Những “chiến sĩ” trên ngư trường

Thứ hai, 30/06/2014 11:31

(Cadn.com.vn) - Cảng cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi) ngày thuyền về. Không sôi động. Không tiếng thương lái í ới những mẻ cá, cân mực. Những sọt cá leo teo vài chục ký, những bao mực khô buột lưng miệng... Thay vào đó ai cũng niềm vui và hãnh diện. Vui vì chuyến vươn khơi trở về an toàn. Hãnh diện vì thành quả những ngày cùng lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam bám trụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo.

Tàu vừa cập bến, các thuyền viên được chào đón như những “chiến sĩ” từ “chiến trường” trở về. Tay bắt mặt mừng, hỏi thăm sức khỏe, về “tình hình ngoài đó”. Ông Nguyễn Dũng, ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), chủ tàu QNg 92760 TS kể lại: Khi đến hải phận Hoàng Sa, tàu dừng lại chuẩn bị thả câu, lập tức có 3 chiếc tàu của Trung Quốc đến chèn ép, ông cùng các thuyền viên phải nhổ neo, thu câu, kéo lưới để đối phó. Mỗi lần neo đậu thì tàu Trung Quốc đến đâm, va hoặc bao vây quấy rối.

Hơn hai tuần lễ không câu được con cá, con mực nào. Ngay cả đêm đến, neo tàu nghỉ ngơi cũng phải phân công người canh gác, hễ thấy bóng tàu đến gần thì lập tức báo hiệu, nhổ neo tránh bị đâm, va. Tuy vậy, tàu của ông vẫn bị một tàu Trung Quốc đâm vào mạn phải làm hỏng dè hông, bể ca-bin, vỡ gương cửa. Gần 30 năm bám biển, có lẽ quen đối mặt với những cơn bão biển, những cơn sóng lớn tưởng chừng đánh úp tàu, nên cái tính gan lì thể hiện rõ trên khuôn mặt người ngư dân lão luyện này. 28 ngày lênh đênh trên biển, mỗi khi giáp mặt với tàu Trung Quốc, ông không hề nao núng mà sẵn sàng “chơi trò ú tim” cùng chúng.

Cũng như ông Dũng, tàu ngư dân Võ Phước, số hiệu NQg 91512 TS đã bị tàu Trung Quốc đâm làm gãy sân li sau và bể 8 bóng siêu (loại bóng đèn 500W - PV). Nhưng anh vẫn cương quyết: “Sau khi sửa tàu, chúng tôi tiếp tục ra khơi. Cái chính là chúng tôi cùng đội tàu các tỉnh bạn giữ ngư trường”. Ngư dân trẻ Trần Hiền (35 tuổi, ở xã An Vĩnh, H. Lý Sơn) thuyền trưởng tàu cá QNg 66074 TS, 4 chuyến đi biển đều 4 lần bị tàu Trung Quốc rượt đuổi. Dù thua lỗ, nhưng anh vẫn quyết tâm bám biển đến cùng.

Các doanh nghiệp tặng quà tài trợ cho ngư dân.

Từ Trường Sa về hôm 25-6, 20 tàu cá của thành phố Quảng Ngãi, H. Bình Sơn, H. Đức Phổ và Lý Sơn đều an toàn. Tuy nhiên, lượng hải sản đánh bắt được chẳng đáng là bao. Có tàu lỗ gần trăm triệu đồng. Ngư dân Nguyễn Chí Linh, chủ tàu QNg 91919 TS, ở Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) một trong những tàu bị thiệt hại, không ngần ngại: “Đây là ngư trường truyền thống từ bao đời của chúng tôi. Tuy bị tàu Trung Quốc đâm, va, cản trở, nhưng chúng tôi không hề chùn bước mà vẫn sẵn sàng tiến lên. Nếu mình không đấu tranh, phản đối thì Trung Quốc sẽ lấn tới. Chúng tôi kiên quyết bám ngư trường truyền thống, giữ nghề ông cha để lại, giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Những người ở “tiền phương” là vậy. Còn “hậu phương” như bà Phạm Thị Ơi, thôn Định Tấn, xã Bình Châu (H. Bình Sơn), có chồng cùng hai con trai hành nghề trên biển. Những ngày biết tin về tình hình biển Đông phức tạp, nơi gia đình đang bà hành nghề, 28 ngày qua là những ngày lo âu, thấp thỏm. Phương tiện liên lạc không có, chỉ nghe thông tin từ tivi và radio. Có lúc bà giấu những giọt nước mắt. “Lỡ chồng, con ... có mệnh hệ gì”.

Ấy vậy mà hôm đón chồng, con tại cảng, bà vẫn rắn rỏi: “Ngày thường thì không nói chi, chứ mấy ngày này Trung Quốc cứ liên tục gây hấn ai mà không lo, tôi cũng sợ lắm chứ. Nhưng tôi vẫn động viên chồng, con tiếp tục đi biển. Vì nghề chính của gia đình là đi biển mà. Nếu sợ thì ai ở ngoài đó”. Đến nỗi chồng bà là Nguyễn Hoan và 2 con trai Nguyễn Văn Đại, Nguyễn Đệ cùng “tròn khẩu” khâm phục. Tâm trạng của bà Ơi cũng là tâm trạng chung những người thân của 200 thuyền viên Quảng Ngãi vươn khơi bám biển đợt này.

Trong yên bình, ngư dân là những “cột mốc sống”, là “tín hiệu” đầu tiên, nhanh nhất về đất liền khi phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm. Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại khu đặc quyền kinh tế nước ta, họ là những “chiến sĩ” kiên cường bám biển, phải đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ ngư trường. Những “người lính ngư” đã đóng góp công sức không nhỏ vào bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phạm Quang Hùng