Những con số ấn tượng về viện trợ quân sự phương Tây cho Ukraine

Thứ năm, 02/02/2023 14:22
Mỹ và các đồng minh liên tục viện trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây gần một năm. Những con số về viện trợ của phương Tây dành cho Kiev là rất ấn tượng.
Cộng hòa Czech gửi xe tăng T-72 và xe chiến đấu bộ binh BMP-1 cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, tháng 4-2022.
Cộng hòa Czech gửi xe tăng T-72 và xe chiến đấu bộ binh BMP-1 cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, tháng 4-2022.

500 chuyến tàu chở vũ khí, đạn dược từ phương Tây

Trong năm 2022, Ukraine đã nhận 500 chuyến tàu chở vũ khí và đạn dược do các nước phương Tây gửi tới. Hoạt động vận chuyển những hàng hóa này được đảm bảo bởi quân đội Mỹ. Đây là thông tin được Đại tá Quân đội Mỹ Todd Ellison cung cấp tại diễn đàn Railway Direction Days 2022 - theo cổng thông tin Rynek Kolejowy của Ba Lan.

Khoảng 500 chuyến tàu vận chuyển khí tài quân sự được cho là con số quá lớn đối với cơ sở hạ tầng vẫn còn những "nút cổ chai" trong hệ thống hậu cần quân sự của các nước thành viên NATO. Mật độ đường sắt của các nước Đông Âu còn tương đối thưa thớt để đáp ứng mọi nhu cầu của NATO, đặc biệt khi vận chuyển các lô hàng quân sự cho Ukraine. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm khi xét đến kịch bản phải chuyển quân nhanh chóng trong trường hợp Nga tấn công qua Hành lang Suwaki, dải đất chạy dài khoảng 100km dọc biên giới Ba Lan - Lithuania.

Hơn 3 lần ngân sách quốc phòng của Ukraine

Trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã kéo dài hơn 11 tháng, số tiền viện trợ của phương Tây dành cho Kiev đã chạm tới con số chưa từng có, gấp 3 lần ngân sách quốc phòng của Ukraine trong năm 2022.

Theo ước tính của hãng tin TASS, kể từ khi xung đột bùng phát, Ukraine đã nhận được hơn 48,5 tỷ USD viện trợ quân sự từ phương Tây. Khoản tiền này gần bằng 95% tổng ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2022 là 51,1 tỷ USD.

Dựa trên các tuyên bố chính thức của các quốc gia viện trợ và ước tính của các phương tiện truyền thông, báo cáo cho biết tổng số tiền viện trợ mà Ukraine đã nhận được từ các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự cuối tháng 2-2022 được cho là hơn 150,8 tỷ USD. Con số này gấp gần 3 lần so với ngân sách của Ukraine trong năm 2022 là 55,5 tỷ USD.

Mỹ dẫn đầu

Mỹ là bên ủng hộ lớn nhất của Ukraine và phê duyệt khoản viện trợ hơn 100 tỷ USD cho nước này. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine từ khi chiến sự bùng phát tới nay là hơn 24,9 tỷ USD, trong đó có nhiều loại khí tài như thiết giáp, tên lửa phòng không, pháo phản lực và tên lửa chống tăng.

Gần đây nhất, hôm 31-1, hai quan chức giấu tên tiết lộ Mỹ đã sẵn sàng cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá hơn 2 tỷ USD cho Ukraine, dự kiến lần đầu tiên sẽ bao gồm tên lửa tầm xa cùng các loại vũ khí và đạn dược khác. Gói viện trợ được kỳ vọng bao gồm các rocket tầm xa và các khí tài khác trong đó có thiết bị bổ trợ cho hệ thống phòng không Patriot, pháo dẫn đường chính xác, tên lửa chống tăng Javelin. Theo một quan chức, ngân sách viện trợ sẽ trích từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Điều này cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden viện trợ vũ khí từ các nhà thầu sản xuất thay vì từ kho dự trữ của quân đội.

Các quỹ của USAI sẽ được dùng để mua một loại vũ khí mới có tên gọi bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), có tầm bắn 150km. Đến nay, Mỹ vẫn từ chối yêu cầu cung cấp tên lửa ATACMS có tầm bắn 297km cho Ukraine. GLSDB cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng ở tầm xa hơn, và giúp họ phản công bằng cách nhắm vào những mục tiêu của Nga phía sau chiến tuyến. Ngoài nguồn ngân sách từ USAI, hơn 400 triệu USD viện trợ sẽ sử dụng Quyền rút vốn của tổng thống (PDA), cho phép rút vũ khí từ kho dự trữ khẩn cấp. Những vũ khí này có thể bao gồm xe chống phục kích, chống mìn, hệ thống rocket phóng loạt.

Các nguồn tin cho biết, gói viện trợ vũ khí nói trên có thể sẽ được công bố ngay trong tuần này.

AN BÌNH