Những kiểu kinh doanh làm bạn “tử thần”
Qua kiểm tra, Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH CA Quảng Ngãi phát hiện nhiều cơ sở thu mua phế liệu còn quá chủ quan, coi thường tính mạng của chính mình và người khác sẵn sàng thu mua, tàng trữ trái phép bom, đạn có nguy cơ gây nổ cao.
Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội CA tỉnh và CAH Sơn Tịnh phát hiện thu giữ nhiều đầu đạn chưa nổ tại cơ sở phế liệu của bà Trần Thị Lê, ở xã Tịnh Hà, H. Sơn Tịnh. |
Những kho "bom nổ chậm”
Mới đây, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH CA tỉnh và CAH Sơn Tịnh phát hiện cơ sở thu mua phế liệu của vợ chồng bà Trần Thị Lê, ở xã Tịnh Hà (H. Sơn Tịnh) chứa nhiều đầu đạn cối và quả đạn 105 ly chưa nổ. Bà Lê giãi bày: "Tôi không mua bom đạn nhưng chắc do lúc không có tôi ở nhà nên mấy đứa nhỏ không biết mua đó". Còn tại cơ sở thu mua phế liệu của ông Đỗ Lư, ở xã Tịnh Hà cũng phát hiện một số vỏ quả đạn cối được ông thu mua trước đó. Tuy nhiên ông Lư vẫn chủ quan tự tin việc mua, tàng trữ không để xảy ra cháy nổ. "Nhìn là biết cái nào nổ cái nào không nổ. Khi đít đầu đạn bám vô thuốc dài 1, 2 ly nó vẫn nổ. Nhưng đầu đạn nó ngắn hơn 1, 2 ly thì không nổ. Còn đầu đạn nào có tầng đỏ trên đầu thì nó nổ", ông Đỗ Lư tỏ vẻ tự tin.
Đối với bom, đạn, mìn, kíp và các vật liệu nổ khác lại có một số người chuyên làm công việc phá dỡ lấy thuốc nổ bán. Họ là những người coi thường cái chết, vô tư cưa, đục bom đạn để lấy thuốc nổ. Nguồn thuốc nổ ấy được bán chui cho những cơ sở khai thác đá, vàng, mở hầm mỏ và đánh bắt cá. Cả một dây chuyền dò tìm, buôn bán, sử dụng vật liệu nổ như thế nên có thể nói rằng, cái chết tiềm ẩn ở bất cứ đâu. Kéo theo đội ngũ "mưu sinh trên đầu tử thần" là điểm, cơ sở thu mua phế liệu nằm trong lòng khu dân cư đông đúc. Nhiều cơ sở thu mua phế liệu vẫn lén lút thu mua các loại vật liệu nổ như bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh.
Cách đây không lâu ông Nguyễn Bảy, ở thôn An Hội Bắc, xã Nghĩa Thắng (H. Tư Nghĩa), là chủ cơ sở thu mua phế liệu đã thiệt mạng từ việc cưa đầu đạn. Ông Bảy kinh doanh phế liệu thường mua bom, đạn sau chiến tranh để lấy thuốc nổ. Trong lúc ông đem nhiều đầu đạn pháo 105 ly, đầu đạn cối 60 ly vào khu vực rừng keo Đá Thùng, thuộc thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng cưa lấy thuốc nổ thì xảy ra nổ làm ông Bảy tử vong. Kiểm tra cơ sở phế liệu của ông Bảy còn phát hiện hàng chục đầu đạn khác chưa nổ.
Vật liệu nổ sau chiến tranh tại cơ sở thu mua phế liệu. |
Nhiều người dân còn chủ quan
Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Mậu Tuất, lực lượng Cảnh sát Quản lý về TTXH CA Quảng Ngãi đẩy mạnh kiểm tra, tuyên truyền về mối nguy hiểm tiềm ẩn của vũ khí, vật liệu nổ, bom mìn và rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh phế liệu để tuyên truyền cho người kinh doanh hiểu mức độ nguy hiểm để phòng tránh. Theo Đại úy Bùi Thế Vương- Phó đội Trưởng Đội Cảnh sát Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH: "Qua công tác kiểm tra Phòng và CA các đơn vị, địa phương sẽ hướng dẫn nhắc nhở làm cho các chủ cơ sở thấy rõ việc tác hại thu mua các phế liệu, phế phẩm chất nổ này. Cam kết không mua các phế liệu, phế phẩm này có thể ảnh hưởng đến nguy hại gia đình và xã hội". Cũng theo Đại úy Bùi Thế Vương, qua khảo sát của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh), mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 người chết và hàng ngàn người bị thương do tai nạn bom mìn.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hàng trăm điểm thu mua phế liệu. Phần lớn đều chật chội, tạm bợ và các hoạt động phân loại, cắt cưa của chủ phế liệu diễn ra hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Có một thực tế là cả người mua lẫn người bán phế liệu chiến tranh đều thiếu kiến thức về vật liệu nổ, một số cơ sở lại nằm trong khu dân cư nên tiềm ẩn nhiều hiểm họa.
T. SỰ