Những khó khăn có thể lường trước trong mối quan hệ Ấn Độ - Iran
Mất đi đòn bẩy đáng kể trước Iran, Ấn Độ hiện phải đối mặt với mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Bắc Kinh và Tehran.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Flickr |
Hôm 5-9, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã gặp người đồng cấp Iran tại Tehran trong bối cảnh New Delhi ngày càng lo ngại về tương lai của Afghanistan. “Đã có một cuộc họp rất hiệu quả với Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Amir Hatami tại Tehran. Chúng tôi đã thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực bao gồm Afghanistan và các vấn đề hợp tác song phương”, ông Singh viết.
Ông Singh đã bay đến thủ đô của Iran từ Moscow (Nga), nơi ông đã tham dự cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và cũng có cuộc hội đàm song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cùng những người khác. Chuyến đi Iran của ông Singh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Ấn Độ với Trung Quốc, quốc gia nhận được sự ủng hộ từ Iran, cũng như mối quan ngại của giới giáo sĩ Iran về tình trạng và phúc lợi của người Hồi giáo Ấn Độ ở Kashmir và các nơi khác.
Chuyến đi cũng xảy ra vào thời điểm quan hệ Ấn Độ-Iran gặp phải những ràng buộc, đặc biệt là từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, vốn ảnh hưởng đến các dự án cơ sở hạ tầng của Ấn Độ ở đó. Trong những năm gần đây, chính phủ của Thủ tướng Modi đã đa dạng hóa đáng kể các mối quan hệ của mình ở Trung Đông, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận với Saudi Arabia cũng như Israel, kẻ thù trong khu vực của Iran. Ấn Độ cũng đã liên hệ với UAE, nước gần đây thiết lập quan hệ với Israel, động thái khiến Iran tức giận.
Giống như nhiều quốc gia trong khu vực, Iran đã nhận thấy và tìm cách khai thác sự cạnh tranh chiến lược giữ Mỹ và Trung Quốc. Kể từ khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) mang tính bước ngoặt vào năm 2018 - theo đó Iran đồng ý kiềm chế tham vọng hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt - Trung Quốc đã thay thế chỗ của Mỹ trong JCPOA. Bắc Kinh cũng lên tiếng chỉ trích Washington sau khi Mỹ ám sát chỉ huy quan trọng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran Qasem Soleimani hồi tháng 1 năm nay.
Nhiều báo cáo cho biết, hồi tháng 7, Iran và Trung Quốc đang trên đà ký kết một thỏa thuận rộng rãi bao gồm các vấn đề kinh tế và an ninh, theo sau đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du tới Iran năm 2016. Dù chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được công bố, nó có khả năng tạo ra đòn bẩy cho mối quan hệ giữ Tehran đối với phương Tây. Như Ellie Geranmayeh của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Châu Âu đã lập luận, Iran có khả năng đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc trước các nước phương Tây để đảm bảo “nắm thế chủ động trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Châu Âu và Mỹ về việc nới lỏng trừng phạt. Tehran có thể tự thể hiện mình như một lực lượng cân bằng trong mối quan hệ của các nước phương Tây với Bắc Kinh và Moscow”.
Rất có thể tính toán của Tehran đối với New Delhi cũng tương tự như vậy. Là một phần trong các sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, Ấn Độ đã cam kết mở rộng các liên kết trên bộ giữa Iran và Afghanistan cũng như phát triển cảng Chabahar nằm trên bờ biển của Iran. Cả hai sáng kiến đều mang tính chiến lược đối với ngành nhập khẩu của Ấn Độ. Đường sắt nối Chabahar với Zahedan ở biên giới IranAfghanistan sẽ chấm dứt khả năng kiểm soát hàng hóa của Pakistan đối với Afghanistan, quốc gia không giáp biển. Hơn nữa, chỗ đứng của Ấn Độ ở Chabahar sẽ là cơ hội của nước này đối với cảng Gwadar của Pakistan, gần như ngay bên cạnh, nơi đang được Trung Quốc phát triển.
Cả hai dự án đang tiếp tục bị trì hoãn do những phức tạp phát sinh từ các lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Đầu tháng 7 vừa qua, xuất hiện thông tin cho rằng Iran đang đẩy Ấn Độ ra khỏi dự án đường sắt ChabaharZahedan, điều mà Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã phủ nhận. Ấn Độ cũng đạt được rất ít tiến bộ với việc phát triển mỏ khí đốt Farzad-B ở Iran. Hồi tháng 7, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố “trước mắt Iran sẽ tự phát triển giếng dầu này và muốn có sự tham gia của Ấn Độ một cách thích hợp ở giai đoạn sau”. Ấn Độ đã ngừng nhập khẩu dầu từ Iran vào tháng 5 năm ngoái để tuân thủ các quy định trừng phạt của Mỹ.
Với những diễn biến khó chịu này, rủi ro mà Ấn Độ phải đối mặt hiện nay là khả năng mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc ở Iran và những phức tạp của các bên ở Afghanistan. Bị mất đòn bẩy đáng kể đối với Ấn Độ vì nhiều lý do, Tehran có thể chơi con bài Trung Quốc rõ ràng hơn trong quan hệ với New Delhi. Và những diễn biến khó lường trong mối quan hệ giữ hai nước chắc chắn sẽ còn rất nhiều.
AN BÌNH