Những "chiến binh" ở Bệnh viện 199

Thứ hai, 10/08/2020 19:22

Khoác trên mình màu xanh của chiến sĩ CAND và tấm áo blouse trắng, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) - bác sĩ, y tá Bệnh viện (BV) 199 Bộ CA (đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho CBCS và nhân dân, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Bác sĩ, Thiếu tá Lê Thị Xuân cùng đồng nghiệp thăm khám cho các bệnh nhân đang được cách ly tại khoa Truyền nhiễm BV199.

Nuôi con từ... bệnh viện

Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Ban Giám đốc, lãnh đạo các khoa, phòng BV199, vừa qua, chúng tôi đã tiếp cận vào khoa Truyền nhiễm - nơi đang thu dung, theo dõi, điều trị cho 9 trường hợp nhiễm Covid-19. Thiếu tá Lê Thị Xuân - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm BV199 là một trong những người "trụ" lại tại BV ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát đợt 2 đến nay. Đã qua 10 ngày, chị Xuân cũng như các đồng nghiệp trong Khoa chưa một lần về thăm nhà. Mặc dù nỗi nhớ gia đình, nhớ con không lúc nào vơi, nhưng chị đành phải tạm gác lại những lo toan thường nhật để chuyên tâm vào công việc của mình. Chị cho biết, 17 năm công tác tại BV199 đến nay, chưa bao giờ chị phải chứng kiến đợt dịch bệnh nào khó khăn, phức tạp như thế. "Tôi có hai cháu trai, đứa lớn học lớp 7, đứa bé học lớp 1; bản thân thì phải trực chiến 24/24 giờ, còn ông xã, do công tác trong quân đội nên cũng thường xuyên có mặt tại đơn vị. Vì vậy, mọi việc sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ của các con đa phần là nhờ tự thân các cháu vận động, còn lại phải trông chờ vào người thân ở gần", Thiếu tá Xuân nói.

Và để vơi bớt nỗi nhớ các con, chị chỉ còn biết trông chờ vào màn hình điện thoại. Mỗi lần màn hình hiện lên hình ảnh, giọng nói của các con, chị nghẹn ngào không cất nên tiếng. Thế nhưng để các con an lòng, chị buộc phải nuốt nước mắt vào trong, nở nụ cười tươi và hứa với các con "hết dịch mẹ sẽ về"... "Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, đẩy lùi, người người nhà nhà được trở lại cuộc sống bình thường vốn dĩ như những ngày trước đây", Thiếu tá Xuân mong muốn.

Tương tự Thiếu tá Xuân, nhưng Trung úy Nguyễn Thị Hoài Thương (1989), cũng đang công tác tại khoa Truyền nhiễm BV199 có phần đặc biệt, hoàn cảnh hơn nhiều. Hoài Thương thì đã "cấm trại" trong nhiều ngày nay, trong khi đó chồng chị là anh Đào Xuân Quế, chiến sĩ Lữ đoàn E83, hiện đang đóng quân tại Phú Quốc (Kiên Giang), nên 2 đứa con, lớn 3 tuổi và nhỏ chỉ mới 9 tháng đều trông cả vào ông bà nội, hiện cũng đã già yếu. Do bé sau mới 9 tháng tuổi nên thường khát sữa, vì vậy hàng ngày, sau giờ làm việc, chị lại lui vào một góc nhỏ để vắt sữa gửi về cho con (tất nhiên phải tiến hành khử khuẩn, đảm bảo an toàn tuyệt đối). "Mỗi lần như thế, cảm giác nhớ và thương con quay quắt, muốn chạy ngay về bên con nhưng vì nhiệm vụ, và vì sự an toàn của con và gia đình đành tự nhủ lòng hết dịch sẽ bù đắp cho con nhiều hơn. Cứ nghĩ đến cảnh con khát sữa, thiếu vắng hơi ấm của mẹ rồi quấy khóc mà em thấy thương vô cùng. Biết vậy nhưng tự nhủ lòng, sau này hết dịch bệnh, mình sẽ bù đắp cho con nhiều hơn", Trung úy Thương chia sẻ. Và cũng giống với tất cả các anh chị em trong khoa, trong nhiều ngày nay, Thương cũng chỉ giao tiếp được với con qua màn hình điện thoại...

Theo chia sẻ của Thiếu tá Lê Thị Xuân, thì hầu hết CBCS, y bác sĩ đã có gia đình tại Khoa Truyền nhiễm BV199 thì đều có vợ hoặc chồng là công tác trong lực lượng vũ trang. Và vì vậy, đợt dịch bệnh lần này, hầu như những đứa trẻ trong các gia đình đều thiếu vắng sự chăm sóc, đùm bọc, vỗ về của bố và mẹ. "Thiệt thòi là vậy, nhưng các cháu vẫn rất ngoan, luôn nghe lời ông bà, người thân, và đây cũng chính là nguồn động lực để anh chị em vượt qua khó khăn, mệt mỏi", Thiếu tá Xuân nói.

Mặc dù bộn bề với công việc khám, sàng lọc bệnh nhân; canh cánh với những lo toan thường nhật nhưng các chiến sĩ - y, bác sĩ BV199 vẫn luôn lạc quan, tin vào ngày mai chiến thắng.

Chủ động trước kịch bản xấu nhất

Để thấu cảm được những khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ tại đây trong mỗi lần vào khu cách ly thăm, khám bệnh nhân, chúng tôi được Thiếu tá Xuân trực tiếp tư vấn, hướng dẫn tận tình. Sau khi mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn để đảm bảo an toàn tuyệt đối, chúng tôi theo chân Thiếu tá Xuân để ghi nhận lại quá trình thực hiện nhiệm vụ, thăm khám bệnh nhân và cả những sinh hoạt hàng ngày của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây. Điều đọng lại khi trải qua hành trình của một ca trực, đó là những khó khăn, vất vả, bức bách, mồ hôi nhễ nhại trong bộ đồ bảo hộ kín người, chỉ một lúc thôi đã thấy rã rời, hơn thế những nguy cơ rình rập vẫn thường trực họ mỗi ngày... Với họ, vượt lên tất cả vẫn là tinh thần lạc quan, tự tin chiến thắng dịch bệnh.

Trung tá Trương Xuân Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV199 cho biết, tổng số y, bác sĩ của BV hiện có 94 người. Ngoài ra, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ CA, vừa qua, 4 bác sĩ của BV198 cũng đã kịp thời được tăng cường vào Đà Nẵng để hỗ trợ cho BV199. "Đội ngũ y, bác sĩ, phương tiện, trang thiết bị của BV hiện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của CBCS và nhân dân; đặc biệt là đối phó với tình hình dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn", Trung tá Hùng cho hay.

Cũng theo Trung tá Hùng, ngoài công tác khám, chữa bệnh được diễn ra bình thường theo kế hoạch, thì nhằm đáp ứng kịp thời, tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Ban Giám đốc BV199 cũng đã xây dựng các phương án ứng phó. Theo đó, đã dự lường các tình huống có thể xảy ra, đồng thời xây dựng kịch bản theo từng cấp độ để đáp ứng. Cấp độ 1 là khi có dịch bệnh xâm nhập cho đến cấp độ 4 là khi ca bệnh tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều khoa, phòng trong cơ sở khám, chữa bệnh hoặc không xác định được phạm vi và nguồn lây nhiễm.

"Tất cả các phương án, kịch bản được BV đưa ra có thể nói là khá chặt chẽ, kỹ càng, đặc biệt là chủ động phân luồng từ xa và thực hiện nghiêm bộ tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, các bệnh nhân khi đến khám tại BV đều được điều tra lịch sử dịch tễ, khử trùng tay, bắt buộc đeo khẩu trang. Việc sàng lọc các bệnh nhân khi tiếp nhận từ bệnh viện khác cũng được BV chú trọng và thực hiện theo từng bước như việc khử khuẩn, lấy mẫu dịch xét nghiệm, phun thuốc khử khuẩn tại các điểm tiếp nhận bệnh nhân liên tục, thường xuyên", Trung tá Hùng nói.

DOÃN HÙNG