Những dấu ấn mang tầm quốc tế của y tế Việt Nam 2020
Việt Nam thành công trong phòng chống dịch Covid-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng đó chưa phải là tất cả cho một dấu ấn y tế nổi bật của Việt Nam trong năm qua. 2020 còn là một năm đáng nhớ của ngành y tế Việt Nam với nhiều thành tựu ấn tượng.
Ngành Y tế tăng cường lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và nhanh chóng truy vết các ca liên quan bệnh nhân Covid-19. |
Thành công trong phòng chống dịch Covid-19
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch Covid-19, huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia phòng chống Covid-19 với chi phí thấp nhất. Với chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị”, Việt Nam đã thực hiện được cách ly cho hơn 730.000 người; thực hiện xét nghiệm cho 1,7 triệu người; triển khai 1.608 điểm chốt biên giới với gần 10.000 người bám biên từ Tết Canh Tý đến nay. Bộ Y tế lần đầu tiên huy động lực lượng cán bộ y tế gần 300 người vào “mặt trận” Đà Nẵng kiểm soát dịch trong 1 tháng. Công tác truyền thông được đổi mới, đảm bảo mọi người dân đều được truyền thông phòng, chống dịch. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập được virus Corona chủng mới. Chỉ trong một thời gian ngắn Việt Nam đã chủ động sản xuất được máy thở, sinh phẩm chẩn đoán và bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19.
Gần 100 y, bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật tách rời cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi. |
Mổ tách cặp song sinh dính liền phức tạp
Năm nay, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng công nhận kỷ lục “Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu cho cặp song sinh” cho Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM). Trúc Nhi - Diệu Nhi chào đời vào tháng 6-2019. Cặp sơ sinh dính liền vùng bụng chậu, tứ chi đầy đủ, 2 cơ quan sinh dục, một hậu môn... Sau một năm, ca mổ tách rời 2 bé được thực hiện với hơn 100 y bác sĩ chuyên môn và kinh nghiệm nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Xuyên Á, Đại học Y dược TP.HCM, Trung tâm Medic… Sau 13 giờ, cặp song sinh dính liền được tách hoàn toàn. Trải qua 84 ngày hậu phẫu, song Nhi hồi phục sức khỏe, chức năng các cơ quan dần ổn định. Các chuyên gia nhận định ca mổ tách Trúc Nhi, Diệu Nhi hiếm và rất phức tạp. Ca dính bụng chậu như thế này chỉ chiếm khoảng 6%. Ca mổ tách cặp song sinh dính liền được xem là dấu mốc quan trọng với ngành y tế Việt Nam trong năm 2020.
Một trong 2 bệnh nhân được ghép ruột đầu tiên của Việt Nam. |
Hai ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 27 và 28-10, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 thực hiện thành công 2 ca ghép ruột từ người cho sống. Bệnh nhân L.V.T. (26 tuổi) được ghép ruột từ mẹ đẻ. Bệnh nhân N.V.D. (42 tuổi) được anh trai hiến ruột. Ở 2 bệnh nhân này, ruột đã mất hoàn toàn chức năng tiêu hóa và phải nuôi sống bằng cách truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch. Nếu không được ghép ruột, các bệnh nhân sẽ đối mặt nguy cơ cao bị biến chứng liên quan nuôi dưỡng tĩnh mạch và có thể tử vong bất cứ lúc nào. Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y 103, cho biết ghép ruột khó hơn so với các tạng khác. Chính vì vậy, đây là tạng thứ 6 đến nay mới được ghép thành công. Bệnh viện Quân y 103 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ghép ruột thành công, tương tự 5 tạng trước đó (thận, tim, gan, tụy, phổi). Việt Nam trở thành quốc gia thứ 20 ghép ruột thành công.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép chi thành công cho bệnh nhân. |
Ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống
Ngày 21-1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép chi thể lấy từ người cho sống để ghép bàn tay mới cho bệnh nhân Phạm Văn Vương (31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội). Trường hợp hiến tay là bệnh nhân 51 tuổi bị chấn thương phức tạp ngày 3-1 do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách. Sau 3 tuần các bác sĩ nỗ lực điều trị nhưng không điều trị được, bệnh nhân và người nhà đã đồng ý hiến 1/3 cánh tay dưới để ghép cho người khác. Hơn một tháng sau ca ghép chi thể, bệnh nhân đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số đồ vật thô. Trên thế giới, từ năm 1998 đến nay, chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể trên thế giới được thông báo trong y văn quốc tế. Các trường hợp được ghép đều lấy nguồn từ người cho chết não. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.
Hình ảnh của bệnh nhân H. (được tặng hoa) sau 3 ngày mổ. |
Lần đầu lắp xương kim loại cho bệnh nhân ung thư
L.T.H., 24 tuổi, quê tại Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hóa. Vài tháng trước nhập viện, chân phải của cô thỉnh thoảng bị đau dọc theo thân xương đùi, đau tăng lên vào buổi tối hay khi vận động nặng. Sau khi H. chụp X-quang xương đùi, bác sĩ phát hiện có hình ảnh bất thường ở đầu dưới xương đùi. Cô được chuyển đến Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội). Tại đây, sau khi thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán cô mắc ung thư xương. Sau nhiều lần truyền hóa chất và cắt bỏ đoạn đầu dưới xương đùi phải, H. được chỉ định phẫu thuật tháo bỏ toàn bộ xương đùi, thay thế bằng xương đùi nhân tạo. Ngày 2-3, ê-kíp Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Xanh Pôn đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi bên phải cho bệnh nhân H. Ca phẫu thuật đã được thực hiện trong vòng 3 tiếng. Ca cắt bỏ tổn thương ung thư và thay toàn bộ xương đùi kim loại là phẫu thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, mở ra hy vọng bảo tồn chi thể cho các bệnh nhân bị ung thư xương nói chung, ung thư xương đùi nói riêng. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho sự tiến bộ cho nền y học Việt Nam tiệm cận với các nước trên thế giới.