Những câu hỏi sau biểu tình bạo loạn ở Iran

Thứ ba, 02/01/2018 11:21

Chính phủ Iran vẫn đang loay hoay trong nỗ lực đối phó với dòng người biểu tình bạo lực ở nước này, vụ việc được xem là một trong những thách thức quyền lực mới nhất nhất đối với các nhà lãnh đạo quốc gia Hồi giáo này kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979. Người biểu tình đã thách thức cảnh sát và lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, nhưng điều gây lo ngại hơn cho chính quyền Iran là cuộc biểu tình này dường như mang tính tự phát và không có một thủ lĩnh rõ ràng nào. Chính nó đã đặt ra nhiều câu hỏi khó lý giải.

Thứ nhất, cuộc biểu tình này nguy hiểm như thế nào? Các cuộc biểu tình chính trị rất hiếm xảy ra ở Iran. Nhưng hàng chục ngàn người Iran biểu tình trên khắp cả nước từ hôm 28-12-2017, chống lại giới lãnh đạo tăng lữ và chính sách đối ngoại của Iran trong khu vực. Đây cũng là những cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất kể từ khi tình trạng bất ổn vào năm 2009, sau khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi. Họ bắt đầu ở thành phố Mashhad và lan tới Tehran và các trung tâm đô thị khác. Người Iran phơi bày sự tức giận do việc tăng giá các mặt hàng cơ bản như trứng và đề xuất tăng giá nhiên liệu trong ngân sách năm tới của chính phủ. Ban đầu, những người biểu tình trút giận vào tình hình kinh tế khó khăn và tình trạng tham nhũng, nhưng sau đó, họ bắt đầu “chính trị hóa”  vấn đề khi kêu gọi lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei từ chức.

Câu hỏi thứ hai là về phản ứng của chính phủ Iran. Thách thức của chính phủ nước này là tìm ra cách ngăn chặn làn sóng biểu tình mà không làm bùng nổ sự tức giận mạnh mẽ hơn nữa. Cho đến nay, dù chính quyền cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, nhưng thực tế các biện pháp này hầu như được hạn chế. Hội đồng An ninh Quốc gia Iran đã tổ chức các cuộc họp khẩn và cho đến nay đã quyết định chặn các phương tiện truyền thông xã hội và các ứng dụng nhắn tin để hạn chế lưu lượng thông tin và kêu gọi biểu tình. Trên thực tế, chính phủ Iran một bộ máy an ninh mạnh mẽ có thể dẹp yên biểu tình. Nhưng cho đến nay, họ vẫn kiềm chế. Trong khi chờ đợi, chính phủ đã làm dịu làn sóng biểu tình khi tuyên bố bác bỏ kế hoạch tăng giá nhiên liệu và cam kết sẽ tăng các khoản thu cho người nghèo và tạo thêm nhiều việc làm trong những năm tới.

Và cuối cùng, câu hỏi gây lo ngại nhất là việc liệu làn sóng biểu tình hiện nay có bùng nổ thành cuộc nổi dậy tương tự năm 2009? Trong thập kỷ qua, Iran trải qua các cuộc biểu tình quy mô nhỏ chống lại những khó khăn kinh tế hoặc các cuộc khủng hoảng môi trường tại địa phương và cuộc nổi dậy chính trị toàn quốc trong năm 2009 chống lại các cuộc gian lận bầu cử. Nhưng một cuộc nổi dậy lan rộng chống lại các vấn đề chính trị và kinh tế lớn sẽ gây lo ngại cho quốc gia Hồi giáo này. Đợt biểu tình mới ở Iran lần này dường như là hoàn toàn tự phát. Điều đó có thể khiến nó trở thành một mối đe dọa lớn hơn những bất ổn quá khứ trong một quốc gia thường mô tả cuộc cách mạng năm 1979 như một cuộc nổi dậy của người nghèo chống lại sự bóc lột và áp bức.

THANH VĂN