Những câu hỏi đặt ra sau thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU

Thứ năm, 31/12/2020 17:47

Sau nhiều tháng đàm phán, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit khi Anh chuẩn bị rời khỏi thị trường chung Châu Âu và các liên minh thuế quan vào ngày 1-1-2021. Khi thỏa thuận thương mại hậu Brexit được công bố cũng là lúc những câu hỏi đặt ra về tác động của thỏa thuận với London.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen công bố thỏa thuận thương mại Brexit ngày 24-12.

Trong cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen, thông báo, Anh và Liên minh Châu Âu đã nhất trí về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, sau vòng đàm phán cuối cùng diễn ra đêm 24-12. “Châu Âu hiện đang tiến lên”, bà Von der Leyen chia sẻ trên Twitter. Chủ tịch Ủy ban EU gọi thỏa thuận này là “một thỏa thuận công bằng và cân bằng” nhằm “bảo vệ các lợi ích của EU”. Trong một cuộc họp báo tại văn phòng ở London, Thủ tướng Anh Boris Johnson ca ngợi thỏa thuận là một thành công, nhấn mạnh “chúng ta đã giành lại quyền kiểm soát”.

Sau 47 năm hội nhập Châu Âu, Anh sẽ bắt đầu một chương mới vào ngày 1-1-2021 tới. Nhưng điều gì đang chờ đợi London? Một thế giới mới dù nhiều thử thách nhưng cũng đầy hy vọng mà nước Anh đang hướng tới.

Điều gì sẽ xảy ra?

Một thỏa thuận thương mại mới với EU sẽ giúp con đường phía trước suôn sẻ hơn phần nào, thông qua việc dỡ bỏ các mức thuế quan và hạn ngạch tiềm năng đối với hàng hóa xuất nhập xuyên Eo biển Manche. Các hoạt động thương mại hàng hóa - vốn chiếm tới một nửa trong tổng kim ngạch thương mại song phương hàng năm trị giá 900 tỷ USD giữa EU và Vương quốc Anh - sẽ được hưởng thuế quan bằng không. Nếu không có một thỏa thuận, hoạt động xuất nhập khẩu của nước Anh sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng vì một loạt rào cản đã không tồn tại trong nhiều thập kỷ sẽ trở lại đột ngột.

Nhưng ngay cả khi thỏa thuận đã được ký kết, tương lai của nước Anh cũng sẽ không thể hoàn toàn “sóng êm bể lặng”. Các doanh nghiệp Anh sẽ phải chịu những quy tắc hải quan, tiêu chuẩn quản lý và kiểm tra biên giới mà EU yêu cầu áp dụng với các nước thứ ba, khiến hoạt động thương mại chậm và tốn kém hơn.
Điều này sẽ có tác động lớn đến nguồn cung thực phẩm của Anh khi khoảng 1/4 trong số đó đến từ EU. Các nhà bán lẻ đã cảnh báo nước này có thể thiếu hụt nhiều mặt hàng tươi sống như trái cây, rau và một số loại thịt. Trong khi đó, một số hàng hóa, hầu hết là ô-tô, vẫn có khả năng bị áp thuế do tỷ trọng linh kiện từ bên ngoài nước Anh hoặc EU vượt quá ngưỡng quy định của “quy tắc xuất xứ”.

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Chính phủ Anh dự báo rằng dù có một thỏa thuận, sản lượng kinh tế Anh sẽ thấp hơn khoảng 4% trong vòng 15 năm so với kịch bản nước này vẫn ở lại EU. Chính phủ Anh đã kêu gọi doanh nghiệp sẵn sàng cho mọi trường hợp. Nhưng phía các doanh nghiệp cho rằng chính phủ đã không đưa ra kịp thời các hệ thống điện tử và nhân viên hỗ trợ quan trọng, làm tăng nguy cơ xảy ra hỗn loạn sau ngày 1-1-2021 tới. Rất ít doanh nghiệp của cả hai bên được chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi về thủ tục giấy tờ, các biện pháp kiểm tra bổ sung về hải quan, thú y và quy định về xuất xứ sẽ diễn ra vào ngày 1-1-2021. Rất có thể sẽ xảy ra tình trạng gián đoạn tại các cảng và xe tải phải xếp thành những hàng dài.

Ông Johnson sẽ làm gì?

Một câu hỏi đặt ra là ông Johnson sẽ làm gì với sự tự do mà ông giành được khi cuối cùng ông đã đưa được Anh rời khỏi EU?

Thủ tướng khẳng định rằng Anh sẽ thịnh vượng mạnh mẽ bên ngoài EU. Những người theo chủ nghĩa Brexit cho rằng EU đã kìm hãm quốc gia này bằng thông qua các quy định khó khăn. Giờ đây, họ có thể bắt tay vào một sứ mệnh mới để hỗ trợ thương mại tự do trên toàn thế giới. Anh khẳng định sẽ không thu mình sau quá trình Brexit mà hướng ra bên ngoài, thậm chí hướng tới một hiệp định thương mại tự do với các nước thuộc Vành đai Thái Bình Dương. Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss tới nay đã ký một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Nhật Bản, Canada, Singapore, Thụy Sĩ, cùng một số nước khác. Nước Anh cũng đang để mắt đến một thỏa thuận với Ấn Độ, đồng thời đàm phán những thỏa thuận khác với Mỹ, Australia và New Zealand. 

Tuy nhiên, Anh rất khó để đạt được những tham vọng của mình. Kể từ giữa năm 2019, chính phủ của ông Johnson đã phải tốn nhiều công sức với Brexit, và sau đó là Covid-19, đến mức họ chỉ có thể đạt được một chút thành tựu nhỏ nhoi là một tiến trình kinh tế khác để bù đắp cho những gì đã mất khi Anh rời khỏi EU. Tình hình tài chính đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch. Một dấu hiệu ban đầu là việc Chính phủ Anh hồi tháng 11-2020 đã giảm cam kết viện trợ quốc tế từ mức tương đương 0,7% GDP xuống 0,5% GDP.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Johnson khẳng định rằng chính phủ của ông đã có một “chương trình nghị sự rất rõ ràng”. Nếu muốn có nhiều cơ hội để cải thiện nền kinh tế của Anh, ông Johnson cần bắt đầu xác định rõ chương trình nghị sự đó ngay bây giờ.

AN BÌNH