Những cô gái lạc cõi mê

Thứ sáu, 11/07/2014 11:45

(Cadn.com.vn) - Có một xuất phát điểm tốt hơn những cô gái khác liên quan đến tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy tại trại tạm giam CATP Pleiku (Gia Lai), Lê Ngọc Trâm (1993, trú xã Ia Ly, H. Chư Păh, Gia Lai) là con nhà gia giáo, được chu cấp ăn học đầy đủ. Mẹ của Trâm là hiệu trưởng của một trường mầm non tại huyện, thế nên từ nhỏ Trâm đã được rèn luyện và liên tiếp đạt học sinh khá, giỏi.

Năm 2011, Trâm tốt nghiệp THPT và thi đậu vào một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, thế nhưng cô gái trẻ ngang bướng bỏ ngoài tai những lời khuyên của bố, mẹ để từ bỏ tờ giấy gọi nhập học mà tiếp tục ôn thi vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng với ước mơ trở thành nữ doanh nhân. Thế nhưng, vì bị cuốn vào vòng đam mê tình – tiền tội lỗi, Trâm đã đánh mất chính mình. Thế nên, khi bị Đội CSĐT TPVMT CATP Pleiku bắt giữ vì đang mang theo 9 tép ma túy (heroin) đi bán cho con nghiện, không ai nghĩ cô gái trẻ với gương mặt khá trí thức kia lại là kẻ gieo rắc cái chết trắng.

Một thân, một mình ra TP Pleiku vừa kiếm việc làm, vừa tranh thủ học thêm để nuôi ước mơ... thế nhưng, Trâm lại lao vào cuộc phiêu lưu tình ái với một thanh niên thành phố, người này lại là một kẻ bán ma túy. Những buổi chơi thâu đêm, Trâm cũng dần “bập” vào thứ hàng trắng chết người đó dù bạn bè can ngăn, gia đình cấm đoán. Thế rồi, người yêu bị bắt, để có tiền ăn chơi và sử dụng ma túy, Trâm lại “bắt mối” với những bạn cũ của người yêu để mua ma túy về bán kiếm lời. Thế rồi, chuyện gì đến cũng đến, khi chưa kịp trở thành nữ doanh nhân thì Trâm bị bắt giữ khi đang đi “giao hàng”, khám xét nơi phòng trọ của Trâm, CQCSĐT còn thu giữ thêm 1 tép ma túy cùng một số giấy tờ để phân lẻ ma túy đem bán.

Nguyễn Thị Vy, Lê Ngọc Trâm và Nguyễn Thị Diễm My

Không được có cuộc sống khá như Trâm, Nguyễn Thị Vy (1995, trú tại P. Hoa Lư, TP Pleiku) nghỉ học từ lớp 11 để đi làm nghề tóc mà như Vy nói thì “học không vô nữa nên kiếm việc làm phụ bố, mẹ”. Cuộc sống của cô gái chưa tròn 20 tuổi đã dần sa ngã sau những lời rủ rê, đua đòi cùng chúng bạn và Vy tập tành sử dụng ma túy đá. Rồi lúc nào không hay, Vy càng lún sâu vào con đường này hơn với những lần “đập đá” thâu đêm. Để có tiền mua ma túy về sử dụng cũng như kiếm tiền quá dễ khi thấy ma túy đá đem lại lợi nhuận lớn. Không cưỡng nổi sức hút của đồng tiền, Vy mua ma túy đá về phân thành từng gói nhỏ đem bán cho các đối tượng khác nhằm kiếm lời. Khi bị Đội CSĐTTPVMT CATP Pleiku bắt giữ, trong túi xách của Vy vẫn còn 14 gói ma túy đá.

Hoàn cảnh hơn là cô gái Nguyễn Thị Diễm My (1986, HKTT tổ 12, P. Hội Thương, Gia Lai). My bị bắt khi đang mang theo trong người 18 gói ma túy đá, 2 ống thủy tinh phục vụ việc sử dụng ma túy đi bán cho các đối tượng sử dụng. Khác so với hình ảnh cô gái gầy gò, gương mặt nhìn vào đủ biết là đối tượng sử dụng ma túy, thời gian ở trong trại tạm giam My như thay đổi hoàn toàn. “Em vào đây ăn, ngủ đều đặn, không còn những buổi sử dụng ma túy thâu đêm nữa nên giờ nhìn ra người hơn chút”, My cười.

Thế nhưng, nhắc đến 2 đứa con đang ở với ông bà nội, nước mắt chảy dài trên má người mẹ trẻ. Bố mất sớm, mẹ tái giá, cưới chồng được thời gian thì ly thân chồng, một mình My nuôi 2 đứa con nhỏ nhưng bất chấp cả tương lai những đứa trẻ, My sa vào những buổi “đập đá” thâu đêm. Cũng như Vy và Trâm, My cũng dần bước vào con đường mua bán ma túy vừa để sử dụng vừa bị hoa mắt vì đồng tiền.

My tâm sự: “Em buồn vì gia đình nên dại dột sử dụng ma túy, rồi hết tiền lo cho con, lo cho những cơn “thèm thuốc”, em lấy ma túy đem bán để kiếm lời. Giờ nghĩ lại thấy sao mình ngu ngốc thế. Vào đây, nhiều đêm nghĩ lại tương lai của 2 đứa con trai em, em chỉ biết khóc. Đứa con trai đầu được ông bà nội bế vào thăm nó hát cho em nghe rồi nhìn em khóc: “Ông, bà nội nói dối con! Mẹ con bị bắt đi tù chứ mẹ có phải đi làm đâu!”.

  Đưa ống tay áo gạt vội những giọt nước mắt lăn trên gương mặt, My quyết tâm: “Giờ có nuối tiếc thì cũng muộn rồi, chỉ còn lại nỗi ân hận dày vò em thôi! Nhưng còn con em, em muốn làm lại cuộc đời để sau này nó không phải khổ, phải vấp ngã như em bây giờ”.

Cùng tâm sự đó, Vy và Trâm cũng thấm thía cái giá của mình sẽ phải trả, “Giờ ân hận lắm! Ở trong này, nhiều đêm thức trắng nghĩ lại em mới thấy xấu hổ, thấy bất hiếu với bố, mẹ nhiều lắm. Sau khi chấp hành án phạt xong, em tự mình kiếm việc làm và sẽ tiếp tục nuôi con đường lấy bằng đại học kinh tế của mình. Dù có khăn đến đâu em cũng không phạm vào lỗi lầm tương tự nữa”, Trâm tâm sự.

Minh Tân