Những chính sách đặc thù sẽ tác động rất lớn tới sự phát triển Đà Nẵng

Thứ hai, 04/03/2024 07:19
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý liên quan tới một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Trong đó Đà Nẵng đề xuất nhiều chính sách đặc thù mới phù hợp với thực tiễn địa phương. Dưới đây là một số chính sách đặc thù nổi bật, có tác động rất lớn với sự phát triển thành phố (TP).
Đà Nẵng muốn có cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao, tự động hóa.
Đà Nẵng có lợi thế đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn (Sinh viên Đại học công nghệ thông tin Việt Hàn thực hành trên máy tính).

Thành lập Sở An toàn thực phẩm nhằm phát huy tối đa các hiệu quả mà mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã đạt được và khắc phục những hạn chế về mặt pháp lý của mô hình Ban Quản lý (do là một mô hình thí điểm nên chưa được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật vì vậy trong quá trình hoạt động đã gặp một số vướng mắc về pháp lý: thẩm quyền thanh tra, ra quyết định xử phạt). Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm sẽ giúp UBND TP triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm, tham gia giám sát, truy xuất nguồn gốc tại các chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ ngày càng được nâng cao, tăng chất lượng hàng hóa trên địa bàn.

Thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Chính sách này sẽ tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, thực hiện đồng thời với các bước khác, đẩy nhanh thời gian hoàn thiện dự án, giảm chi phí giải phóng mặt bằng và hạn chế việc phải điều chỉnh dự án. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện sớm, tạo thêm quỹ thời gian cho công tác xây lắp, giảm áp lực về thời gian bố trí vốn thực hiện dự án cho địa phương, gián tiếp cải thiện chất lượng công trình, dự án. Tiến độ dự án được rút ngắn, dự án sớm đi vào hoạt động, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.

Thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP Đà Nẵng. Mục tiêu của chính sách này nhằm tận dụng ngay các lợi thế hiện tại của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đối với khu vực và thế giới nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư của các thị trường tài chính truyền thống, vừa triển khai vừa nghiên cứu để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế, tạo ra động lực mới cho quá trình chuyển dịch nhanh cơ cấu dịch vụ giá trị gia tăng cao của Đà Nẵng theo mục tiêu quy hoạch. Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Đà Nẵng hoạt động theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại, là một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh cao, các nhà đầu tư đều được xem là doanh nghiệp nước ngoài. Hội đồng nhân dân thành phố quyết định việc cho phép Đà Nẵng là địa bàn được thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Mô hình trung tâm tài chính hải ngoại nhằm thiết lập một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh, có tính gắn kết yếu với các thị trường tài chính trong nước còn đang trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn.

Đà Nẵng muốn có cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao, tự động hóa.

Ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Đà Nẵng. Đây là cơ chế vượt trội trong việc lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực mà thành phố có ưu thế, phù hợp với xu hướng thời đại, có tác động lớn, lan tỏa đến kinh tế của TP, vùng miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Trong đó, danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược gồm: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, vi mạch, điện tử linh hoạt (PE), pin công nghệ mới… quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên. Đầu tư xây dựng và kinh doanh Khu thương mại tự do quy mô vốn trên 6.000 tỷ. Đầu tư xây dựng và kinh doanh Phân khu sản xuất - logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu và Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng - quy mô vốn trên 6.000 tỷ. Đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng biển Liên Chiểu theo quy hoạch vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Chính sách này được thực hiện sẽ giúp nền kinh tế Đà Nẵng có sự đa dạng và thay đổi về chất; thu hút nguồn lực đầu tư khổng lồ để đầu tư về cơ sở hạ tầng cứng và mềm, tạo ra một diện mạo mới. Ngoài ra, chính sách này thực hiện sẽ giúp hình thành được các trụ cột kinh tế mới (Cảng biển gắn với logistics, Khu thương mại tự do); hình thành một vùng động lực thu hút đầu tư, tri thức và kinh nghiệm quản lý tiên tiến trong và ngoài nước; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trở thành thành phố biển quốc tế đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh bền vững; góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho Đà Nẵng, lan tỏa ra các vùng, miền trong cả nước.

Thí điểm các chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Trong đó HĐND TP Đà Nẵng quyết định cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thông qua các chương trình hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo với mức hỗ trợ phù hợp và tuyển dụng, thu hút chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong cơ quan, đơn vị Nhà nước thuộc TP Đà Nẵng về lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

HĐND TP được xem xét, quyết định việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thông tin đối với Khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng phục vụ thu hút, phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo từ nguồn ngân sách thành phố Đà Nẵng. Được sử dụng tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để thu hút nhà đầu tư về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Được phép phê duyệt phương án khai thác, vận hành tài sản công đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác cho nghiên cứu, đào tạo vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để kinh doanh, cho thuê và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân. Chính sách này được triển khai sẽ tạo động lực để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đến đầu tư, kinh doanh tại thành phố; tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, qua đó góp phần định hình và thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau.

HẢI QUỲNH