Những đứa trẻ mưu sinh trên đỉnh Langbiang
Cách Đà Lạt khoảng 15 km, đỉnh Langbiang (thuộc H.Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đầy gió, mây và thỉnh thoảng ào ạt những cơn mưa lạnh. Ngọn núi mang huyền thoại về tình yêu son sắt thủy chung của chàng trai Klang, người tộc Lạch có sức mạnh phi thường và nàng H'biang, người tộc Sre vô cùng xinh đẹp..., mỗi ngày đều in dấu chân những đứa trẻ oằn lưng cõng gánh hàng mưu sinh.
Chiều Langbiang mưa tầm tã, những đứa trẻ bán hàng rong ngồi núp mưa chờ trời tạnh để tiếp tục đi bán hàng. |
Nhìn vẻ mặt hồn nhiên của mấy cô bé cậu bé ở vùng cao mà chạnh lòng bởi ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới mà các em đã phải lo tới chuyện cơm, áo, gạo, tiền phụ giúp gia đình. Cil-mup Thom, người đồng bào Cil, mới 9 tuổi đã gia nhập đội ngũ bán rong hàng lưu niệm cho khách du lịch, tay xách nách mang nào là túi xách, ví, các mặt hàng thổ cẩm nhanh nhảu chào mời du khách ở khu vực nhà chờ dưới chân núi Langbiang. “Chú mua giùm cháu/cô mua cho cháu đi! Cả ngày nay cháu chưa bán được gì...”, tiếng cậu bé nỉ non khi thấy mấy người khách du lịch bước qua... Những đứa trẻ bán hàng rong ở đây, đứa nào cũng nhỏ thó, loắt choắt, quần áo, khuôn mặt nhem nhuốc. Chúng buôn bán như đi chơi, lang thang khắp nơi, đi khắp đỉnh núi Langbiang, ở đâu có du khách là có chúng đến. Những chiều tháng 11, Đà Lạt thường xuất hiện những cơn mưa nặng hạt, chiếc áo mỏng không đủ để chắn gió, mưa ướt lạnh, mặt và môi tím tái nhưng dường như đã quen với cái lạnh khắc nghiệt nơi đây, mặc kệ mưa gió, lạnh lẽo bọn trẻ xúm tụm lại chơi đuổi bắt, trốn tìm ở trong khu vực nhà chờ của khu du lịch.
Những cô bé, cậu bé người đồng bào Cil, Kho, Lạch đã phải lam lũ đi bán hàng rong, nhọc nhằn để kiếm sống trên vùng đất cao nguyên quanh năm sương mù nhưng dù cuộc sống có khó khăn đến mấy thì các em vẫn luôn hồn nhiên, tươi cười. Hỏi mua một chiếc túi thổ cẩm, tôi bắt chuyện với một cậu bé tên Phúc. “Em không sợ lạnh à?”, tôi hỏi. “Không sợ lạnh, chỉ sợ đói thôi”. Trò chuyện với tôi với thái độ dè dặt, Phúc kể hằng ngày em phải đi bộ tầm 7 cây số, từ làng mình ở đến Langbiang để bán hàng. Ngày nhỏ Phúc bị ngã va đầu vào đá để lại di chứng nên giờ mắt rất yếu, nhà lại nghèo, đông anh em nên Phúc chỉ được học hết mẫu giáo rồi nghỉ học ở nhà đi bán hàng phụ cha mẹ kiếm tiền, 10 tuổi em chỉ biết con chữ đủ để đếm tiền. Thấy chúng tôi mua hàng nên một số trẻ khác cũng xúm lại chào mời. Trong nhóm có một cô bé rụt rè, nhỏ người, ốm yếu hơn các bạn tên Phương, nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ lại bị tâm thần nên Phương phải đi bán hàng mua thức ăn về cho mẹ. Gánh nặng như đè trên đôi vai gầy cô bé... Mỗi chiếc túi thổ cẩm các em bán chỉ có giá 20 ngàn đồng, thế nhưng vẫn có khách mặc cả trả thấp hơn, lúc ế hàng phải bán rẻ hơn.
Những đứa trẻ lớn lên đã quen với việc leo núi để kiếm cho được mỗi ngày vài chục ngàn đồng. Langbiang có cả một tiểu đội nhí mang hàng dệt thổ cẩm từ các buôn làng lên phục vụ nhu cầu mua sắm quà lưu niệm của khách du lịch. Vừa thấy đoàn khách từ trên xe xuống là cả nhóm quây lại, ra sức mời chào. Cô cậu nào cũng nói tiếng Kinh nhưng chưa sõi: “Mua ủng hộ con...”, nhưng ngay khi gặp cái lắc đầu của du khách liền than thở rồi cả nhóm túm tụm dạt vào một góc, chuyện trò bằng ngôn ngữ bản địa của các em. Bán rong ở đây, ngoài tiểu đội nhí, còn có những cụ bà lớn tuổi hay những người mẹ địu con sau lưng, tất cả họ chỉ mong kiếm đủ tiền có cái ăn qua ngày cho cả gia đình đang đợi ở nhà. Nhìn những đứa trẻ đang nặng mang túi hàng thổ cẩm, thấy những ước mơ khuất nẻo đường về...
Thanh Hoa