Những "chị nuôi" ở khu cách ly tập trung

Thứ ba, 14/09/2021 17:03

Không phải là lực lượng tuyến đầu, trực tiếp tiếp xúc với các nguồn bệnh nhưng công việc của họ rất quan trọng: họ chăm lo từng bữa ăn cho cán bộ, chiến sỹ làm việc tại khu cách ly và những người đang cách ly tập trung. Họ là 2 "chị nuôi" của Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng.

2 "chị nuôi" Ánh và Liễu những công việc bếp núc phục vụ người cách ly.

Ở khu cách ly tập trung dành cho các ca F1 của những người nhiễm COVID-19 do Công an tỉnh Lâm Đồng quản lý đặt tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh có 2 "chị nuôi" được ví như "hậu phương vững chắc" của cán bộ, chiến sỹ phục vụ khu cách ly và những người đến cách ly tập trung tại đây. Từ tháng 5-2021, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, cũng là lúc 2 "chị nuôi" Nguyễn Thị Ánh và Đặng Thị Liễu bám trụ nhiều hơn tại Trung tâm.

Giao lại việc chăm sóc con nhỏ cho chồng, thêm sự giúp đỡ của ông bà nội- ngoại, hai chị nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Ban điều hành khu cách ly. Chị Liễu kể: "Trước cũng vẫn công việc đó, đi chợ, chế biến thực phẩm, nấu ăn phục cán bộ, chiến sỹ. Từ khi có dịch, vẫn công việc đó nhưng có đôi chút vất vả hơn vì phải phục vụ ăn cho cả những người đi cách ly. Sáng phải dậy từ 4 - 5 giờ đi chợ mua thực phẩm đủ dùng cho cả ngày, rồi chế biến, nấu ăn… Công việc đơn giản vậy thôi nhưng mãi tận 8 - 9 giờ tối mới xong".

Nói thì đơn giản là vậy nhưng công việc của các chị đòi hỏi rất cao, thực phẩm phải tươi, đảm bảo vệ sinh, thực đơn phải phong phú, đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng. Có mặt tại các chợ đầu mối từ lúc tinh mơ, giá cả thực phẩm thay đổi từng ngày nên các chị phải linh hoạt trong việc thay đổi thực đơn. Chị Ánh thổ lộ: "Trước kia mỗi bữa có mấy chục suất thì đơn giản, nhưng từ khi có đông người đến cách ly, mỗi bữa phải chuẩn bị hàng trăm suất ăn thì đúng là quá sức. Cũng may chúng tôi có sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại đây".

Thời điểm đầu tháng 8-2021, khi ổ dịch tại Cty Sợi Đà Lạt bùng phát, số người đến cách ly tập trung là 102 người thì việc phục vụ ăn ngày 3 bữa cho toàn bộ người cách ly của 2 "chị nuôi" càng thêm vất vả. Trung bình mỗi ngày các chị nấu gần 500 suất ăn, đảm bảo ngon, sạch sẽ, đủ chất dinh dưỡng và được đưa đến tận phòng. Đây cũng là thời điểm 18 người đang cách ly chuyển thành F0 nên công việc của 2 "chị nuôi" cũng thật nguy hiểm. Chị Liễu nói: "Tiếp xúc với bếp núc, nóng nực, đủ thứ mùi vị, nếu không quen thì khó trụ được lắm. Chị em tôi dành hết sự tập trung vào từng món ăn như đang nấu ăn cho người thân của mình vậy nên ai ăn cũng khen ngon". Không ít người đến cách ly phải ăn kiêng và có cả em nhỏ nhưng các "chị nuôi" vẫn đáp ứng một cách chu toàn. Ông Lê Quang Đoàn sau khi nhận quyết định hoàn thành thời gian cách ly tập trung đã đòi gặp bằng được 2 "chị nuôi" chỉ để nói 1 câu: "21 ngày qua tôi được ăn nhiều món ngon, còn ngon hơn ở nhà. Cảm ơn các chị". Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, một người hoàn thành cách ly tập trung thì xúc động: "Cán bộ và mọi người nhiệt tình quá. Đồ ăn rất đa dạng, hấp dẫn. Xin cảm ơn Đảng và Nhà nước".

Lời khen từ chính những người thực hiện cách ly tại Trung tâm như thêm động viên, cổ vũ để 2 "chị nuôi" tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thật xúc động khi biết rằng, để bảo vệ sức khỏe cho người thân và gia đình, từ giữa tháng 7 đến nay, 2 "chị nuôi" bám trụ luôn tại bếp ăn, không về nhà. Các chị cũng được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngay từ đợt đầu nên cũng phần nào yên tâm. Thượng tá Đinh Văn Sáu - Phóng trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng Ban điều hành khu cách ly nhớ lại: "Khi mới tiêm về, chị Ánh sốt, chúng tôi động viên chị nghỉ ngơi thêm nhưng chị ấy nằng nặc không nghỉ mà xuống bếp luôn".

Không phải là lực lượng tuyến đầu, thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ lây bệnh nhưng ở nơi được gọi là hậu phương, 2 chị nuôi Nguyễn Thị Ánh và Đặng Thị Liễu, nhân viên hợp đồng tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng luôn hết mình vì công việc, chăm chút từng bữa ăn cho những người đến cách ly. Công việc của các chị thầm lặng nhưng không ít vất vả, và đó cũng là hành động thiết thực của các chị để chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

ĐỨC HUY