Những khúc ca Xuân đi cùng năm tháng
(Cadn.com.vn) - Trong vườn Xuân âm nhạc Việt Nam, từ thế kỷ XX đến nay dù là ở giai đoạn lịch sử nào, dù là dòng nhạc tiền chiến hay truyền thống cách mạng, quê hương hay nhạc trẻ... thì những ca khúc gắn với hai chữ "mùa xuân" đều để lại những ấn tượng khó phai với đông đảo các thế hệ người yêu ca nhạc. Đó là những "Bài ca Xuân đi cùng năm tháng". Nhân đón chào mùa Xuân thứ 40 của hòa bình và dựng xây đất nước, xin điểm lại một số bài hát gắn với mùa Xuân còn mãi với thời gian, kể từ mùa xuân đầu tiên của non sông liền một dải.
Trước hết, phải kể đến ca khúc Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sỹ Văn Cao, một sáng tác mà sau hơn 20 năm nhạc sỹ tưởng như đã "dứt tình" với âm nhạc, bỗng bật lên những cảm xúc thật đặc biệt qua điệu valse với giai điệu mượt mà sâu lắng. Cảm xúc đó dâng trào trước mùa Xuân đầu tiên của hòa bình và thống nhất. Không hề quá lời khi có người đã khẳng định rằng, đây là bài hát luôn thức dậy trong hồn ta mỗi độ Tết đến Xuân về, kèm theo đó là những bâng khuâng, day dứt về một thái độ sống sao cho xứng với những gì mà cả dân tộc đã phải mất bao nước mắt, máu xương mới giành lại được.
"Mùa Xuân đầu tiên" là một trong nhiều ca khúc bất hủ của cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. |
"Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường, mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một tia nắng vui cho bao tâm hồn... Lời bài hát thật dung dị với những hình ảnh gần gũi, thân quen thấm đậm chất nhân văn. Giai điệu tươi đẹp, mượt mà, sâu lắng và cuốn hút làm sao. Càng hát tâm hồn ta càng như thánh thiện hơn lên.
"Xuân ca" thứ hai không thể không nhắc đến ca khúc Mùa xuân đến rồi đó của nhạc sỹ Trần Chung. Còn nhớ, những năm 80 của thế kỷ trước mỗi khi Xuân về Tết đến, nghe trên sóng phát thanh và truyền hình giai điệu rộn rã của "Em ơi mùa xuân đến rồi đó..." vang lên, lòng người lại thấy phơi phới sức xuân dù năm tháng đó, đất nước còn nhiều khó khăn. Mùa Xuân của Trần Chung là mùa Xuân của sức trẻ, sôi nổi mãnh liệt và yêu đời, đó cũng là mùa Xuân của đất nước dù còn nhiều gian khó nhưng đã thấy tương lai bừng sáng. Mùa Xuân 1978, sau khi được phát trên làn sóng phát thanh, bài hát Mùa xuân đến rồi đó đã nhanh chóng đến với quần chúng, rạo rực, sôi nổi, xốn xang...
Một ca khúc xuân kết hợp tuyệt vời giữa thơ và nhạc là bài Mùa xuân nho nhỏ của Trần Hoàn, phổ thơ Thanh Hải. Bài thơ của Thanh Hải sáng tác năm 1980, đã được Trần Hoàn đồng cảm đến từng hơi thở, ca từ rộn ràng náo nức mang cái phấn chấn của lòng người trước một "Đất nước bốn ngàn năm, vất vả và gian lao"; rồi với mấy câu kết đậm cảm xúc ngất ngây trước cảnh núi sông liền một dải: "Nước non ngàn dặm mình, Nước non ngàn dặm tình...". Cũng ít ai biết bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải sáng tác trong những năm cuối cùng trên giường bệnh, chống chọi với căn bệnh ung thư gan, cũng là thời điểm đất nước vô cùng khó khăn. Vậy mà lời thơ tràn đầy niềm tin vào cuộc sống qua những nốt nhạc người nhạc sỹ tài hoa Trần Hoàn, "Mùa xuân nho nhỏ" đã đi vào lòng người và còn mãi cùng năm tháng.
Một bài ca về mùa Xuân nữa mà mỗi khi cất lên, cả người nghe và người hát đều thấy rạo rực, hừng hực khí thế của mùa Xuân, của tương lai phơi phới. Đó là bài Cung Đàn mùa xuân của Cao Việt Bách, phỏng thơ Lưu Trọng Lư. Với nhịp điệu sôi nổi, linh hoạt, nhạc sĩ Cao Việt Bách đã chấm phá nên bức tranh mùa Xuân đất nước đang đón chào: Em ơi vút lên một tiếng đàn. Kìa đàn đã so dây, cung đàn đã lựa phím. Đất nước mình xôn xao mùa vui đang nở rộ. Bình minh chiến thắng reo ca. Xuân về non nước bao la... Trong một ngày xuân năm 1981, sau khi tình cờ đọc bài thơ của Lưu Trọng Lư trên báo Văn nghệ, trái tim nhạy cảm của nhạc sĩ đồng điệu ngay với hồn thơ thi sĩ và những giai điệu của một ca khúc theo những câu thơ giàu hình ảnh cứ thế tuôn trào. Bên cạnh những bài hát có tiết tấu nhanh, thanh thoát và sôi nổi, trong giai đoạn này, không thể không nhắc đến những ca khúc mang "hơi thở mùa xuân" có âm điệu nhẹ nhàng sâu lắng như Mùa xuân bên cửa sổ của Xuân Hồng, viết dựa trên ý thơ Song Hảo.
Bài hát ra đời trong bối cảnh đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh ở phía Bắc và Tây Nam. Bài hát toát lên vẻ đẹp của một tình yêu bình dị nhưng trong sáng và cao đẹp giữa người lính trẻ, vào mùa xuân trở về thăm phố phường vào những ngày mặt trận bình yên và thăm người yêu là cô thợ trẻ. Mùa xuân bên cửa sổ ra đời đã chinh phục ngay giới trẻ, đặc biệt là những chàng lính trẻ xa nhà với hình ảnh thật lãng mạn, bình yên: "Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau/ Đường phố ơi hãy yên lặng để hai người hôn nhau!". Có người nói, trong những ca khúc cách mạng từ trước đến thời điểm đó, hầu như chưa có tác giả nào đưa chuyện "hôn nhau" của trai gái vào bài hát của mình nhưng Xuân Hồng đã tiên phong đưa hình tượng đó vào bài hát, tạo ra hiệu ứng giàu cảm xúc và có sức lan tỏa, đặc biệt là trong giới trẻ cho đến bây giờ...
Đất nước đang bước vào mùa Xuân thứ 40 của hòa bình và dựng xây. Nhìn lại chặng đường âm nhạc của giai đoạn lịch sử quan trọng này qua những ca khúc về mùa xuân, trong lòng lại rạo rực, náo nức khó tả và lắng sâu với những kỷ niệm về những năm tháng tuy gian lao nhưng luôn lạc quan và tràn đầy sức sống mùa Xuân-những mùa Xuân còn mãi với thời gian!
Dân Hùng