Những chuyến đi đong đầy cảm xúc

Thứ sáu, 08/04/2016 09:27

(Cadn.com.vn) - Trại sáng tác văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang năm 2016 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp Cục Chính trị Quân khu 5 tổ chức tại Đà Nẵng đã có những chuyến đi đầy ý nghĩa để nạp nguồn cảm xúc và được tiếp thêm sức mạnh từ cội nguồn.

Hơn 20 gương mặt là các nhà thơ, nhà văn, các cộng tác viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ khắp miền đất nước đã có những ngày đáng nhớ tại thành phố sông Hàn. Đó là Ngân Vịnh, Nguyễn Minh Khiêm, Vi Thùy Linh, Phạm Trường Thi, Hồ Minh Tâm, Trần Tuấn, Nguyễn Ngọc Hạnh, Viễn Hải, Nguyễn Minh Đức, Lê Thanh My, Trần Trí Thông, Phạm Trọng Thanh, Lương Kim Phương, Dương Giao Linh, Văn Thành Lê... và các cây bút của Quân khu 5: Lê Thị Hồng Vân, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Hồng Phong. Bên những lão nhà thơ tuổi đã 75 là những cô gái yêu thơ mới ngoài hai mươi. Có người là tổng biên tập tạp chí văn học của tỉnh dày dạn kinh nghiệm bút pháp nhưng có người mới "mon men" vào lãnh địa văn học. Không ít cây bút đã quen trận mạc, cũng có thành viên chưa biết nhiều môi trường quân ngũ. Nghe tin có chương trình giao lưu đến các đơn vị quân đội, ai nấy đều vô cùng háo hức. Các thành viên của Ban tổ chức là nhà thơ Phùng Văn Khai, Đoàn Văn Mật, nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng đã bám sát đoàn, phối hợp chặt chẽ với Phòng Tuyên huấn Quân khu 5 và các đơn vị của Quân khu để được tạo điều kiện tốt nhất.

Các thành viên trại viết giao lưu với chiến sĩ Trung đoàn 971 tại thao trường.

Điểm đến đầu tiên từ cuối tháng 3 là Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng thành phố Đà Nẵng. Chuyến đi thăm biển đảo của thành phố bằng tàu cao tốc  trong ngày gió mùa đông bắc làm các nhà thơ chưa hết say cảnh và say sóng lại tiếp tục say... tình khi tối đó được sự đón tiếp nồng hậu của Bộ Chỉ huy. Đồng chí Chỉ huy trưởng, Chính ủy đã trực tiếp gặp gỡ và dành cho đoàn tình cảm trìu mến, gần gũi. Đêm giao lưu thơ, nhạc "Tổ quốc và người chiến sĩ biên phòng" dạt dào tình cảm sâu lắng khi những bài thơ, bản nhạc hay về đất nước, quê hương được cất lên từ những tâm hồn đồng điệu. Đặc biệt khi nhà thơ Ngân Vịnh, tác giả phần lời của bài hát nổi tiếng "Đà Nẵng tình người" giới thiệu về mình, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay không ngớt.

Ở Trung đoàn 971, Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng, các nhà văn, nhà thơ đã xâm nhập cuộc sống chiến sĩ mới Tiểu đoàn 1 không chỉ là tham quan nơi ăn ở của lính mà còn đọc thơ, hát và tặng sách giữa thao trường. Hai nhà thơ cao niên Phạm Trường Thi, Nguyễn Minh Khiêm càng nhớ về một thời làm anh bộ đội của mình. "Chiếc võng", "Chiếc ba lô", các bài thơ như rút ruột viết ra thêm khắc sâu hình ảnh "Tổ quốc và người chiến sĩ" như chủ đề đêm giao lưu. Đặc biệt các giọng ca trẻ tài hoa không thua kém chuyên nghiệp đến từ Trung đoàn 971 đã làm cho văn nghệ sĩ không khỏi ngạc nhiên. Đời sống tinh thần phong phú của những chàng trai mười tám, đôi mươi thành phố Đà Nẵng đã tiếp lửa cho các văn nghệ sĩ thêm vững tin về ngày mai tươi sáng của đất nước.

Chuyến đi xa về miền đất Quảng Ngãi với nhiều di tích lịch sử: Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bảo tàng Sơn Mỹ, Đền thờ nhà yêu nước Trương Định, khu mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Ấn, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm... khiến mỗi nơi đoàn đến lại đong đầy bao hoài niệm về thế hệ cha anh vĩ đại. Nhà thơ Phạm Trọng Thanh, một trái tim với mạch sống da diết quyện trong niềm thành kính thiêng liêng làm mọi người thêm xúc động khi làm chủ lễ trong các buổi thắp hương. Các thành viên hứa với các bậc tiền nhân sẽ sống tốt và có nhiều tác phẩm có ích góp phần làm đẹp hơn môi trường văn học hiện đại, bồi dưỡng lớp trẻ hướng về tình yêu Tổ quốc. Đêm gặp gỡ giữa đoàn với CB, CS Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi càng ý nghĩa khi có cả Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và những người yêu thơ quê hương Núi Ấn, Sông Trà. Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Chính trị viên phó Ban CHQS H. Lý Sơn có mặt trong đêm giao lưu nói: "May mắn được có mặt đêm nay tôi càng thấy thêm trách nhiệm cùng CB, CS giữ gìn biển đảo. Cảm ơn các nhà thơ đã nói giúp tấm lòng chúng tôi với quê hương".

Các thành viên trại viết nghe giới thiệu về truyền thống Sư đoàn 2.

Rời Quảng Ngãi địa linh nhân kiệt, đoàn vượt đèo An Khê đến với Sư đoàn 2 anh hùng đứng chân trên đất Gia Lai. Đã từng nghe danh Sư đoàn Thép, vậy mà khi vào thăm nhà truyền thống và nhà tưởng niệm Sư đoàn, ai nấy như thấy tim mình thắt lại. 47.000 liệt sĩ của Sư đoàn trong các cuộc kháng chiến cứu nước và làm nghĩa vụ quốc tế làm mọi người nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong "Trường ca Sư đoàn": "Nếu tất cả trở về đông đủ. Sư đoàn tôi thành mấy sư đoàn...". Viễn Hải, 22 tuổi, sinh viên Đại học Mỹ thuật và Công nghiệp, người có hàng trăm bài thơ về biển đảo, thành viên trẻ nhất trong đoàn đã không ngần ngại làm quen với các chiến sĩ trẻ, bộc lộ sự ngưỡng mộ của mình trước bề dày truyền thống của Sư đoàn 2 lần anh hùng. Đó cũng là cảm xúc chân thật của nhà thơ Đoàn Văn Mật khi anh đọc trước 2.000 CB, CS đêm giao lưu ở Trung đoàn 38: "Chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ" bài thơ mới sáng tác về Sư đoàn sau chuyến đến thăm nhà tưởng niệm.

Quân khu 5 là cái nôi trưởng thành của các văn nghệ sĩ, trong đó có đội ngũ nhà văn quân đội. Suốt gần 60 năm qua,  Văn nghệ Quân đội luôn coi việc phát hiện những tài năng văn học nhất là qua các trại viết liên tục được tổ chức như một "nhiệm vụ sống còn", như một cách để làm nên văn hiệu -thương hiệu Văn nghệ Quân đội. Ý thức sâu sắc điều đó, hàng chục năm qua, việc tổ chức các cuộc thi, mở các trại sáng tác được tiến hành một cách đều đặn. Nhiều tên tuổi của văn học hôm nay xuất hiện lần đầu chính là từ các cuộc thi và các trại viết của Văn nghệ quân đội. Viết về chiến tranh cách mạng, người chiến sĩ, nhân dân và Tổ quốc luôn là nguồn cảm hứng lớn, vinh dự và trách nhiệm của người cầm bút. Điều này đã được khẳng định qua những chuyến đi bổ ích về các đơn vị Quân khu 5 cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức.

Hồng Vân