dây may-so và chiếc nồi cơm điện sau nhiều năm nấu cơm, nấu nước bằng lò củi rồi lò trấu. Niềm vui vỡ òa, anh em tôi cứ mãi xuýt xoa về sự hiện đại của chiếc nồi cơm điện tự động có thương hiệu với hình con voi lúc ấy.

Một chuyến đi công tác ở Liên Xô về, bố tôi mang theo một số đồ đạc từ các nơi mà ông có dịp đi qua để làm quà tặng tôi và các anh em trong gia đình. Những bao kẹo nho, con búp bê, thanh socola. Chiếc máy xem ảnh bằng cách bỏ một tấm phim được kẹp trong bìa giấy cứng vào khe của chiếc máy bằng nhựa là một món đồ chơi khá đặc biệt vào thời ấy. Ở đó mọi thứ được hiện rõ, phóng to lên với các màu sắc khác nhau hoặc với hai màu đen trắng tùy theo phim chụp và tôi có thể trông thấy nước Nga, điện Kremlin hay con người và cảnh sắc nước Nga. Chiếc mũ truyền thống đặc trưng của người dân tộc Nga, con lật đật đáng yêu... là những món đồ chơi đặc sắc đáng nhớ. Sau này bố tôi kể lại: Đoàn đã đi đến 15 thủ đô của 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô; mỗi nơi, đoàn ghé tham quan, giao lưu và thưởng thức các đặc sản chừng 1, 2 ngày rồi chuyển sang một địa phương khác. Chuyến đi dài dằng dặc chừng hơn một tháng ấy với hành trang mang về của bố tôi là những món quà đơn sơ nhưng rất quý giá từ nước bạn cho các con và những bài thơ, dòng nhật ký được ông viết kín những cuốn sổ tay. Những câu chuyện kể về đất nước bạn (Liên Xô) được ông kể lại cho chúng tôi nghe bên ánh đèn dầu vào buổi tối trong bữa ăn, hoặc bên cái bếp dầu tráng men xanh khi chúng tôi ngồi cùng bố nấu ăn. Hồi đó gia đình tôi vẫn tụ họp sinh hoạt gia đình vào mỗi buổi tối cuối tuần và những lúc như thế bố tôi lại đọc thơ hay kể chuyện cho các con, cháu nghe.

Hơn 40 năm sau, tôi ngồi đọc lại những bài thơ mà bố tôi viết trong dịp ông đi Liên Xô và bùi ngùi đếm lại thời gian. "...Ba ơi, Ngày Ba trở về/ Nhớ mua cho con chiếc bánh mỳ nhiều thịt"/Tội nghiệp con tôi/Miếng ngon của đời con chưa được biết/ Lớn lên từng bữa, rau mắm qua ngày/Vài bát cơm thường lẫn với sắn khoai/Qua đây ngồi giữa bàn dài/Bao nhiêu món quý, quê người dọn ra/Ngập ngừng dao, nĩa xót xa/Chạnh lòng nhớ đến quê nhà, thương con!". Đó là bài thơ "Viết trong bữa ăn ở Táhkent" trích trong tập thơ chép tay mà bố tôi viết trong dịp đi Liên Xô vào năm 1980. Lúc ấy tôi vẫn còn bé lắm, mới chừng hơn 5 tuổi và chưa được đến trường học vì còn nhỏ. Lòng tôi xôn xao trước những kỷ niệm quý giá của bố tôi mà tôi từng được biết đến trong thời thơ ấu...

Nguyễn Hữu Hồng Sơn