“Những chiến binh” thời Covid-19

Thứ tư, 17/02/2021 11:06

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho cả thế giới phải điêu đứng; đồng thời cũng chứng kiến vô số thay đổi, những “ứng biến” tích cực. Tất nhiên, không một ai mong muốn có dịch bệnh để làm thay đổi các thói quen chưa tốt, nhưng cũng không thể phủ nhận từ đại dịch Covid-19 đã xuất hiện, đã hình thành nên những sự thích nghi, nếp sống mới tốt hơn như “những Chiến binh” làm cuộc sống của chúng ta hoàn thiện hơn.

Từ bác sĩ online, đến thầy cô trực tuyến

Chỉ sau một thời gian ngắn khi Đà Nẵng phát hiện ca đầu tiên mắc Covid-19, các bệnh viện trên địa bàn đã ngay lập tức “ứng biến” với rất nhiều giải pháp linh hoạt. Cho đến nay, những giải pháp ấy đã trở thành “thương hiệu”, trở thành thói quen tốt tại các Bệnh viện Đa khoa Gia đình (BVĐKGĐ), Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng (BVHMĐN). Từ những nền tảng vốn đã được “đi trước, đón đầu” như bệnh viện điện tử, bệnh án điện tử, giờ đây khi đến khám bệnh tại Gia Đình người bệnh có thể đặt lịch hẹn khám, lựa chọn bác sĩ, nhận kết quả khám bệnh online, đăng ký khám chữa bệnh (KCB) tại nhà... Còn tại Hoàn Mỹ, chương trình tư vấn sức khỏe online cho người dân trên trang Fanpage với những chủ đề chuyên khoa vào mỗi tháng, bác sĩ xem và trả lời nhanh nhất trong vòng 24 giờ các câu hỏi và thắc mắc của người dân; các video hướng dẫn chăm sóc mẹ bầu và trẻ nhỏ thay cho lớp học tiền sản được tổ chức định kỳ... nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người dân... Mô hình bác sĩ online, tư vấn online của 2 bệnh viện tư uy tín hàng đầu của Đà Nẵng này, đã đáp ứng nhu cầu KCB từ xa theo chủ trương của ngành Y tế Việt Nam trong xã hội số. 

Trong đời sống xã hội, nhiều hoạt động, thói quen cũng đã được điều chỉnh tốt hơn và dịch Covid-19 đã khiến nhiều thói quen thay đổi theo hướng tích cực. Việc tổ chức dạy và học trực tuyến là một cơ hội để cả người dạy và người học phải điều chỉnh, đổi mới, sáng tạo hơn. Dịch Covid-19 cũng khiến người ta quan tâm nhiều hơn đến các bữa ăn gia đình thay vì ăn ngoài quán và cũng vì thế các clip online, “trực tuyến” dạy nấu ăn, làm các đồ uống tốt cho sức khỏe xuất hiện nhiều hơn. Cả các vận động viên thể thao, siêu mẫu, các “sao” cũng trở thành đầu bếp “hot” bởi các món ăn và cách nấu ăn siêu đặc biệt. 

 

Sự yên lặng... vàng

Đại dịch Covid-19 khiến tốc độ phát triển của các nước trên thế giới phải chững lại. Các cụm từ “phong tỏa”, “giãn cách xã hội”, “hạn chế”... xuất hiện nhiều hơn trên thế giới, khiến cho giao thông và xí nghiệp trở nên yên lặng hơn. Dữ liệu vệ tinh đã cho thấy sự sụt giảm lượng nitrogen dioxide (một chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu thải ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch) trong bầu không khí ở các thành phố và các trung tâm công nghiệp trên khắp Châu Âu và Châu Á khi giao thông trên đường phố và hoạt động tại các xí nghiệp, nhà máy... trở nên yên lặng hơn, ở một số khu vực đã giảm 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí giảm đáng kể; chỉ số chất lượng không khí ở một số thành phố lớn ở nước ta cũng tốt hơn”. Đúng là sự yên lặng... vàng từ Covid-19.

“Giải cứu” và những gợi mở bền vững Covid-19 đã chỉ ra khá rõ những hạn chế, thậm chí khuyết tật của nền kinh tế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp chưa đề cao quy hoạch vùng, còn chạy theo phong trào, ít chú ý đến lợi thế so sánh, lệ thuộc nhiều vào đầu ra, xuất khẩu từ nước ngoài như lâu nay, nhưng chưa có giải pháp hiệu quả, vì vậy phải liên tục “giải cứu”. Khi chưa có Covid-19, hết “giải cứu” dưa hấu, đến dứa, thanh long... Song, trong cái khó, ló cái khôn, “những Chiến binh thời Covid- 19” đã ứng biến, phá lệ những lối mòn sản xuất theo phong trào, gợi mở bền vững cho những hướng đi, sản xuất lâu dài, chủ động và sáng tạo, không lệ thuộc vào xuất khẩu, vào các nước khác, đó là hướng những mặt hàng mới, gắn sản xuất nông nghiệp và chế biến tại chỗ, đáp ứng nhu cầu trong nước, mà bánh mì thanh long, bánh tráng thanh long, bún dưa hấu... là những sản phẩm nổi bật của sự sáng tạo thời Covid-19 được cả thế giới biết đến.  

Hiếu, hỉ 4.0

Một thói quen bao đời của người Việt Nam là hiếu, hỉ. Một người bị bệnh nằm viện, một người sinh, cả họ hàng và bè bạn đến thăm. Đám cưới, sinh nhật, tân gia, khai trương, khánh thành, thôi nôi, rồi đám tang... có nhiều nơi được tổ chức linh đình nhiều ngày, nhiều người tham gia. Khi đại dịch Covid bùng nổ, có nơi cả làng, cả phố phải đi cách ly, chỉ vì cùng tham dự hiếu, hỉ, thăm viếng. Cũng chính vì vậy, Covid-19 đã làm thay đổi thói quen này. Từ sự hạn chế tiếp xúc, đã dẫn đến sự thay đổi tiết kiệm trong tổ chức hiếu, hỉ; đã có những bữa tiệc cưới hỏi, sinh nhật, thôi nôi online, càphê online, “hội bà tám” online và cả thăm người nằm viện online... Đối với thói quen của nhiều người, sau giờ làm việc hay bù khú bạn bè, cà-phê hoặc nhậu nhẹt... thì dịch Covid-19 đã hạn chế gần như tối đa số người tụ tập, ăn nhậu, đi bar, hát karaoke...; việc “lập hội” tán dóc với nhau của các “hội bà tám” cũng giảm hẳn...

Hạn chế tiếp xúc thời Covid-19 cũng dần tạo nên thói quen tốt trong việc dành thời gian cho gia đình và bản thân nhiều hơn, gắn kết gia đình nhiều hơn khi thay vì thời gian tụ tập bù khú bè bạn thì nhiều người dành chơi với con cái, chăm đọc sách, tập thể dục, tự giải trí ở nhà...

Năm 2020 đã qua đi với bao sự biến động và đầy khó khăn, thử thách. Năm 2021 đã đến với bao dè dặt, lo toan, bởi thế giới vẫn đang ám ảnh bởi đại dịch Covid-19 không ngừng gia tăng. Song, “những chiến binh” thời Covid-19 sẽ chiến thắng Covid19, con người sẽ sớm thích nghi hơn, xã hội sẽ hoàn thiện hơn.

HỒNG NHẬT