Những góc khuất trong các trại tị nạn Rohingya

Thứ năm, 26/10/2017 11:34

Trong khi người tị nạn Rohingya bỏ chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh đang phải vật lộn để tiếp cận những điều cơ bản như thực phẩm và nước uống, ở những trại tị nạn chật hẹp, nhiều phụ nữ Rohingya phải hành nghề mại dâm để sinh tồn trong thời kỳ tuyệt vọng.

Trẻ em Rohingya tại trại tị nạn Kutupalong ở Bangladesh.    Ảnh: Reuter

Làn sóng phụ nữ bán dâm mới

4 phụ nữ Rohingya bước vào căn lều đắp bằng bùn. Họ trút bỏ khăn choàng đầu màu đen rồi ngồi xếp bằng trên sàn nhà đã được quét dọn sạch. Khi được hỏi liệu họ từng phải bán thân kiếm sống hay không, tất cả đều bối rối và im lặng. Sau khi gợi hỏi một lần nữa, 4 phụ nữ len lén nhìn nhau. Rồi từ từ từng người một đứng dậy, đóng chặt cửa chính và khép mọi cánh cửa sổ. "Nếu ai đó biết điều chúng tôi làm, họ sẽ giết chúng tôi", Romida, 26 tuổi, thì thầm nói.

Kể từ cuối tháng 8, hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya đã bỏ chạy khỏi Myanmar sang nước láng giềng Bangladesh trong cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất thế giới để tránh làn sóng bạo lực leo thang giữa phiến quân Rohingya và quân đội Myanmar. Tại Kutupalong, trại tị nạn lớn nhất do chính phủ Bangladesh lập từ năm 1992, ngành công nghiệp tình dục đang phát triển mạnh. Ngoài những người hành nghề mại dâm đã sống nhiều năm tại trại này, làn sóng người tị nạn Rohingya đang bổ sung thêm một số lượng lớn phụ nữ bán dâm mới. "Hiện có ít nhất 500 phụ nữ Rohingya đang hành nghề mại dâm trong trại Kutupalong", bà Noor, người làm nghề môi giới đã sống nhiều năm ở trại ước tính. "Những tay dắt mối đang để mắt tới những phụ nữ mới đến này", bà Noor cho biết.

Để sinh tồn

Theo báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), trong các trại tị nạn hỗn loạn và không tổ chức, trẻ em và thanh thiếu niên dễ trở thành con mồi của bọn buôn người và những kẻ có ý định bóc lột và lạm dụng lao động.

Trong cộng đồng Rohingya, mọi người thường nhắm mắt làm ngơ trước nạn mại dâm. "Mọi người giả vờ như hoạt động mại dâm không tồn tại. Các cô gái gặp khách hàng Bangladesh ở bên ngoài khu trại. Họ không "làm ăn" với đàn ông trong cộng đồng người Rohingya. Cộng đồng chúng tôi gắn kết chặt chẽ nên những lời đồn lan truyền nhanh chóng", bà Noor nói.

Nhiều trẻ em gái cũng hành nghề mại dâm. Các em thường chỉ được ăn một bữa mỗi ngày và không được đi học. Các bé gái này bí mật bán dâm và không để cho cha mẹ biết.  Kamru, 14 tuổi, đến trại Kutupalong khoảng 1 năm trước, cho biết, gia đình quá nghèo nên cô bé buộc phải làm nghề này kiếm sống qua ngày. "Cuộc sống ở trong trại là tất cả những gì tôi nhớ. Tôi lớn lên ở đây, nhưng luôn bị đói", Kamru nói.

Romida vật vã với miếng ăn hàng ngày, thậm chí còn thiếu ăn đến mức suy dinh dưỡng. Bán dâm là con đường sinh tồn duy nhất của cô. "Tôi không có lựa chọn khác", Romida nói. Trung bình một tuần, Romida tiếp 3 khách và cô không dám nhận thêm vì sợ bị phát hiện. "Thỉnh thoảng tôi đi vào thành phố Cox's Bazar, mất 2 tiếng đi xe ô-tô. Mỗi khi ra khỏi trại, tôi phải nghĩ ra một cái cớ gì đó. Lúc thì giả vờ đi thăm họ hàng, khi thì nói dối là đi làm thêm ở chợ". Khách hàng của cô rất đa dạng, từ sinh viên đại học cho đến quan chức địa phương. Hầu hết những người này đều không dùng bao cao su. "Tôi dùng thuốc tránh thai nhưng ngày nào tôi cũng lo mình bị nhiễm HIV", Romida chia sẻ.

Đa số gái mại dâm ở đây đều có chung hoàn cảnh: đói nghèo, bị thành viên trong gia đình ngược đãi đẩy họ vào con đường bán dâm. "Nếu các tổ chức cứu trợ không thể cung cấp cho họ cơm ăn, áo mặc hàng ngày, nguy cơ những người này trở thành nạn nhân của đường dây buôn người sẽ tăng cao", Lisa Akero, chuyên gia của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC), cảnh báo.

AN BÌNH (Theo Reuters)