Những chiến công thầm lặng của nữ điệp báo Quảng Đà

Thứ tư, 29/03/2023 08:21
Chân chất, giản dị và khiêm nhường, họ dễ bị lẫn như bao người phụ nữ tận tụy vì con cháu hôm nay. Ít ai ngờ đó là các nữ điệp báo an ninh Quảng Đà một thời thầm lặng mà rất đỗi can trường. Họ là những người em thân thiết của nữ Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ.
Các nữ điệp báo Quảng Đà (từ trái qua): Võ Thị Trung, Phạm Thị Sáu, Ngô Thị Huệ, Nguyễn Thị Thanh.
Các nữ điệp báo Quảng Đà (từ trái qua): Võ Thị Trung, Phạm Thị Sáu, Ngô Thị Huệ, Nguyễn Thị Thanh.

Cây chuối đặc biệt

Bà Phạm Thị Sáu, nguyên Phó phòng Hậu cần Công an Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) có vẻ ngoài trẻ nhất so với đồng đội. Quê xã Điện Hồng (Điện Bàn, Quảng Nam), mới 12 tuổi, Sáu đã làm giao liên cho các chú An ninh Quảng Đà. Sau vài năm được giao từ việc nhỏ đến việc lớn, Sáu ngày càng dày dạn kinh nghiệm và tiến tới làm việc mạo hiểm hơn: mang vũ khí ra nội thành Đà Nẵng.

9 quả lựu đạn được giấu vào thân cây chuối và cô gái có nhiệm vụ giao cho cơ sở. Từ Điện Tiến, Sáu vác bộ cây chuối qua Cầu Đỏ rồi theo xe lam ra đến Hòa Phước. Trên đường đi, địch nhiều lần lục soát nhưng chúng không để ý đến loại thức ăn cho heo này. Hành trình trót lọt, đến nhà người quen, cô lấy lựu đạn bỏ vào giỏ, phủ sắn củ lên trên. Theo kế hoạch, cơ sở của cô có bạn trai (vỏ bọc) là đại úy cảnh sát ngụy sẽ chở xe Jeep đến đón Sáu cùng vào Đà Nẵng. Nhưng đến giờ chót, bạn trai “vỏ bọc” này lại đi bằng xe máy. Trao giỏ vũ khí cho bạn, Sáu bắt xe lam đi đón lõng ở ngã ba Huế. Bao hồi hộp lo âu cho cả mình và bạn. May mắn được cảnh sát vô tình hộ tống, 9 quả lựu đạn đã qua được nhiều chốt gác an toàn. Giỏ vũ khí được Sáu nhận lại và tiếp tục đi giao cho đồng đội.

Nếu lần cất giấu khí tài bằng cây chuối khá cồng kềnh thì những chuyến cất lựu đạn bằng đôi thúng hai đáy được cô gái Điện Hồng vận chuyển liên tục. Trên đựng sắn củ hoặc sắn lát khô, súng ngắn K59, thuốc nổ được giấu dưới đáy, địch thọc gậy kiểm tra qua 5 chốt gác vẫn không phát hiện. Mới đây, người phụ trách năm xưa là Phạm Thị Đà thống kê lại số vũ khí mà Sáu đã mang từ quê ra Đà Nẵng gồm 8 cây súng và hàng chục kg thuốc nổ. Cũng có lần nhà cơ sở nơi nhận đạn dược bị lộ, nhiều người bị bắt, Sáu may mắn kịp lánh lên căn cứ. Ngày giải phóng, nhờ cơ quan tạo điều kiện, Phạm Thị Sáu được học hành bài bản và được bổ nhiệm đúng với năng lực. Về hưu sớm từ năm 1990, bà trở thành “chân chạy” cùng với nữ Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ đứng ra tổ chức các cuộc gặp mặt điệp viên an ninh Quảng Đà năm xưa.

Tre xanh ra trận

Nếu như lựu đạn được Phạm Thị Sáu cho vào thân cây chuối và vận chuyển vào Đà Nẵng khá mạo hiểm, thì với Võ Thị Trung quê Điện Hòa (Điện Bàn), cây tre chính là cầu nối đưa vũ khí đến tay chiến sĩ nội thành. Bà vẫn nhớ như in những chuyến đi trong quãng thời gian ấy: “Cây tre vẫn thường được đưa từ quê ra Đà Nẵng để làm kèo cột ngôi nhà, nên địch ít nghi ngờ. Chúng tôi bỏ lựu đạn vào trong ấy, vết cắt được dán khéo léo rồi đưa lên xe lam chở ra chợ Vĩnh Trung. Tôi cầm giỏ ngồi băng ghế trong xe. Trường hợp lộ thì sẽ chối không biết gì. May mà đều trót lọt”. Kỷ niệm khiến bà Trung nhớ nhiều nhất là chuyển lựu đạn vào các ghè đường bát. Chủ lò mía ở quê có người con gái là Trương Thị Đinh cảm tình với cách mạng. Vũ khí được đưa ra Đà Nẵng theo xe chở ghè đường. Điệp báo Võ Thị Trung đi theo xe áp tải và đến nơi an toàn. Nhưng một ngày cô gái cũng bị bắt do có kẻ phản bội. Đủ các đòn tra tấn, từ Nha cảnh sát đến Xà lim Thanh Bình rồi đưa về Kho Đạn, cô một mực giữ nguyên lời khai là đi theo các chú kiếm ăn chứ không biết gì. Cuối cùng địch phải thả sau một năm giam giữ.

Nồi bún cứu mạng

Bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Thanh Khê, hiện ở K26/14 đường Duy Tân, Đà Nẵng. Quê Duy Châu, Duy Xuyên (Quảng Nam), có ít chữ nghĩa nên khi quê hương đồng khởi (1965), mới 15 tuổi, Thanh đã được các cô chú phân công dạy học cho các em trong làng. Về công tác ở Duy Châu, nữ điệp viên Ngô Thị Huệ (Anh hùng LLVTND) chú ý ngay đến cô giáo nhỏ nhanh nhẹn, thông minh, chín chắn trước tuổi. Chị Huệ chỉ cho Thanh (lúc này tên Thanh Tâm) nghiệp vụ điệp báo, đưa cô lên căn cứ huấn luyện sử dụng các loại vũ khí. Thanh được kết nạp Đảng khi mới 18 tuổi.

Chuẩn bị cho Xuân Mậu Thân 1968, cô liên tục ra vào Đà Nẵng may băng, cờ, móc nối cơ sở, chuẩn bị chỗ ở cho các đồng chí lãnh đạo Đặc khu ủy chỉ đạo chiến dịch. Chiều ngày 16-3-1969, khoác chiếc áo ba-đơ-suy dài, Thanh tiếp cận mục tiêu theo cấp trên chỉ định sau nhiều ngày theo dõi lịch trình tên này. Khi rút súng kết liễu tên ác ôn khét tiếng, Thanh không may bị địch phát hiện. Nhanh trí bỏ khẩu súng lục vào nồi bún của một quán ăn bên đường để phi tang, cô vẫn bị địch bao vây và bắt ngay sau đó. Chuỗi ngày tra tấn dã man từ quân trấn, ty Gia Long, trại giam Kho Đạn, Thanh vẫn một mực cho rằng mình vì chứng kiến địch tàn sát gia đình, quê hương mà đi trả thù chứ không nghe theo ai cả. Các cơ sở nơi Thanh móc nối liên lạc nhanh chóng tạm lánh đi, theo dõi mức chịu đựng của cô gái trẻ. Những lúc thân thể bầm dập tơi bời, cô gái luôn nghĩ đến người thủ trưởng cũng là người chị tinh thần của mình. Học tấm gương bất khuất của chị, Thanh khai với địch tên mình là Nguyễn Thị Như Huệ để làm động lực chiến đấu. Địch lập tòa án, xử công khai ở trung tâm thành phố. Giữa tòa án binh, mặc cho người nữ luật sư cố bệnh vực, Thanh vẫn bình tĩnh nhận tội tiêu diệt tên ác ôn đã gây tội ác cho đồng bào mình. Chúng tuyên án cô 20 năm. Thanh không nao núng: “20 năm hay 30 năm đi nữa cũng thế. Tôi còn trẻ, ra tù vẫn còn tiếp tục hoạt động cách mạng được. Mà tôi tin bản án này nhường cho các ông thôi, tôi chỉ ở vài năm là cùng”. Bà con phía dưới vỗ tay rầm rầm, còn địch cay cú: “Cho mày nằm Chuồng Cọp rục xương”. Sau đó, bà bị địch đày ra Côn Đảo. Cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà được ra tù đúng như dự đoán trước tòa.

Trong căn nhà của mình, bên những đồng đội thân thương, Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ, người chị cả của nữ điệp báo An ninh Quảng Đà, xúc động bày tỏ: “Cách mạng miền Nam, việc ai nấy biết. Bây giờ các em kể, mới biết hết tường tận, càng thêm tự hào một thời oanh liệt, cùng cả nước chiến đấu, đấu tranh giải phóng quê hương”.

Ông Vũ Xuân Bảo từng là cán bộ Văn phòng An ninh Đặc khu Quảng Đà cho biết: “Từ cuối năm 1968, chế độ Sài Gòn thiết lập kế hoạch Phượng Hoàng nhằm tiêu diệt tận gốc cơ sở hạ tầng Việt Cộng. Chúng xây dựng và phát triển lực lượng cảnh sát ngụy hùng hậu với hàng trăm tổ chức tình báo gián điệp trá hình. Các nữ điệp báo chính là cánh tay đắc lực của An ninh Đặc khu Quảng Đà, góp phần phá tan kế hoạch này của chúng…”.

Hồng Vân