Những "Giám đốc công ty hai sọt"

Thứ hai, 06/03/2017 10:26

(Cadn.com.vn) - Không phải là nữ doanh nhân để được tôn vinh, tặng cúp “bông hồng vàng” nhưng nhiều người dân ở khắp các bản làng miền núi Quảng Trị vẫn thường gọi họ là nữ “giám đốc công ty hai sọt” một cách trìu mến và khâm phục. Nghe tên thôi cũng bật lên được quy mô hoạt động của dạng “công ty” lưu động đặc biệt này. Chỉ với 2 chiếc sọt chất đầy hàng hóa thiết yếu quàng sau xe máy, những người phụ nữ chịu khó không quản đường xa, núi cao hiểm trở đến với từng bản xa xôi, lặng thầm góp phần thay đổi đời sống, kinh tế của người dân nơi đây với phương châm: mang cả chợ đến tận nhà, giá cả khỏi lo...

Với sự tận tình, chịu khó của đội ngũ “công ty hai sọt”, đồng bào Vân Kiều – Pa Cô
đã được cung cấp hàng hóa phong phú đến tận bản, từng ngõ nhà.     

Sáng sớm, chị Hồ Thị Năm ở bản Khe Van (xã Hướng Hiệp, H.Đakrông) chuẩn bị lên rẫy, đã nghe tiếng xe máy quen thuộc từ xa vọng đến. Chị bật dậy, chạy xuống rồi gọi như báo tin cho hàng xóm: “Pỉ Lệ lên rồi, lên rồi”. Cứ ngỡ chị đón người thân về, hóa ra là chị bán hàng rong từ Cam Lộ lên với lỉnh kỉnh hàng treo phía trước, chất đầy hai sọt phía sau, còn thêm cả thùng xốp chở hàng hải sản. “Hôm ni có cá cơm tươi xanh nì, cá nục nữa, đi sớm, tranh lắm mới được chừng nớ đó”, chị Lệ khoe. “Pỉ Lệ cho mình nợ bữa ni nghe, để thu hoạch sắn có tiền là trả luôn”, chị Năm từ tốn mở lời dù biết “giám đốc” rất thân thiện. “Cứ lấy đi, chỗ quen biết hết mà”, chị Lệ giục. Thôi thì đủ thứ: từ rau cải, rau muống, cà chua, đậu phụ, thịt lợn, thịt bò, đến cá đồng, cá biển, mắt hến... đều có tất. Ngay cả đồ ăn sáng là xôi, bánh mì, bánh ướt cũng không thiếu, được gói lẻ sẵn từng phần cho tiện mua bán. “Nhà ở gần cầu đầu Đầu Mầu nhưng 3 giờ sáng là tui phải xuống chợ Phiên Cam Lộ rồi, chọn mua hàng xong, chạy ngược lên Đakrông, chừng 8, 9 giờ là đến được các bản”, chị Lệ cho biết. Bất kể trời tạnh ráo hay mưa rét, chị vẫn đều đặn mang hàng lên bản, không chỉ vì cái sự mưu sinh, nuôi con đang học ngành Lắp ráp cơ khí tại Đà Nẵng mà còn vì cái nghĩa thân tình với đồng bào đã gắn bó lâu nay. “Vì cái chữ của con nên vợ chồng động viên nhau, nhiều lúc đi sớm, đường xa cũng sợ lắm. Hàng bán cho bà con miền núi giá phải mềm, không khác gì chợ dưới xuôi, cũng phải linh hoạt cho “ký sổ” chứ khư khư thu tiền “tươi” thì được mấy bữa. Được cái bà con thật thà, mua bán dễ chịu lắm”, chị Lệ trải lòng. Với sự gần gũi ấy, chị Lệ được bà con gọi là “Pỉ Lệ” như cách gọi của đồng bào đối với người của bản, thân thương đến lạ.

Việc mua bán của chị Lệ lại khiến chúng tôi nhớ lần lên công tác tại ĐBP Sa Trầm đóng chân trên núi cao hơn 700m tại xã biên giới Pa Nang (H.Đakrông). Tại vùng hiểm trở và hun hút gió ngàn nhất 2 tuyến biên phòng Quảng Trị này còn có thầy cô lên cắm bản ở điểm trường lẻ gần đó. Sự vất vả, thiếu thốn của họ thấy rõ. Thế nhưng, “cầu nối” cho họ bớt nguôi nỗi nhớ miền xuôi chính là những bữa cơm đậm chất đồng bằng. “Một tuần 1 lần có chị Khanh chở hàng rong lên tận đỉnh cao này, nếu muốn mua thêm gì nhiều thì dặn trước, bây chừ cá khô có khi là xa xỉ đó”, cô giáo Oanh nói thật mà như đùa. Vì đường đi quá khó, chị Khanh phải lấy hàng từ chợ trung tâm Khe Sanh theo QL9, rồi vòng qua đường Lìa (H.Hướng Hóa) gập ghềnh núi mới đến được Sa Trầm, tính ngót cũng 100km. Hôm đó, chúng tôi được đãi nồi canh cá cơm với rau me rừng quyện hương thơm phức, không chỉ chứa đựng sự cần mẫn, nâng niu mà còn là những người con ưu tú đang tận tụy với sự nghiệp “gieo chữ trồng người” và trấn giữ phên giậu Tổ quốc thấy được hình bóng quê nhà, được động viên trong bề bộn thiếu thốn, cách trở.

Bữa sáng kịp đến với bé vùng cao bởi “công ty hai sọt”.

“Việc buôn bán không dễ dàng nhưng nhờ sự chịu khó của họ mà bà con tiếp cận được hàng hóa phong phú hơn. Kinh tế khó khăn không nói nhưng mấy năm lại đây, bà con trồng sắn, trồng chuối có phần dư giả, tiền có đó mà xa ngái chợ đò hàng chục ki-lô-mét, nếu không có “công ty hai sọt” thì bữa cơm cũng đạm bạc như thường”, anh Hồ Văn Phương chia sẻ. Dù chưa có thống kê nào nhưng đội quân “giám đốc hai sọt” như chị Lệ, chị Phương lên buôn bán tại Đakrông, Hướng Hóa rất đông. Nhiều xã ở H. Hướng Hóa có đến vài chục người làm nghề này. Bà Chua ở xã Tân Hợp (H. Hướng Hóa) cho biết, thời bà chưa có nhiều xe máy, phải gồng gánh hàng vào bản, nhưng đến khi 2 con gái bà lớn khôn nối nghiệp mẹ thì xe máy là phương tiện thông dụng, hữu ích gấp bội phần, việc buôn bán vì thế mà thuận tiện hẳn. Nhưng cũng vì đi xa hơn, đến những vùng sâu hơn, thành ra nguy hiểm, bất trắc rình rập họ không phải ít. Câu chuyện về cô gái tuổi 17 mấy năm trước vào bán hàng rong tại Hướng Hóa vẫn nhắc nhớ các “nữ giám đốc” thận trọng, cảnh giác trên mỗi hành trình lên ngược. Cô đã bị một “thượng đế” vờ mua hàng rồi sát hại nhằm đoạt xe máy. Bị truy lùng, nam hung thủ sau đó cũng đã tự vẫn. Tuy nhiên, không vì nỗi sợ đó mà họ bỏ nghề. Thay vì đi đơn lẻ, họ lại cùng liên kết nhau đến bản để có thể đỡ đần, chia sẻ lúc trở ngại xe cộ, hay đối phó khó khăn khôn lường. Cũng vì ngược xuôi bản làng, thông tin họ nắm được trên rẻo cao này cũng chi tiết. Và điều đó đã giúp cho CAH Hướng Hóa phá được vụ trọng án, sát hại tiểu thương người Quảng Trị để cướp tài sản xảy ra tại H. Mường Noòng (Lào) 2 năm trước. Đại tá Phan Thanh Quảng, Trưởng CAH chia sẻ, qua xác minh từ hơn 1 ngàn trường hợp bán buôn lẻ dọc tuyến biên giới Việt – Lào mà phần lớn là “công ty hai sọt”, CA đã thu thập được nguồn tin quan trọng, lần ra được nghi phạm quốc tịch Lào và phối hợp với CA nước bạn bắt giữ, thu hồi toàn bộ tang vật.

Diện mạo Đakrông, Hướng Hóa đã nhiều khởi sắc, đường sá được đầu tư, mở rộng  nên những nữ “giám đốc” bớt phần gian nan hơn trước nhưng “cơ ngơi” của họ vẫn chỉ là chiếc xe máy cũ quàng thêm đôi sọt mà rong ruổi khắp bản làng. “Chẳng có gì là to lớn nhưng bà con thêm điều kiện để bổ sung được món ngon trong bữa cơm của mình, vui lắm chứ”, chị Lệ phấn khởi. Cái tâm và sự đóng góp qua bao nhọc nhằn ấy của họ được bà con ghi nhận, là “bông hồng vàng” cũng xứng lắm chứ!          

Bảo Hà